09:02, 12/02/2021

Chàng trai đam mê nghiên cứu trí tuệ nhân tạo

Trong xã hội hiện đại, các thiết bị hình ảnh đang tạo ra nguồn dữ liệu khổng lồ. Làm thế nào để ứng dụng dữ liệu đó vào đời sống? Hoàng Trung Hiếu, chàng trai gốc Nha Trang - Khánh Hòa, một trong những gương mặt trẻ nổi bật trong giới khoa học máy tính ở Việt Nam đã đi tìm câu trả lời bằng những nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI) mang tầm thế giới.

Trong xã hội hiện đại, các thiết bị hình ảnh đang tạo ra nguồn dữ liệu khổng lồ. Làm thế nào để ứng dụng dữ liệu đó vào đời sống? Hoàng Trung Hiếu, chàng trai gốc Nha Trang - Khánh Hòa, một trong những gương mặt trẻ nổi bật trong giới khoa học máy tính ở Việt Nam đã đi tìm câu trả lời bằng những nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI) mang tầm thế giới.


“Huấn luyện” máy tính phục vụ con người


Sử dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế, cụ thể là việc phân tích và xử lý hình ảnh thu được từ nội soi đường ruột là một trong những hướng đi đã được anh Hiếu cùng nhóm nghiên cứu thực hiện trong thời gian qua. Anh Hiếu cho biết: “Quá trình bác sĩ đưa đầu dò nội soi vào cơ thể người có thể thu được một loạt video. Từ những video đó, có thể xây dựng những phần mềm máy tính để tự động phát hiện những dấu hiệu bất thường như: chảy máu, khối u... để đưa ra cảnh báo cho bác sĩ. Hệ thống giúp sàng lọc và phát hiện các bệnh thường gặp, các điểm giải phẫu, hỗ trợ bác sĩ trong chẩn đoán hình ảnh”. Trong số 26 đội thi từ khắp nơi trên thế giới, bài báo của anh Hiếu đã được lựa chọn là 1 trong 5 bài đăng trong Grand Challenges - BioMedia Track của ACM Multimedia 2019, hội nghị hàng đầu về lĩnh vực đa phương tiện. Anh Hiếu còn xuất sắc được nhận tài trợ để tham dự hội nghị tại Nice, Pháp. Với kết quả trình bày poster xuất sắc tại hội nghị, bài báo tiếp tục được lựa chọn là 1 trong 2 bài vào vòng chung kết. “Trong tương lai, tôi sẽ tiếp tục đào sâu và giải quyết những bài toán thuộc lĩnh vực này như: cải tiến độ chính xác, tạo lập báo cáo, bệnh án, kết quả nội soi tự động, phân tích tự động và đánh giá các thao tác của bác sĩ trong quá trình nội soi, thử nghiệm áp dụng tại dữ liệu thực tế ở Việt Nam...”, anh Hiếu chia sẻ.

 

Anh Hoàng Trung Hiếu.

Anh Hoàng Trung Hiếu.


Thời gian qua, một trong những hướng nghiên cứu khác mà anh chú trọng là sử dụng trí tuệ nhân tạo tích hợp vào các camera giám sát giao thông trong thành phố nhằm theo vết phương tiện giao thông dựa vào hình dạng và dấu vết đặc biệt trên phương tiện. Từ đó, máy tính phát hiện những bất thường như: Xe di chuyển sai làn, bị trục trặc, dừng lại trên đường cao tốc... Hệ thống có thể áp dụng trong phát triển ứng dụng thành phố thông minh, khai thác thông tin từ video giám sát giao thông một cách tự động. Kết quả nghiên cứu đã được công cố tại hội nghị CVPR năm 2019 tại Mỹ, hội nghị có tầm ảnh hưởng hàng đầu trên thế giới về thị giác máy tính.


Trí tuệ nhân tạo là lĩnh vực mới chỉ thực sự bùng nổ trong vài năm trở lại đây. Đây là lĩnh vực khá rộng với nhiều hướng nghiên cứu khác nhau. Anh Hiếu tập trung nghiên cứu mảng thị giác máy tính, “huấn huyện” máy tính có khả năng nhìn, phân tích hình ảnh, video như con người.


Đam mê và nỗ lực

 

Hoàng Trung Hiếu: Đi nhiều nơi trên thế giới, tham gia nhiều chương trình về giao lưu sinh viên quốc tế, tôi nhận thấy sinh viên Việt Nam không thua bất cứ sinh viên của quốc gia nào về khả năng tư duy logic, nhưng lại thiếu 2 điều là sự tự tin và vốn ngoại ngữ. Đó là rào cản lớn để người trẻ Việt Nam hội nhập trong thế giới phẳng.

Anh Hoàng Trung Hiếu dễ dàng thuyết phục và truyền cảm hứng cho người đối diện bởi sự thông minh, bản lĩnh và niềm say mê đặc biệt đối với công nghệ thông tin của mình. Tình yêu khoa học nhen nhóm từ những ngày anh còn rất nhỏ, lúc chỉ mới biết mày mò tháo lắp những bộ đồ chơi. Tình yêu ấy ngày càng lớn dần khi được học những bài học đầu tiên về lập trình khi còn là học sinh Trường THCS Thái Nguyên (TP. Nha Trang). Rồi sau đó, cậu bé ấy đã có những sản phẩm cụ thể khi tham gia Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng. Rồi đến khi trở thành học sinh chuyên Tin Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (Nha Trang), Hiếu đoạt giải ba Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia năm lớp 11 (dự án “Tính toán trên hệ đếm nhị phân”) và giải nhì cấp quốc gia năm lớp 12 (dự án Thiết kế bộ thí nghiệm cho phép dùng máy tính điện tử để điều khiển toàn bộ quá trình thực hiện thí nghiệm, ghi chép kết quả, xử lý số liệu và xuất kết quả). Với thành tích đó, học sinh này được tuyển thẳng vào hệ cử nhân tài năng Khoa Công nghệ thông tin Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. 4 năm sau, anh Hiếu đã tốt nghiệp Á khoa sau khi đã sưu tập hàng loạt giải thưởng quốc gia, quốc tế.


“Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”, câu nói ấy rất đúng với anh Hiếu, khi chàng trai trẻ may mắn được gia đình ủng hộ, thầy cô hỗ trợ, động viên và những người bạn cùng đam mê, chí hướng đồng hành. Anh Hiếu cho rằng: “Những bạn trẻ có đam mê công nghệ thông tin nên chọn cho mình một hướng đi trọng tâm, xác định rõ thế mạnh, đam mê để dồn hết trí lực cho nó. Khi nghiên cứu, cần hướng đến việc ứng dụng vào các lĩnh vực khác trong đời sống để xã hội cùng phát triển”.


HOÀNG NGÂN

 

 


 

Sinh năm 1997, anh Hiếu đã có 8 công trình nghiên cứu khoa học, trong đó có 4 bài báo là tác giả, đồng tác giả được đăng tại các hội nghị khoa học uy tín trên thế giới. Năm 2020, anh đạt giải thưởng Khóa luận xuất sắc “Global Undergraduate Award 2020” khu vực châu Á; nhận học bổng toàn phần bậc Tiến sĩ tại Đại học Illinois, Hoa Kỳ. Ngoài ra, còn có hàng loạt thành tích các cấp như: Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc, “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương, giải nhất cuộc thi Sinh viên Nghiên cứu Khoa học Eureka lần thứ 21 do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, Công dân trẻ tiêu biểu TP. Hồ Chí Minh năm 2019… Hiếu cũng rất năng nổ trong các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, từng là Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Phó Bí thư Đoàn Khoa Công nghệ thông tin, tham gia dẫn chương trình tại các cuộc thi, giảng dạy lập trình cho học sinh trung học... Hiện nay, anh theo học Tiến sĩ tại Đại học Illinois.