09:02, 11/02/2016

Nhạc sĩ Kpa Y Lăng và đàn đá Khánh Sơn

Một lần đến Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, tôi may mắn được gặp nhạc sĩ Kpa Y Lăng, người đã tìm ra đàn đá Khánh Sơn, một cổ vật nổi tiếng của Khánh Hòa. Gần 40 năm trôi qua, nhưng nhắc lại chuyện đi tìm đàn đá, người nhạc sĩ gốc dân tộc Ba Na vẫn còn nhớ như in.

Một lần đến Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, tôi may mắn được gặp nhạc sĩ Kpa Y Lăng, người đã tìm ra đàn đá Khánh Sơn, một cổ vật nổi tiếng của Khánh Hòa. Gần 40 năm trôi qua, nhưng nhắc lại chuyện đi tìm đàn đá, người nhạc sĩ gốc dân tộc Ba Na vẫn còn nhớ như in.


Lội suối băng rừng đi tìm đàn đá


Theo nhạc sĩ Kpa Y Lăng (tên thật là La Mai Chửng, hơn 70 tuổi, người dân tộc Ba Na, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên), năm 1949, trong khi đào đất làm đường, người dân làng Ndut Liêng Krắk (nay thuộc xã Krông Nô, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) đã phát hiện 11 thanh đá có âm thanh lạ. Nhà dân tộc học G. Condominas đã đem về Pháp nghiên cứu và công bố đây là đàn đá thời tiền sử, có niên đại khoảng 4.000 - 10.000 năm. Theo tư liệu của G.Condominas, ngoài bộ đàn đá trên, ở Việt Nam còn 2 bộ đàn đá khác, trong đó một bộ được một đại úy người Mỹ lấy đi, bộ còn lại đang ở trong nước. Năm 1978, Giáo sư - nhạc sĩ Trần Văn Khê từ Pháp gửi về một đĩa hát ghi dân ca dân nhạc của dân tộc Mnong Gar, do G. Condominas thực hiện, trong đó thu tiếng của bộ đàn đá nói trên. Lãnh đạo Nhà nước Việt Nam bấy giờ, cũng như các nhà nghiên cứu âm nhạc trong nước rất đau lòng khi những bộ đàn đá do cha ông sáng tạo đang ở đất khách quê người. Chính vì vậy, việc sưu tầm đàn đá được đặt ra, bởi giới nghiên cứu nhận định chắc chắn Việt Nam còn có những bộ đàn đá khác.

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp xem đàn đá  trong một lần đến thăm Khánh Hòa
Đại tướng Võ Nguyên Giáp xem đàn đá trong một lần đến thăm Khánh Hòa


Tháng 6-1978, Bộ Văn hóa - Thông tin giao nhiệm vụ cho Viện Nghiên cứu âm nhạc sưu tầm đàn đá. Nhiệm vụ này được giao cho Kpa Y Lăng - người biết nhiều ngôn ngữ các dân tộc thiểu số. Những ngày tháng ấy, ông lang bạt trên mọi nẻo đường để đến các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Thuận Hải, Phú Khánh, cứ nghe ai nói ở đâu có dấu vết của đàn đá là ông lại tìm đến dò hỏi. Cuối năm 1978, ông tình cờ gặp một cán bộ tỉnh Phú Khánh từng ở vùng chiến khu Ba Cụm, Khánh Sơn và được biết trong những năm chống Mỹ, họ đã từng thấy đồng bào Raglai ở vùng này có một giàn đá treo bên suối dùng để đuổi thú rừng, khi nước chảy qua đẩy những tấm đá va vào nhau, phát lên những âm thanh nghe rất vui tai. “Biết được tin, tôi cùng 2 cán bộ của Ty Văn hóa - Thông tin Phú Khánh là Ka Sô Liễng, Nguyễn Thế Khoa hăm hở lên Khánh Sơn. Không may gặp lũ quét, đường đèo bị sạt lở, xe không đi được nên phải quay về chờ đợi đến mùa khô”. Đầu năm 1979, nhạc sĩ Kpa Y Lăng cùng nhà nghiên cứu văn hóa Ka Sô Liễng lại lên đường. Trước đó, được sự chỉ đạo của tỉnh, chính quyền địa phương đã vận động người dân thu thập các thanh đá cất giấu rải rác. Ngày 28-2-1979, ông Bo Bo Ren, chủ nhân của bộ đàn đá đã trao 5 thanh đá đầu tiên cho đoàn cán bộ Viện Nghiên cứu âm nhạc và UBND tỉnh. Cuối tháng 3-1979, ông Bo Bo Ren dẫn đoàn sưu tầm lên núi Dốc Gạo đem về 7 thanh đàn đá nữa. “Ông Bo Bo Ren cho biết, bộ đàn đá này được ông và cha ông (cụ Bo Bo Sung) phát hiện trong khi đi đào củ mài từ trước năm 1945. Ngoài bộ đàn đá này, cụ Bo Bo Sung còn bộ đàn đá 9 thanh nữa dùng để giữ rẫy, nhưng năm 1964 đã bị bom Mỹ đánh vỡ tan. Chính vì sợ bị bom đánh vỡ nên ông Bo Bo Ren đã đem 12 thanh đá còn lại cất giấu ở nhiều nơi,” nhạc sĩ Kpa Y Lăng nhớ lại.

 


Gần 40 năm đã qua, nhạc sĩ Kpa Y Lăng vẫn không quên những ngày tháng luồn rừng đi tìm đàn đá. Ông kể: “Lần đầu gặp, hỏi chuyện, ông Bo Bo Ren bảo có đàn đá nhưng đã cất giấu trong hang, phải đi kiếm chứ lâu quá, quên mất rồi. Chúng tôi phải tổ chức tìm chỗ cất giấu, đoàn đi bộ vào trong rừng sâu, giáp với huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận, rồi tìm thấy đàn đá 7 thanh dưới lớp lá cây phủ dày. Cảm xúc lúc đó không thể nào diễn tả được, chúng tôi quên hết mệt nhọc. Tôi lấy máy ảnh ra chụp, lấy máy cassette thu tiếng. Rồi mỗi người một thanh, bí mật gùi đàn đá về huyện”. Khi tìm thấy đàn đá, mọi người “nâng như nâng trứng”, bởi ai cũng biết sự quan trọng của đàn đá. Sau khi đem về Nha Trang, đàn đá được Viện Nghiên cứu âm nhạc đem về TP. Hồ Chí Minh để nghiên cứu, lấy một thanh gởi sang Đức để các nhà khoa học nghiên cứu về niên đại. Bộ Văn hóa - Thông tin đã ra chỉ thị thành lập hội đồng khoa học và tiểu ban công tác về đàn đá Khánh Sơn (gồm 3 tổ nghiên cứu, sáng tác, tuyên truyền). Sau đó, một lễ công bố hoành tráng được tổ chức tại TP. Nha Trang. Sau này, ngành khảo cổ tiếp tục khai quật thêm đàn đá Bình Đa, đàn đá Di Linh, tuy nhiên những bộ đàn đá đó không hoàn chỉnh như đàn đá Khánh Sơn. “Lịch sử đã ghi tên đàn đá Khánh Sơn”, nhạc sĩ Kpa Y Lăng khẳng định.


Đậm chất Tây Nguyên


Với những người trong nghề, Kpa Y Lăng không chỉ có “duyên” với đàn đá Khánh Sơn mà còn là một chuyên gia về văn hóa, âm nhạc Tây Nguyên. Những ai từng tiếp xúc với ông đều nhận xét, con người ông đậm đặc chất Tây Nguyên, lúc nào cũng sôi nổi, hừng hực như nắng gió đại ngàn. Tuy sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, nhưng thời gian ông ở Tây Nguyên còn nhiều hơn ở nhà. Nhiều người ở các buôn làng Tây Nguyên xem ông như già làng. Khi về già, sợ một ngày bước chân mình không còn đến được vùng đất ấy, ông đã đưa con trai La Y Sang lên học đàn goong với Nghệ sũ Ưu tú Thảo Giang (nguyên là nhạc công Đoàn Nghệ thuật Đam San, Đắk Lắk). Không phụ lòng ông, La Y Sang đã mê mẩn cây đàn goong, học được những ngón đàn tài hoa của người thầy, cũng như cách chế tạo đàn.

 


Giờ đây, ở tuổi ngoài 70, Kpa Y Lăng sống ở TP. Hồ Chí Minh, không có mảnh vườn, đám rẫy nào, nhưng ông có cả Tây Nguyên rộng lớn. Còn hạt giống mà ông đã ươm mầm từ vùng cao nguyên đất đỏ giờ đã vươn thành cây, gọi chim về tụ đàn, hót vang. La Y Sang đã trở thành một trong 5 thành viên của nhóm Sân Khấu Việt, đưa nhạc cụ truyền thống Tây Nguyên biểu diễn thường xuyên ở nhiều nước châu Âu. Trong câu chuyện với chúng tôi, Kpa Y Lăng có nói, âm nhạc truyền thống của đồng bào Tây Nguyên (trong đó có Raglai) rất giá trị. Tây Nguyên sẽ không còn là chính mình nếu mất đi cồng chiêng, mất đi tiếng đàn T’rưng, đàn goong… Trong giọng nói của ông, người nghe vẫn thấy nhiệt huyết của con người lội suối băng rừng đi tìm đàn đá của mấy mươi năm trước!


Thành Nguyễn

 


 



Theo số liệu của Viện Nghiên cứu âm nhạc, đến năm 1987, tổng số thanh đàn đá tìm được tại Dốc Gạo đã lên đến 172 thanh các loại. Và theo một nhóm khảo cổ học, ngoài con số 172, còn thu được 550 mảnh tước được tách ra trong quá trình chế tác đàn đá.