Cách đây 70 năm, trong thư gửi Liên hợp quốc tháng 12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố với nhân dân và chính phủ các nước về chính sách mở cửa, hợp tác vì hòa bình, phát triển của Việt Nam.
Cách đây 70 năm, trong thư gửi Liên hợp quốc tháng 12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố với nhân dân và chính phủ các nước về chính sách mở cửa, hợp tác vì hòa bình, phát triển của Việt Nam. Người khẳng định rõ chủ trương thu hút đầu tư, hợp tác kinh tế với bên ngoài ngay từ những ngày đầu cách mạng. Những tư tưởng của Người về hội nhập kinh tế quốc tế đến nay vẫn còn nguyên giá trị, được Đảng ta vận dụng và phát huy hiệu quả trong công cuộc đổi mới...
Khai sáng một con đường
Ngược dòng lịch sử, có thể nhận thấy, trước Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, những bậc tiền bối như Nguyễn Trường Tộ, Bùi Viện và nhiều nhà cải cách nước ta cuối thế kỷ XIX đã có những kiến nghị duy tân, theo hướng mở rộng giao thương với các nước. Tuy nhiên, các kiến nghị, giải pháp này còn hạn hẹp cả về không gian, lĩnh vực và pháp nhân. Sau đó, nhà yêu nước Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh cũng đã tìm hướng mở cửa sang phương Đông, phương Tây nhưng do nhiều hạn chế nên nước ta vẫn ở trong thế biệt lập. Chỉ đến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau nhiều năm bôn ba tìm đường cứu nước, đem lại độc lập tự do cho dân tộc, Người đã nâng khái niệm hợp tác kinh tế quốc tế lên một tầm cao mới. Theo Người, hợp tác, phá bỏ thế biệt lập là để xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu, để được sánh vai với các nước trên thế giới và sâu xa là đặt chiến lược phát triển của nước ta gắn liền với những chuyển biến mang tính thời đại. Đó cũng là nét khác căn bản giữa tư tưởng hội nhập của Hồ Chủ tịch với các bậc tiền bối.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhân sĩ trí thức Mỹ phản đối chiến tranh ở Việt Nam (17-1-1967). Ảnh: hochiminh.vn |
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trong bối cảnh thù trong giặc ngoài đang cấu kết với nhau để chống phá cách mạng, Hồ Chủ tịch trước sau như một thể hiện rõ thiện chí của Việt Nam sẵn sàng quan hệ ngoại giao và thương mại với tất cả các nước trên thế giới. Cuốn Hồ Chí Minh toàn tập (tập 4, xuất bản năm 2011) ghi lại, trong thư gửi Liên hợp quốc tháng 12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kinh tế của mình... Sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế...”. Trước đó, chỉ sau ngày tuyên bố độc lập một tháng, ngày 3-10-1945, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ cũng công bố chính sách ngoại giao, quan tâm tới các khía cạnh trong quan hệ quốc tế: đối với các nước lớn thì “hết sức thân thiện, thành thật hợp tác trên lập trường bình đẳng và tương ái để xây dựng hòa bình thế giới lâu dài”; đối với nước Pháp thì “mong muốn xây dựng quan hệ hữu nghị, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau”; với láng giềng thì “hợp tác trên tinh thần bình đẳng, cùng tiến hóa”... Có thể nói, đó là những nét cơ bản về chính sách đối ngoại và chủ trương hội nhập quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng, Nhà nước ta trong những ngày đầu cách mạng. Trên cương vị người đứng đầu Nhà nước Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nhiều lần nhấn mạnh tư tưởng hội nhập và đoàn kết quốc tế trong thời chiến cũng như thời bình. Tựu trung lại, tư tưởng hội nhập quốc tế của Người chứa đựng nhiều nội dung ý nghĩa, trong đó nổi bật là những vấn đề cơ bản: một là, hội nhập quốc tế phải phục vụ mục tiêu cơ bản và xuyên suốt của cách mạng Việt Nam là độc lập - thống nhất - chủ nghĩa xã hội; hai là, hợp tác đa phương, sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước trên thế giới; ba là, giữ vững độc lập chủ quyền, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi.
Quan điểm và những nhìn nhận của Hồ Chủ tịch về tư tưởng hội nhập, đến nay vẫn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế của Đảng và Nhà nước ta. Quan điểm ấy được xem là di sản quý báu mà Người đã để lại cho chúng ta, để chúng ta bước tiếp con đường Người đã mở...
Nâng bước hội nhập
Với tiền đề cơ bản được xây nên bởi thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám, Việt Nam đã tiếp tục hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Trong đó, chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, muốn “làm bạn với tất cả các nước”, “sẵn sàng là bạn và đối tác tin cậy”, là “thành viên có trách nhiệm” trong cộng đồng quốc tế được Đảng và Nhà nước ta vận dụng, thực hiện trong thời kỳ đổi mới cũng chính là nền tảng tư tưởng “mong muốn hợp tác trên cơ sở bình đẳng”, “sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gầy dựng ngay từ những ngày đầu lập nước.
Ngẫm lại mới thấy, từ thời của Hồ Chủ tịch, Người không chỉ coi trọng mở rộng hợp tác kinh tế với các nước dân chủ, các nước XHCN mà còn chú trọng phát triển kinh tế với cả những nước lúc đó còn là kẻ thù của dân tộc. Không phải ngẫu nhiên, Bác Hồ đã trích một câu trong Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ vào ngay đoạn mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam ngày 2-9-1945 và nhiều lần gửi thư cho Tổng thống, Ngoại trưởng Hoa Kỳ và Liên hợp quốc. Điều đó nói lên rằng, trong chủ trương đối ngoại, hợp tác, Bác coi trọng vị trí, vai trò của Hoa Kỳ và bày tỏ rõ thiện chí của nước ta. Tiếc rằng, khi đó, những tín hiệu ấy đã bị phía Hoa Kỳ bỏ qua. Nhưng với truyền thống hòa hiếu, nước ta đã chủ trương khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, góp phần xây dựng mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước như hiện nay. Dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ được thể hiện qua việc Việt Nam kết thúc đàm phán với Hoa Kỳ về việc gia nhập WTO; tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC ở Hà Nội năm 2006, Tổng thống G.Bush thăm Việt Nam và Hoa Kỳ dành cho nước ta Quy chế Thương mại bình thường thường xuyên (PNTR). Đặc biệt là tháng 7-2013, trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang, hai bên xác lập quan hệ đối tác toàn diện; gần đây nhất là chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - một sự kiện mang tính biểu tượng rất cao trong quan hệ giữa hai nước.
Trong 3 thập kỷ đổi mới, Đảng ta luôn kế thừa và vận dụng sáng tạo quan điểm “dĩ bất biến ứng vạn biến”, vừa kiên định về nguyên tắc chiến lược, vừa mềm dẻo, linh hoạt về sách lược trong tư tưởng Hồ Chí Minh đối với việc xử lý các vấn đề quốc tế của nước ta trong quá trình hội nhập. Tính đến nay, nước ta đã có quan hệ ngoại giao chính thức với 175 nước, có quan hệ thương mại với hơn 230 nước và vùng lãnh thổ, ký kết hơn 90 Hiệp định thương mại song phương... Năm 2007, Việt Nam gia nhập WTO với một khí thế lạc quan sau một thời kỳ tăng trưởng kinh tế tương đối cao và kéo dài. Đã có những ngôn từ “con rồng, con hổ mới” ở Đông Nam Á dành cho sự phát triển này của Việt Nam. Và năm 2015, thêm một sự kiện nữa đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của những nỗ lực kiên định chính sách mở cửa hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế của Đảng và Nhà nước ta - đó là việc hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tất cả những nỗ lực này cho thấy, hoạt động kinh tế đối ngoại đã có những bước chuyển quan trọng, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Chúng ta đã thực hiện được mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời. Điều này khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh về hội nhập vẫn đang soi sáng sự nghiệp đổi mới của Đảng, của đất nước trên con đường phát triển...
Hải Nguyệt