11:02, 08/02/2016

Chuyện khỉ trên đảo Hòn Lao

Trên đảo Hòn Lao có một xã hội khỉ thu nhỏ. Ở đó có cương giới lãnh thổ, có quốc vương - hoàng hậu, thường dân và cả những tay bụi đời. Tất cả hợp thành câu chuyện ly kỳ về những hậu duệ của "lão Tôn" trên hòn đảo này.

Trên đảo Hòn Lao có một xã hội khỉ thu nhỏ. Ở đó có cương giới lãnh thổ, có quốc vương - hoàng hậu, thường dân và cả những tay bụi đời. Tất cả hợp thành câu chuyện ly kỳ về những hậu duệ của “lão Tôn” trên hòn đảo này.


Được làm vua, thua làm... bụi đời

 


Trong dịp quay trở lại đảo Hòn Lao mới đây, chúng tôi được anh Bùi Văn Trường - Trợ lý giám đốc Khu du lịch Đảo Khỉ (Công ty Cổ phần Du lịch Long Phú) dẫn đi tìm hiểu đời sống của những cư dân trên đảo.
Với thâm niên hơn 10 năm làm việc trên đảo, tiếp xúc thường ngày với con cháu “lão Tôn” nên anh Trường nắm khá rõ thói quen, tập tính của từng đối tượng. Vừa đi qua khu vực Hoa Quả Sơn, chúng tôi bỗng nghe tiếng kêu thất thanh, cùng với đó là tiếng rào rào của đàn khỉ đang hốt hoảng di chuyển trên những tán cây. Như đã quen với cảnh tượng trên, anh Trường bảo: “Chắc lại có con nào trong đàn muốn cướp ngôi khỉ chúa, nên xảy ra cảnh hỗn chiến tranh giành ngôi báu”. Quả đúng như vậy, lát sau chúng tôi thấy một con khỉ đực với những vết thương còn rỉ máu lầm lũi ra khỏi đàn đi về khu vực vườn dừa. Như hiểu sự tò mò của tôi, anh Trường nói thêm, loài khỉ có tính đoàn kết bầy đàn rất cao. Trong mỗi đàn đều có 1 con đầu đàn được gọi là khỉ chúa. Trong cuộc sống thường ngày, khỉ chúa được hưởng tất cả các đặc quyền, đặc lợi mà những con khác trong đàn mang lại. Nhưng nó cũng là con đứng mũi chịu sào từ việc đi tìm, phân chia thức ăn đến giải quyết mâu thuẫn giữa các gia đình khỉ trong đàn hoặc phải trực tiếp nghênh chiến khi bị những đàn khác xâm phạm lãnh thổ. Với vị trí tối cao của mình, khỉ chúa cũng là đối tượng để những con khỉ đực trưởng thành khác trong đàn muốn lật đổ để cướp ngôi. Vì thế, khỉ chúa thường xuyên phải đối mặt với những trận chiến để bảo vệ ngôi báu của mình trước những kẻ có mưu đồ phản nghịch.


“Vậy số phận của kẻ thất bại trong những trận chiến đó ra sao?”. Để trả lời câu hỏi này, anh Trường dẫn chúng tôi đi về phía vườn dừa và giới thiệu: “Đây là lãnh địa của khỉ bụi đời”. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, anh Trường giải thích: “Khỉ bụi đời là cách gọi của nhân viên trên đảo và du khách đối với những con khỉ có máu liều lĩnh, sẵn sàng giành thức ăn, nước uống của du khách, nhất là với phụ nữ và trẻ em. Đây chủ yếu là những kẻ bại trận trong các cuộc chiến tranh giành ngôi báu, chúng bị cả đàn ruồng rẫy nên phải ra đây sống riêng lẻ. Được làm vua, thua làm bụi đời là vậy”.

 

Một đàn khỉ sống quây quần bên nhau
Một đàn khỉ sống quây quần bên nhau


Trong đội quân khỉ bụi đời, còn có những con khỉ trót yêu nhau mà không được sự cho phép của khỉ chúa, nên phải ra khỏi đàn. Dù lìa đàn, nhưng tình cảm của chúng vẫn mặn nồng nên thường cặp kè đi cạnh nhau và dành sự quan tâm, chăm sóc cho nhau. Hiện tại, số lượng khỉ bụi đời lên đến hơn trăm con, nhưng chúng vẫn sống tách biệt với nhau và không bao giờ trở thành đàn; chúng thường đi 1 mình hoặc 1 đôi.


Những câu chuyện cảm động


Chia tay đám khỉ bụi đời, tình cờ, chúng tôi thấy một con khỉ mẹ tay xách nách mang 2 con khỉ con. Như hiểu thắc mắc của chúng tôi, anh Trường giải thích: “Đây là những con khỉ đang nuôi hộ con của con khỉ khác đã chết vì khỉ rất thương yêu đồng loại”. Tuy nhiên, chúng cũng có những quy ước nhất định trong cách đối xử. Con đẻ sẽ được khỉ mẹ cho bám trước bụng để tiện chở che, còn con nuôi chỉ được bám trên lưng. Và bao giờ con đẻ cũng được cho ăn trước, đến khi con đẻ ăn no khỉ mẹ mới cho con nuôi ăn. Nhưng khi một con khỉ mẹ đã nhận con nuôi thì chúng sẽ có trách nhiệm đến khi con khỉ con đó trưởng thành, tự nuôi sống được bản thân. Tình mẫu tử của loài khỉ rất đỗi thiêng liêng và bền chặt. Khỉ mẹ sẵn sàng hy sinh cả bản thân mình để che chở, bảo vệ con.

 

Những chú khỉ trên đảo Hòn Lao khá thân thiện với du khách
Những chú khỉ trên đảo Hòn Lao khá thân thiện với du khách


Đến đây, chúng tôi lại nhớ tới câu chuyện anh em đoàn xiếc của khu du lịch kể về nỗi vất vả, lo lắng mỗi khi đi bắt khỉ con về để huấn luyện xiếc. Tìm được một con khỉ con có tố chất để dạy làm xiếc đã khó, nhưng đưa được nó về lại càng khó hơn. Mỗi lần đi bắt khỉ con, phải cần ít nhất từ 5 đến 10 người. “Sau khi khỉ con dính bẫy, lập tức cả đàn khỉ hàng trăm con sẽ cùng nhau kêu gào inh ỏi. Chúng sẽ tìm cách để giải cứu khỉ con nên sẵn sàng tấn công người. Vì vậy, để đưa được khỉ con về chúng tôi phải dùng đủ cách hù dọa không cho chúng tới gần lồng”, một nhân viên đoàn xiếc trên đảo Hòn Lao kể. Cũng theo nhân viên này, sau khi khỉ con bị bắt, nhiều ngày sau đó khỉ mẹ luôn xuống khu vực nhốt khỉ con để kêu thét, tìm cách cứu con trông rất tội nghiệp.


Có dịp lưu lại đảo Hòn Lao, mỗi buổi chiều tà, khi thủy triều vừa rút, du khách sẽ thấy có rất nhiều khỉ đi xuống các bãi san hô để kiếm ăn. Sẽ có nhiều người thắc mắc, tại sao khỉ lại xuống biển để kiếm ăn, trong khi thức ăn chính của nó là các loài thực vật. Giải thích điều này, anh Trường chia sẻ, dù là loài ăn “chay” nhưng nhu cầu về chất đạm trong mỗi con khỉ vẫn có. Chính vì vậy, thỉnh thoảng chúng lại kéo nhau xuống biển để tìm bắt các loại có vỏ giáp nhỏ như: ốc, sò, còng... Quan sát từng con khỉ tỉ mẩn lật từng tảng san hô để bắt các con vật ẩn nấp trong đó cũng là một cảm giác lý thú. Thỉnh thoảng có con bắt được mồi ngon, chúng lại ré lên như muốn khoe với cả đàn. Nhưng cũng có những cuộc xung đột nhỏ xảy ra khi khỉ tranh giành thức ăn của nhau. Buổi kiếm ăn ở biển của khỉ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, khi mặt trời dần khuất thì cả đàn lại kéo nhau về rừng. 


Giang Đình

 


 

Hiện trên đảo Hòn Lao có khoảng 1.200 cá thể khỉ sinh sống trong môi trường bán tự nhiên với 3 giống chính gồm: giống lông vàng đuôi ngắn (tên khoa học là Macaca Rheisus), giống lông xám đuôi dài (tên khoa học là Macaca Fascecularit), giống lông xám đầu chóp (tên khoa học là Macaca Drianta). Những cư dân khỉ đầu tiên đến Hòn Lao vào năm 1991, với số lượng 250 con. Đây vốn là những cá thể được sử dụng trong một dự án khoa học cách đây hơn 30 năm, nhưng vì lý do khách quan nên các công trình nghiên cứu đành dang dở và đàn khỉ thí nghiệm được đưa ra đảo Hòn Lao để trao trả tự do. Với bản năng mạnh mẽ của mình, lại được trở về môi trường tự nhiên, đàn khỉ đã sớm thích nghi, sinh sôi nảy nở để có số lượng đông như ngày hôm nay.