08:02, 14/02/2013

Trót mê cái thú thẩm âm…

Không kém cạnh so với các thành phố lớn, giới chơi âm thanh (audio) ở TP. Nha Trang cũng dành tất cả tâm trí, thời gian, tiền bạc để theo đuổi niềm đam mê.

Không kém cạnh so với các thành phố lớn, giới chơi âm thanh (audio) ở TP. Nha Trang cũng dành tất cả tâm trí, thời gian, tiền bạc để theo đuổi niềm đam mê.

Sống với đam mê

Căn phòng nghe nhạc của gia đình ông Nguyễn Ngọc Quân (45B Mạc Đĩnh Chi, TP. Nha Trang) chỉ khoảng 20m2 nhưng được bài trí theo kiểu của một “dân ghiền” audio lâu năm. Những tấm tản âm bằng gỗ thông, mousse, bông thủy tinh tiêu âm được gắn rất mỹ thuật ở góc tường cho thấy ông đã mất nhiều công sức, tiền bạc để cải tạo không gian audio như ý. Ông Quân kể: “Tôi bắt đầu sưu tầm các thiết bị audio từ năm 2000. Thú thẩm âm ngốn của tôi khá nhiều tiền bạc và thời gian, nhưng đã trót đam mê nên không thể bỏ. Sở thích của tôi là sưu tầm và nghe đĩa than. Hiện nay, tôi đang sở hữu hơn 500 đĩa than của các dòng nhạc từ những năm 1960, 1970. Mỗi chiếc đĩa được mua với giá từ 1,5 đến 2 triệu đồng. Tổng gia tài audio của tôi hơn 200 triệu đồng”. Ông Quân quan niệm, thú chơi này không chấp nhận những tâm hồn cằn cỗi, một khi đã bật audio đồng nghĩa với việc mang niềm vui đến cho cả gia đình. Vì lẽ đó, ông luôn tìm tòi, học hỏi để sáng chế ra những thiết bị nghe nhạc mới lạ bằng chính niềm đam mê của mình.

1
Bộ sưu tập của những người đam mê audio.

Ông Phạm Quốc Đạt ở đường Hoa Lư (phường Phước Tiến, Nha Trang) cũng “trót” đam mê audio hơn 10 năm nay. Ông phân tích: “Muốn chơi audio “tỉnh”, cần phải giữ sự cân bằng cho tâm hồn. Vừa nghe, vừa học hỏi, rồi niềm đam mê ấy cứ ngấm dần vào tâm hồn tôi”. Nhìn ông nâng niu từng bộ loa, amply, băng cối, chúng tôi mới thấy hết công phu của người chơi audio. Bận rộn hay thư thả, ông đều tìm mọi cách có thể để nghe nhạc. Những lúc rảnh rỗi, ông lại lên mạng, tìm những người cùng sở thích để trao đổi kinh nghiệm. Ông Đạt tâm sự: “Phối ghép audio không theo một chuẩn mực nào. Chỉ khi người chơi trực tiếp tham gia sáng tạo, phối ghép để cho ra sản phẩm cuối cùng mới là nghệ thuật, mang thương hiệu của mình. Đây là cái thú, nghệ thuật riêng biệt, không giống ai”. Hiện nay, ông có hơn 100 cuốn băng cối sản xuất vào những năm 1960, 1970. Tổng gia tài audio của ông khoảng 200 triệu đồng. Ông Đạt cho biết: “Để có được những sản phẩm audio như hôm nay, tôi đã tốn khá nhiều tiền để sưu tầm. Những máy hát, đầu CD, âm ly, đầu cối, loa sưu tầm đều là loại xưa cũ. Hiện nay, tất cả các dàn máy băng cối đều đã quá cổ, hơn 20 tuổi và không có đồ thay thế. Sợi băng được làm bằng bột, dễ bị hỏng theo thời gian do nhiễm từ và ẩm. Vì thế, chơi băng cối chỉ là một cách hoài cổ…”.

Những chiếc đĩa than sản xuất từ những năm 1960 được ông Nguyễn Ngọc Quân sưu tầm.
Những chiếc đĩa than sản xuất từ những năm 1960 được ông Nguyễn Ngọc Quân sưu tầm.

“Nghề chơi cũng lắm công phu”

Khi bắt đầu chơi audio, người chơi phải tìm hiểu và có kiến thức nhất định về nó. Để được coi là “có nghề”, ai cũng phải trải qua một thời gian dài khám phá, tìm hiểu. Việc sở hữu một đôi loa, đầu đọc hay amply tốt chưa chắc sẽ có được âm hay và đẹp. Cái khó và công phu nhất là việc phối ghép. Dân chơi audio cho rằng, việc phối ghép là cả một nghệ thuật mà không phải ai cũng làm được. Ông Quân cho biết, việc chi ra tiền triệu, thậm chí cả chục triệu đồng đối với người chơi audio là chuyện bình thường, thế nhưng nó chẳng nói lên điều gì, bởi quan trọng hơn cả là việc phối ghép để có được dàn audio “đỉnh” nhất. Ông Quân giải thích, các thiết bị sau khi được phối ghép phải đưa ra loại âm mà “ở dải trầm thì đủ sâu, không nhòe; ở dải trung phải đủ độ rộng; ở dải cao phải mềm mại, dịu ngọt, bông tơi mà không chói, gắt, khô. Chơi audio rồi mới biết còn nhiều cái rối rắm. Sưu tầm những thứ này rất nhiều tiền và cũng do cơ may đem lại. Những món đồ đẹp thường là hàng ngoại, một bộ có thể lên đến 80 triệu đồng. Hễ ai mách ở đâu có audio tốt, tôi lại tìm đến lùng cho bằng được”.

1
Không gian và bộ sưu tập nghe nhạc của ông Phạm Quốc Đạt.

Thế giới những người mê audio cũng đa dạng. Có người thích toàn đồ mới, lại có người chạy vạy tìm cho được hàng cũ, có người lại chỉ chơi audio tự chế. Việc lắp ráp thiết bị cũng vậy, không phải tiền nhiều, đồ xịn là có dàn audio hay. Việc phối ráp cần sự hiểu biết tinh tế, bởi thẩm âm cần có sự nhạy cảm của đôi tai. Đôi khi sản phẩm audio hay còn do sở thích, “gu” của từng người. Ông Phạm Hồng Thái (đường Hồng Bàng, TP. Nha Trang) - một dân chơi mới vào nghề cho biết: “Sau khi săn tìm, rồi phối ghép, âm cho ra tôi nghe rất tuyệt vời. Nhưng khi hí hửng mời bạn bè đến, các bạn tôi vừa nghe đã bảo chẳng ra gì. Thế là tranh luận om xòm. Chuyện này trong giới chơi audio xảy ra như cơm bữa”. Đôi khi, cũng chỉ vì sự “khiêu khích” của bạn bè mà người chơi audio lại càng quyết tâm tìm tòi, bổ sung để có được dàn audio ưng ý nhất. Ông Đạt cho biết: “Chơi audio cũng như nhiều thú khác, là một chặng đường dài không có điểm dừng. Bởi khi đã ghiền thì luôn muốn tìm được cái hay hơn, đẹp hơn. Vì vậy, ngoài niềm đam mê, người chơi phải dành nhiều thời gian tìm tòi, khám phá...”. Còn theo ông Quân, chơi audio không có nghĩa là chỉ mua đồ về phối ghép và thưởng thức, mà thú vị hơn, người chơi phải trực tiếp tham gia khám phá và tạo dựng nên âm thanh cuối cùng sao cho phù hợp với cách thẩm âm của mình.

1
Ông Phạm Hồng Thái với dàn audio

 V.G

Hiện nay, Khánh Hòa có khoảng 20 người chơi audio, đa số ở độ tuổi 30-50. Họ thường xuyên giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về thiết bị cũng như niềm đam mê của mình trên diễn đàn vnav.vn - Vietnam Audiovisual Network (diễn đàn âm thanh Việt Nam).