Gia thần là thần ở trong nhà. Ở đâu có nhà tất có gia thần, vì thế Tây, Tàu, Nga, Mỹ, Việt... đều có gia thần. Ngày xuân, cùng mạn đàm về những vị gia thần trong gia đình người Việt.
Gia thần là thần ở trong nhà. Ở đâu có nhà tất có gia thần, vì thế Tây, Tàu, Nga, Mỹ, Việt... đều có gia thần. Ngày xuân, cùng mạn đàm về những vị gia thần trong gia đình người Việt.
Người Việt ngày xưa theo chủ nghĩa đa thần (Polythéisme), trong nhà có đủ thứ thần. Trước tiên là Ông Địa. Ông thần này cai quản nhà trên và những nơi làm ăn buôn bán. Vào nhà ai thấy chiếc bàn thờ đặt ở dưới đất, trong một góc nhà, thì đó là nơi thờ Ông Địa. Tại sao lại thờ Ông Địa dưới đất? Có người nói là vì Ông Địa nên phải thờ ở đất. Có người lại nói xưa kia người ta thờ Ông Địa ở trên cao, song vì có lệnh của vua Càn Long bảo ông xuống đất cư trú cho nên ông nghiêm chỉnh chấp hành. Số là vua Càn Long gặp buổi rảnh rỗi quốc sự bèn giả dạng thường dân đi về phía Giang Nam xem xét việc dân tình. Khi vua đến một quán ăn thì bàn ghế đã chật khách, chỉ còn một bàn trống chủ quán dùng làm bàn thờ Ông Địa, thế là vua bảo dời bàn thờ xuống đất cho ngài ngự. Từ đó, Ông Địa chỉ được thờ dưới đất. Người Việt tin tưởng Ông Địa có biệt tài tìm kiếm đồ vật thất lạc nên có ai mất cái gì thì vái Ông. Trước đây, hình như Ông Địa thích ăn bánh tráng nướng với đường đen nên người ta thường cúng ngài 2 món không lấy gì làm sang trọng và đắt tiền này. Bây giờ cũng có nơi người ta cúng Ông sang hơn, mỗi sáng cho Ông ly cà phê sữa nóng và điếu thuốc ba số! Sang chút nữa thì đĩa thịt quay!
Nhà bếp thuộc quản hạt của Ông Táo. Táo Việt Nam “nhập khẩu” từ Trung Quốc đã lâu. Táo gồm hai ông một bà, cả ba chết vì lửa và đều là người tiết nghĩa cho nên được phong làm Đông Trù Tây Mạng Táo Quân. Táo cư trú ở bếp, coi ngó việc thiện ác của gia chủ để tới 23 tháng Chạp cưỡi cá chép về trời báo cáo. Mấy mươi năm gần đây, đi qua mấy hàng đồ gốm không còn thấy người ta bày bán Ông Táo nữa. Ông Táo được cải tiến thành ra ông kiềng ba chân, rồi cải biên thành ông lò cho tiện việc dùng than lẫn dùng củi. Mấy người ở ghe thuyền miền lục tỉnh có sáng kiến cải tiến Ông thành Ông Cà Ràng. Cà Ràng là ba ông táo nhỏ gắn với nhau trên chiếc mâm đất để nấu nướng trên ghe cho tiện. Cuộc đời Ông Táo cũng ngắn ngủi, lâu lắm là được một năm rồi bị gia chủ thỉnh ra ngồi ở gốc đa hưu dưỡng. Nước ta xưa kia từ thành thị tới thôn quê chỗ nào cây cao bóng mát là khu tập trung Ông Táo Bình Vôi. Nay ở nông thôn cũng còn vài chỗ. Nhân dân ta xem “lọ nghẹ” Ông Táo là thuốc chữa bệnh và cũng là bùa trừ tà. Trẻ em đau ốm hay sắp sửa đi đâu xa, cha mẹ thường lấy lọ vạch một vạch dài ở trán...
Ra ngoài vườn có vị thần khác quản lý, đó là Ông Thần Hoàng. Người ta thờ ông trên một cái trang đặt ở giữa sân. Trang này còn thờ thêm các vị thần khác. Ông Thần Hoàng coi sóc việc đất đai.
Ba vị gia thần là Ông Táo, Ông Địa, Thần Hoàng được phân chia ranh giới hành chánh, công việc một cách rõ ràng. Tuy cũng là gia thần, ở chung một nhà nhưng ba vị ít có cơ hội gặp nhau. Ông Thần Hoàng ở ngoài vườn chẳng mấy khi vào nhà. Cùng ở trong nhà nhưng Ông Địa không bao giờ xuống bếp thăm Ông Táo. Bởi ông nghĩ tới câu: “Quân tử bất cận bào trù” (Người quân tử không mò xuống bếp). Còn Ông Táo cũng không muốn lên nhà trên bởi ông nghĩ mình quanh năm suốt tháng lấm lem lọ nồi tro bụi nên lên nhà trên e không tiện.
Cối xay, chày đạp, giếng nước, bình vôi… theo quan niệm dân gian, đều có thần cả. Người xưa hễ tới Tết thì thắp hương dán giấy vàng bạc cho các quý vị gia thần này. Nếu trong nhà có làm nghề nghiệp gì lại phải thờ ông tổ của nghề đó. Ví như nàng Kiều bước chân vào lầu xanh, thấy thờ ông thần mày trắng: “Nghề này thì lấy ông này tiên sư!”. Ra khỏi khuôn viên tới đường cái thì thuộc thần khác cai quản, nhưng mấy ông này không phải là gia thần.
Táo Pháp gọi là DIEU LARE. Ông này từ La Mã nhập sang. Táo Tây khác Táo ta ở chỗ không phải hai ông một bà, và cũng không cưỡi cá chép về chầu trời ngày 23 tháng Chạp.
Táo Mỹ gọi là GOD OF KITCHEN, cũng lo việc bếp núc. Từ khi người Mỹ định cư có nhà cửa thì có Táo Mỹ. Táo Mỹ nhập từ Tây Ban Nha sang. Bây giờ người ta dùng lò điện, bếp gas, lò vi ba, lò laser thì không biết Táo Mỹ có hiện đại hóa cho kịp hay không? Mỹ là hợp chủng quốc nên mỗi sắc dân thờ một vị gia thần riêng. Táo Việt di tản sang Mỹ cũng nhiều. Có một gia đình người Việt ở vùng Newhampshire chuyên làm nghề sản xuất giấy vàng bạc và đồ mã. Ở cái xứ văn minh đó, lại đi làm cái nghề lạ đời này mà hốt bạc kha khá. Người Mỹ rất ngạc nhiên về mấy cái “ngân hàng âm phủ” tư nhân này. Họ cũng thích đồ mã Việt Nam. Họ mua về không phải để đốt mà để chơi! Ông Thổ Địa họ gọi là DOLL (búp bê). Nghĩ cũng tội cho Ông Địa qua xứ Huê Kỳ phong thổ không hợp cho nên bị xuống cấp.
Nga cũng có vị thần nhà, hình dáng ông thần này râu ria rậm rạp, lùn như một đứa trẻ, chuyên ở chỗ kín đáo trong nhà. Táo Nga thì chẳng được tích sự gì ngoài việc quấy phá gia chủ!
Hễ là con người thì Đông Tây Nam Bắc gì cũng giống nhau ở chỗ họ sáng tạo đủ thứ, kể cả làm ra cái để mà thờ. Gia thần là một thí dụ rõ ràng nhất.
QUÝ THỂ