* Ông Đàm Hải Vân - Phó Trưởng ban Quản lý vịnh Nha Trang:
Tiếp tục quan tâm thu hút, đào tạo nhân lực trình độ cao cho công tác bảo tồn biển
Ông Đàm Hải Vân. |
Hiện nay, Đề án "Chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh TP. Nha Trang giai đoạn 2024 - 2030" đã được ban hành, trong đó, Ban Quản lý vịnh Nha Trang được giao chủ trì phối hợp triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong hợp phần Nông nghiệp xanh như: Trồng, khôi phục rừng ngập mặn trong, ven vịnh và đầu nguồn; phục hồi hệ sinh thái san hô vịnh Nha Trang. Cùng với việc thực hiện các nhiệm vụ trên, thời gian qua, Ban Quản lý vịnh Nha Trang đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân, du khách, cá nhân, tổ chức chung tay hành động với một số hoạt động hiệu quả như: Không mang sản phẩm nhựa dùng một lần qua bến tàu du lịch, phân loại rác từ đầu nguồn qua bến. Cùng với đó, ban đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn các hoạt động xâm phạm đến hệ sinh thái vịnh; giám sát môi trường chất lượng nước; đề xuất khảo sát mở rộng thêm một số phân vùng ngoài vịnh Nha Trang… Ban đang tiếp tục thực hiện và phấn đấu đến năm 2030 sẽ hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong đề án.
Cùng với đề án chuyển đổi xanh của thành phố, hiện nay, UBND tỉnh đang xây dựng đề án chuyển đổi xanh mở rộng ra toàn tỉnh, đây là bước pháp lý rất quan trọng đối với các cơ quan, đơn vị trong công tác quản lý nhà nước để triển khai thực hiện. Đặc biệt, vừa qua, Chính phủ đã có các quyết định xây dựng các khu bảo tồn biển trên cả nước, do đó, khi tỉnh xây dựng đề án chuyển đổi xanh sẽ đồng bộ trong công tác quản lý, huy động được cả hệ thống chính trị và nhân dân toàn tỉnh vào cuộc thực hiện.
Theo tôi, trong việc xây dựng đề án chuyển đổi xanh, điều quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Đối với hệ sinh thái biển, hệ sinh thái rạn san hô, việc phục hồi cần nhiều kinh phí, thời gian và nguồn nhân lực có trình độ cao để nghiên cứu, thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay nguồn nhân lực cho hoạt động bảo tồn biển trên địa bàn tỉnh còn ít, thiếu nhân lực có kinh nghiệm, các sinh viên mới ra trường cần thời gian để đào tạo bài bản. Do đó, trong quá trình xây dựng đề án chuyển đổi xanh của tỉnh, tôi rất mong tỉnh tiếp tục quan tâm đến công tác thu hút, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao trong công tác bảo tồn biển. Cùng với đó, đề án cần triển khai đồng bộ công tác bảo vệ hệ sinh thái biển trên toàn tỉnh, có như vậy công tác bảo tồn biển mới được cộng hưởng và phát triển bền vững.
THÁI THỊNH (Ghi)
* Ông Nguyễn Tri Huy - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tin học tỉnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần SweetSoft:
Chú trọng mối quan hệ giữa chuyển đổi xanh với chuyển đổi số
Ông Nguyễn Tri Huy. |
Chuyển đổi xanh giúp con người thân thiện hơn với thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống lâu dài. Chuyển đổi xanh không chỉ là phát triển, ứng dụng công nghệ hướng tới môi trường mà còn thay đổi cả quy trình sản xuất, kinh doanh nhằm giảm phát thải, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Do vậy, vai trò của chuyển đổi số nói chung và công nghệ thông tin nói riêng rất quan trọng trong việc hiện thực hóa chuyển đổi xanh. Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đều cần đến công nghệ số. Áp dụng công nghệ số sẽ giúp các doanh nghiệp quản lý năng lượng hiệu quả, giảm phát thải và tiến tới mục tiêu net-zero (không phát thải ròng). Tuy nhiên, cần nhìn nhận vào mặt trái của chuyển đổi số là quá trình hạ tầng số tiêu hao nhiều năng lượng, nhất là các trung tâm dữ liệu; rác thải điện tử, đặc biệt khi công nghệ thay đổi nhanh. Do đó, quá trình chuyển đổi số cần tính đến việc sử dụng công nghệ số xanh, tiêu thụ ít năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, được gọi tắt là chuyển đổi kép nhằm làm giảm áp lực của công nghệ sản xuất lên môi trường. Vì vậy, vấn đề chuyển đổi số song song với chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu theo đúng phương châm: Muốn phát triển nhanh, phải chuyển đổi số - Muốn phát triển bền vững, phải chuyển đổi xanh.
Để đạt hiệu quả về tăng trưởng xanh, cần chuyển đổi số dưới góc độ đổi mới hơn. Theo đó, chuyển đổi số trong doanh nghiệp không chỉ thuần túy là ứng dụng công nghệ thông tin mà yêu cầu tiên quyết phải thay đổi quy trình nội tại, quy trình xử lý công việc, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu suất, tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới có tính xanh hơn. Hiện nay, một trong những yêu cầu khó khăn nhất chính là việc đưa chuyển đổi số lên một cấp độ mới - cấp độ tăng cường độ chính xác và tính liên thông của dữ liệu. Điều này rất quan trọng đối với chuyển đổi xanh nhằm đảm bảo các hoạt động sản xuất, tiêu dùng đang diễn ra đúng cách và có tác động tích cực đến môi trường. Việc sử dụng các công nghệ số như: AI, IoT, Big Data có thể giúp thu thập, xử lý và phân tích dữ liệu một cách chính xác, nhanh chóng. Ngoài ra, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như: Không phải ai cũng đặt sự quan tâm đến chuyển đổi xanh hay chuyển đổi số, kể cả những người có trách nhiệm; cơ chế, chính sách vẫn chưa thật sự tạo ra “đường băng” để chuyển đổi xanh cất cánh; hạ tầng số - nền tảng cho tăng trưởng xanh có phát triển, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu; nguồn lực chưa được ưu tiên và ứng xử như một lĩnh vực tiên phong…
N.T (Ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin