22:53, 08/08/2024

Góp ý dự thảo Đề án “Chuyển đổi xanh tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2024 - 2030”

* Trung tá Nguyễn Tiến Quang - Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh, Trường Đại học Nha Trang:

Cần nhấn mạnh về vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của tỉnh 

Trung tá Nguyễn Tiến Quang.
Trung tá Nguyễn Tiến Quang.

Sau khi tìm hiểu về dự thảo Đề án Chuyển đổi xanh tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2024 - 2030, với tư cách là một người dân đang sinh sống và làm việc tại địa phương, tôi xin đóng góp một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, trong phần đánh giá vị thế của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội vùng, quốc gia và đối với chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, cần nhấn mạnh “tỉnh Khánh Hòa có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia về biển, đảo của Tổ quốc” (Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045). Trong đó, huyện đảo Trường Sa, vịnh Cam Ranh, vịnh Vân Phong… có vai trò, vị trí rất quan trọng trong kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh của tỉnh Khánh Hòa và cả nước.

Thứ hai, đối với chuyển đổi xanh trong phát triển kinh tế biển: Từ năm 1977, trong chuyến thăm, làm việc tại tỉnh Khánh Hòa và dự hội nghị về biển lần thứ nhất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề xuất một chiến lược về khoa học biển và kinh tế biển. Đại tướng luôn trăn trở, biển là một thế mạnh của tỉnh Khánh Hòa, làm sao phát huy hết thế mạnh đó để phát triển, nhất là áp dụng khoa học kỹ thuật trong khai thác nguồn lợi từ biển như: Dầu khí, điện gió, điện thủy triều… Thực tế, hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã khai thác rất hiệu quả nguồn năng lượng từ điện gió, điện thủy triều. Những nguồn năng lượng này khá phù hợp với chiến lược chuyển đổi xanh của tỉnh trong thời gian tới.

Thứ ba, trong mục tiêu, giải pháp và các dự án chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh của tỉnh giai đoạn 2024 - 2030 nên xem xét, đề cập đến vị thế địa chiến lược của huyện Trường Sa. Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị đã định hướng xây dựng, phát triển huyện Trường Sa thành “trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc” thể hiện tư duy chiến lược và tầm nhìn mới của Đảng và Nhà nước ta. Huyện Trường Sa và vùng biển bao quanh có tiềm năng bảo tồn biển cao, có cảnh quan nổi và ngầm dưới đáy biển của các quần thể rạn san hô rất đẹp với nguồn lợi thủy sản giàu có và đa dạng... Đó là tiền đề cho phát triển các ngành, nghề kinh tế biển dựa vào bảo tồn, như: Khai thác và nuôi trồng thủy sản trên biển, điện mặt trời và điện gió ngoài khơi… Việc triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ dân sự, phát triển ngư nghiệp và những ngành nghề kinh tế biển mới cho huyện đảo gắn với chuyển đổi xanh là một nhu cầu thực tiễn để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với yêu cầu phòng thủ và bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

THẾ ANH (Ghi)

* Bác sĩ chuyên khoa II Trịnh Ngọc Hiệp - Phó Giám đốc Sở Y tế:

Cần có chính sách hỗ trợ thiết thực cho cá nhân, đơn vị làm tốt đề án

Bác sĩ Trịnh Ngọc Hiệp.
Bác sĩ Trịnh Ngọc Hiệp.

 Theo tôi, Đề án Chuyển đổi xanh tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2024 - 2030 khi triển khai sẽ mang lại nhiều lợi ích bền vững cho tỉnh nói chung, mỗi người dân nói riêng. Đề án đã tiếp cận và xây dựng kiến trúc tổng thể, phân tích được thực trạng của tỉnh từ góc độ chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh; tầm nhìn, mục tiêu, giải pháp chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh của tỉnh giai đoạn 2024 - 2030. Đồng thời, đề án đã đề ra các dự án ưu tiên và lộ trình thực hiện, cùng với việc kiểm soát rủi ro...

Ở góc độ là người dân của tỉnh, sẽ gián tiếp được hưởng lợi từ đề án, theo tôi cần đẩy mạnh việc tuyên truyền cho người dân hiểu thông suốt về mục đích, nhiệm vụ và lợi ích đề án mang lại. Đồng thời, cần xác định rõ mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn, phù hợp với điều kiện thực tế hiện có. Song song đó, giao cho từng sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị xây dựng chương trình hành động cụ thể theo khung kế hoạch của tỉnh; trong đó nêu rõ về nguồn lực (con người, kinh phí, chuyên môn, mô hình áp dụng,...), đề xuất các giải pháp cụ thể để thực hiện. Cần thành lập ban chỉ đạo đề án và cách thức để tiếp thu mọi ý tưởng sáng tạo của người dân, triển khai áp dụng ngay những ý tưởng tốt; có chính sách hỗ trợ và đem lại lợi ích thiết thực cho những cá nhân, đơn vị làm tốt việc chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh như: Miễn giảm thuế, ưu tiên thuê đất, hỗ trợ tư vấn pháp lý, giảm phí phục vụ hoặc sử dụng tiện ích xanh đối với các cá nhân tham gia...

THẢO LY (Ghi)