Ông HOÀNG TRUNG LỰC - Bí thư Chi bộ Tổ dân phố 5 Hòa Nam, phường Vĩnh Hòa (TP. Nha Trang):
Đề nghị quan tâm hơn đến thứ tự thực hiện các dự án
Dự thảo Đề án Chuyển đổi xanh tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2024 - 2030 đã phân tích rất kỹ hiện trạng; đưa ra các mục tiêu, giải pháp tổng thể, các dự án chuyển đổi xanh và lộ trình thực hiện trên nhiều lĩnh vực; xác định đẩy mạnh áp dụng mô hình và liên kết bền vững theo chuỗi vòng đời sản phẩm, chuyển đổi xanh kết hợp với kinh tế tuần hoàn... Ở phần 6 - Các dự án chuyển đổi xanh ưu tiên và lộ trình thực hiện, ngoài lộ trình thực hiện của từng dự án, đề nghị quan tâm hơn đến thứ tự thực hiện các dự án. Trong đó, công tác tuyên truyền, giáo dục (dự án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi xanh) phải đi trước một bước; tiếp đó là cơ chế, chính sách ưu tiên phù hợp và cơ chế kiểm soát, thưởng phạt nghiêm minh.
Ông Hoàng Trung Lực. |
Hiện nay, không phải người dân nào cũng quan tâm đến chuyển đổi xanh. Do đó, cần chú trọng tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân; đồng thời giáo dục học sinh để thay đổi tư duy. Đây là nhiệm vụ lâu dài nên cần tiến hành sớm và thực hiện bền bỉ. Dần dần, người dân sẽ quan tâm đến giao thông xanh, xây dựng xanh, nông nghiệp xanh, du lịch xanh… Từ đó, người dân sẽ hưởng ứng việc sử dụng xe đạp, xe điện, phương tiện công cộng thân thiện với môi trường; sẽ tự nguyện phân loại rác từ đầu nguồn; có ý thức xử lý rác hữu cơ tại nhà để làm ra phân bón cho cây trồng, tạo thành chu trình tuần hoàn khép kín thân thiện với môi trường... Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cũng nỗ lực hơn trong tìm tòi giải pháp tái tạo các sản phẩm, dịch vụ xanh…
Bên cạnh đó, cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào chuyển đổi xanh, huy động nguồn lực ngoài ngân sách; cần xây dựng những tiêu chí, quy định, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là tiếp cận tài chính để chuyển đổi sản xuất xanh, tiếp cận thị trường và phát triển bền vững. Thực tế, khi thực hiện chuyển đổi xanh, doanh nghiệp sẽ phải chịu áp lực về vốn đầu tư ban đầu lớn hơn, gia tăng giá thành sản phẩm, dịch vụ trong ngắn hạn, trong khi người tiêu dùng khó chấp nhận mức giá cao hơn… Địa phương cần có cơ chế ưu tiên đầu tư cho các lĩnh vực xanh hóa, tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh để tạo lợi thế cạnh tranh bền vững. Các chính sách phải định hướng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển năng lượng mới, thu hút các dự án tăng trưởng xanh; khuyến khích phát triển các mô hình xanh ở cấp cơ sở để lan tỏa rộng rãi, làm thay đổi lối sống cũ…
Ngoài ra, cơ chế, chính sách phải tạo ra sự công bằng, giúp giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện. Ví dụ, thay vì quy định một mức phí vệ sinh môi trường, cần tính phí theo mức độ xả rác thải ra môi trường; quy định về điều kiện, tiêu chuẩn môi trường cảnh quan, công viên cây xanh đã áp dụng với các khu đô thị, chung cư thì cũng quy định các công trình nhà dân cao tầng phải có khu vực trồng cây xanh theo tỷ lệ nhất định mới được cấp phép xây dựng…
TIỂU MAI (Ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin