* Ông Đỗ Trọng Thảo - Quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa:
Cần có chính sách đẩy mạnh tín dụng xanh để phát triển kinh tế xanh
Ông Đỗ Trọng Thảo. |
Qua tìm hiểu Đề án Chuyển đổi xanh tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2024 - 2030, tôi thấy các nội dung đã được phân tích rõ, đầy đủ về thực trạng, giải pháp và đề xuất các dự án cụ thể cho từng lĩnh vực. Trong đó, đề án đã chỉ ra một trong những khó khăn hiện nay là mô hình kinh tế lạc hậu cần có một nguồn tài chính lớn đầu tư để chuyển đổi sang kinh tế xanh. Do đó, tỉnh cần có chính sách về tài chính xanh để thực hiện chuyển đổi xanh cho các ngành kinh tế.
Là một trong những trụ cột chính của hệ thống tài chính xanh, tín dụng xanh đang là chủ đề được rất nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm. Mô hình tín dụng xanh đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn vốn cần thiết nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến môi trường và khí hậu. Tại Việt Nam, hoạt động tín dụng xanh cũng đã được triển khai thực hiện trong những năm gần đây và đạt được kết quả đáng khích lệ trong nhiều lĩnh vực, bao gồm tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo, nông nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao. Tại Khánh Hòa, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã triển khai cho vay cá nhân tiêu dùng để lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời, cho vay mua sắm các thiết bị gia đình tiết kiệm điện, cho vay doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời áp mái... Nhiều ngân hàng đã đưa ra các chương trình tín dụng ưu đãi cho khách hàng là doanh nghiệp hoặc cá nhân có ý định vay vốn để triển khai các dự án với yếu tố “xanh”.
Để tín dụng xanh ngày càng tăng trưởng và góp phần vào phát triển kinh tế xanh của tỉnh, theo tôi, trong đề án cần có các tiêu chí xác định đối với các dự án được cấp tín dụng xanh để các tổ chức tín dụng có cơ sở pháp lý trong việc xác định điều kiện vay vốn. Các dự án bảo vệ môi trường, phát triển bền vững thường có thời gian thu hồi vốn chậm, trong khoảng thời gian dài. Trong khi đó, nguồn vốn huy động của các ngân hàng thương mại là vốn ngắn hạn, huy động theo chi phí vốn thương mại trên thị trường nên dẫn đến hiện tượng chi phí cao. Do vậy, cần có chính sách hỗ trợ các tổ chức tín dụng tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, với lãi suất ưu đãi, đồng thời kêu gọi nguồn lực quốc tế cho việc cung ứng vốn cho các dự án xanh.
H.DUNG (Ghi)
* Ông Nguyễn Minh Thành - Giám đốc Sản Việt farm (xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa):
Quan tâm đầu tư bài bản hơn về hạ tầng nông nghiệp
Ông Nguyễn Minh Thành. |
Nghiên cứu dự thảo Đề án Chuyển đổi xanh tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2024 - 2030, tôi nhận thấy đề án đã đánh giá đúng thực trạng và đưa ra các giải pháp nhằm đạt được mục tiêu xanh, bền vững, hiệu quả của các ngành kinh tế, trong đó có nông nghiệp.
Những năm qua, trên địa bàn tỉnh, nông dân cũng đã bắt tay vào việc ứng dụng sản xuất, chăn nuôi theo hướng an toàn, sạch, hữu cơ. Bản thân tôi đầu tư Sản Việt farm với 120ha, trong đó có 60ha xoài VietGAP, 10ha cây ăn quả nhiều loại, hơn 40ha trồng rừng, bảo tồn rừng nhằm tạo vùng tiểu khí hậu; ứng dụng các biện pháp hữu cơ, thiên địch để chăm sóc cây trồng, gần như không sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật… Chúng tôi cũng đang xây dựng, bảo tồn và phát huy một số nét đẹp trong văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ninh Tân; gia tăng giá trị cho khu vườn của mình trong dự định kết hợp nông nghiệp với du lịch, phù hợp với những định hướng mà đề án chuyển đổi xanh tỉnh đang xây dựng.
Nhằm triển khai có hiệu quả đề án, trong đó có nông nghiệp xanh, tôi mong muốn Nhà nước quan tâm đầu tư bài bản hơn nữa về hạ tầng nông nghiệp, nhất là đầu tư hệ thống thủy lợi đảm bảo nước tưới, mở rộng và cứng hóa giao thông vào các vùng sản xuất, đầu tư hệ thống điện đáp ứng nhu cầu sử dụng máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất lớn; chăm lo hơn nữa cho việc đầu tư của các doanh nghiệp vào khâu bảo quản, chế biến nông sản. Hiện nay, các trang trại nông nghiệp lớn, quy mô hàng chục héc-ta đang gặp khó trong việc đầu tư xây dựng hệ thống nhà xưởng, kho bảo quản, khu chế biến…, ngay cả việc làm đường nội vùng để máy móc, xe cộ phục vụ sản xuất đi lại thuận tiện cũng gặp không ít khó khăn. Do vậy, cần sớm ban hành chính sách có tính chất đặc thù, đặc trưng trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở vùng sản xuất nông nghiệp.
Tôi mong muốn việc triển khai Đề án Chuyển đổi xanh mà tỉnh đang xây dựng sẽ sớm đi vào cuộc sống. Đối với chuyển đổi xanh trong nông nghiệp, từng mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp trong đề án cần được các cấp, ngành triển khai một cách thực chất, hiệu quả, vì sự phát triển bền vững của nông nghiệp Khánh Hòa, phù hợp với xu thế phát triển của ngành nông nghiệp thế giới nói chung.
HỒNG ĐĂNG (Ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin