20:44, 16/08/2024

Góp ý dự thảo Đề án “Chuyển đổi xanh tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2024 - 2030”

L.T.S: Được triển khai từ ngày 6 đến 18-8, Báo Khánh Hòa đã nhận được 20 ý kiến góp ý của các sở, ban, ngành, địa phương, các chuyên gia và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh đối với dự thảo Đề án “Chuyển đổi xanh tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2024 - 2030”. Báo đã trích đăng các ý kiến góp ý cho dự thảo đề án, về nhiều lĩnh vực như: Phát triển kinh tế xanh, đô thị xanh, công trình xanh, chuyển đổi xanh trong công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, phát triển giao thông thông minh, thực hành lối sống xanh... Đây đều là những ý kiến xác thực, tâm huyết nhằm giúp cho đề án sớm được xây dựng hoàn thiện, đi vào thực tiễn. Tòa soạn xin kết thúc việc đăng tải các ý kiến góp ý từ số báo này. Trân trọng cảm ơn bạn đọc đã quan tâm, theo dõi chuyên mục trong thời gian qua.

* Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở Giao thông vận tải:

Thúc đẩy phát triển giao thông thông minh

Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở Giao thông vận tải
Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở Giao thông vận tải

Hiện nay, mạng lưới đường bộ trên địa bàn tỉnh có 6.277 tuyến với tổng chiều dài hơn 5.127km. Tuy nhiên, mạng lưới giao thông đường bộ phân bố chưa đồng đều, tập trung chủ yếu khu vực phía đông, đông nam của tỉnh dọc theo hướng tuyến quốc lộ; còn thưa ở phía tây gồm các huyện: Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và thị xã Ninh Hòa. Ngoài ra, hệ thống giao thông tĩnh, bãi đỗ xe, bến xe… vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển hiện nay.

Để thúc đẩy phát triển giao thông thông minh đáp ứng yêu cầu phát triển, thời gian tới, Sở Giao thông vận tải cùng các đơn vị liên quan sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch, lập, triển khai đề án, một số dự án cụ thể để có những định hướng tổng thể và từng sản phẩm cụ thể. Cụ thể, sở sẽ đề xuất đầu tư xây dựng và thành lập Trung tâm quản lý điều hành giao thông công cộng tỉnh Khánh Hòa, ứng dụng các tiến bộ về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong hỗ trợ quản lý, kiểm soát giao thông. Sở cũng sẽ phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan đề xuất đầu tư, vận hành khai thác hệ thống giao thông thông minh với phân hệ chính là camera quan sát giao thông kết hợp với hệ thống đo đếm, phân loại phương tiện để điều tiết giao thông công cộng, vận tải hành khách công cộng thông qua hệ thống đèn tín hiệu, bảng điện tử điều khiển phân luồng giao thông, giai đoạn đầu sẽ nghiên cứu đề xuất tại những nút giao thông các tuyến đường tỉnh, đường trục chính, các tuyến đường vành đai do sở quản lý (Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Tất Thành, Lê Hồng Phong, 2 tháng 4, 23 tháng 10, Trần Phú, Phạm Văn Đồng). 

Về giao thông công cộng, Sở Giao thông vận tải sẽ triển khai đề xuất tăng cường các tuyến giao thông và số lượng phương tiện vận tải công cộng đáp ứng tiêu chuẩn xanh, nghiên cứu mạng lưới vận tải hành khách công cộng kết hợp hiệu quả với hệ thống đầu mối giao thông, bãi đỗ xe nhằm cải thiện tiện ích giao thông công cộng cho cư dân và khách du lịch. Mục tiêu là giảm thiểu sự phụ thuộc vào phương tiện giao thông cá nhân và giảm ô nhiễm môi trường. Để đạt được mục tiêu này, ngoài phát triển hệ thống các tuyến xe buýt công cộng, đặc biệt là xe buýt điện, cần quan tâm phát triển các tuyến đường thủy nội địa để giảm tải cho đường bộ; tăng dần và thay thế xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch bằng xe điện, triển khai các dịch vụ taxi và xe buýt công cộng sử dụng năng lượng sạch, hỗ trợ và khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông xanh bằng cách xây dựng các trạm sạc thông minh và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo. Đồng thời, phải xây dựng được ứng dụng sử dụng vận tải hành khách công cộng hiệu quả, thuận lợi, đồng bộ với hệ sinh thái đô thị thông minh của các đô thị của tỉnh.

Về giao thông đô thị, sở sẽ phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và đơn vị liên quan nghiên cứu đề xuất xây dựng hệ thống đỗ xe thông minh khu vực đô thị với mục tiêu tối ưu hóa việc quản lý và sử dụng không gian đỗ xe trong thành phố; sẽ phát triển ứng dụng di động và hệ thống cảm biến để cung cấp thông tin về vị trí và trạng thái của các bãi đỗ xe; xây dựng hệ thống đặt chỗ và thanh toán trực tuyến để người dân dễ dàng tìm và đặt chỗ đỗ xe; tích hợp các giải pháp đỗ xe thông minh vào hệ thống giao thông tổng thể của thành phố. Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống giao thông dịch vụ tích hợp để tăng cường sự linh hoạt, giảm ùn tắc giao thông và lượng phát thải, cải thiện trải nghiệm di chuyển cho người dùng...

VĂN KỲ (Ghi)

* Bà Phạm Thị Ngọc Tú - phường Phước Tiến, TP. Nha Trang:

Xây dựng đi đôi với thực hành lối sống xanh 

Bà Phạm Thị Ngọc Tú
Bà Phạm Thị Ngọc Tú

Chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu để phát triển nền kinh tế bền vững, thân thiện với môi trường. Trong Đề án Chuyển đổi xanh tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2024 - 2030 đã đề cập rõ thực trạng và đưa ra các nhóm giải pháp thực hiện trong lĩnh vực lối sống xanh. Tôi thấy những biện pháp này hợp lý và có thể triển khai.

Để xây dựng Khánh Hòa xanh - sạch - bền vững và đưa tỉnh trở thành một tiêu chuẩn mới về chất lượng sống, làm việc và du lịch, theo tôi cần phải hình thành nếp sống người đô thị tương xứng, bắt đầu từ lớp trẻ. Chúng ta cần xây dựng nếp sống văn hóa trong mọi mặt của đời sống, từ giao thông, kinh doanh đến ứng xử với con người, ứng xử với môi trường tự nhiên… Việc tổ chức các chiến dịch truyền thông, hội thảo, chương trình giáo dục tại nhà trường và cộng đồng về tầm quan trọng của tiết kiệm năng lượng là điều cần thiết và cần được thực hiện thường xuyên. Bên cạnh đó, hiện nay, truyền thông số, Internet, mạng xã hội ngày càng phát triển và được giới trẻ quan tâm. Trong quá trình làm việc với học sinh cấp 2, cấp 3, tôi thực sự rất ngạc nhiên về khả năng làm việc nhóm, xây dựng ý tưởng, sắp xếp nhân sự và thực hiện các chiến lược truyền thông của các bạn. Vì vậy, trong việc xây dựng cũng như thực hiện đề án, theo tôi cần có sự góp sức của các bạn trẻ của tỉnh. Các cơ quan chức năng hãy trao cơ hội để người trẻ trở thành đại sứ truyền thông, quảng bá về quê hương Khánh Hòa, cũng như các biện pháp xây dựng, thực hành lối sống xanh. Ngoài ra, mỗi người cần thay đổi hành vi của mình từ những điều nhỏ nhất như: Bỏ rác đúng nơi quy định; sử dụng túi giấy, giỏ đựng thay vì các vật dụng dùng một lần; nói không với túi ni lông… để làm cho nơi mình sống, học tập, làm việc trở nên tốt đẹp hơn.

CHÂU TƯỜNG (Ghi)