20:43, 02/07/2023

Dồn sức cho Đề án 06
Kỳ cuối: Tạo lập các giá trị mới

NHÓM P.V

Kết quả bước đầu

Trung tá Nguyễn Quang Sang - Phó Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh cho biết, sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 30 ngày 23-5-2023 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể đã nhận thức đúng đắn, đầy đủ hơn về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của Đề án 06, nhất là trong công cuộc chuyển đổi số; xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm, phải tiến hành thường xuyên, liên tục trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.

Công an TP. Nha Trang đến nhà người già yếu thu nhận hồ sơ làm căn cước công dân.

Từ ngày 20-4-2022, Trang thông tin điện tử Chuyển đổi số tỉnh Khánh Hòa (https://chuyendoiso.khanhhoa.gov.vn) chính thức hoạt động. Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh (thuộc Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh) hợp nhất thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh và kết nối, tích hợp với hệ thống thông tin của các bộ, ngành. Theo đó, có 855 dịch vụ công trực tuyến, 610 TTHC trực tuyến được kết nối, tích hợp, công khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; 8/10 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 thuộc thẩm quyển của tỉnh được cung cấp. Các cơ quan ngành dọc cũng thực hiện nhiều dịch vụ công trực tuyến theo chỉ đạo của bộ, ngành; riêng Công an tỉnh cung cấp 11/11 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu theo Đề án 06 trên Cổng Dịch vụ công Bộ Công an tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Việc thu thập, rà soát, xác minh, làm sạch dữ liệu được các ngành, địa phương tích cực triển khai, trong đó lực lượng công an là nòng cốt. Từ ngày 9-2 đến 20-6, đã có gần 44.000 lượt khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ việc tiếp nhận, giải quyết TTHC trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh. Đến ngày 20-6, có 130.400 hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC được số hóa. Cùng với đó, 100% cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử; hơn 323.000 lượt bệnh nhân dùng CCCD tra cứu thay thẻ bảo hiểm y tế trong khám, chữa bệnh. Bà Phạm Thị Hiếu (Tổ dân phố 1 Phước Trung, phường Phước Long, TP. Nha Trang) cho biết: “Bây giờ, tôi đi khám bệnh không phải mang theo thẻ bảo hiểm y tế, cứ mở VNeID trên điện thoại là có ngay. Tôi sẽ tìm hiểu thêm các tiện ích của VNeID để trải nghiệm”.

Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kích hoạt tài khoản định danh điện tử

Là huyện miền núi có rất đông đồng bào dân tộc thiểu số, với hơn 20.000 công dân đủ điều kiện đăng ký tài khoản định danh điện tử, trong đợt cao điểm triển khai đăng ký tài khoản định danh điện tử vừa qua, Khánh Sơn đã đạt 100% chỉ tiêu thu nhận hồ sơ (9.096 người). Được biết, lực lượng Công an huyện đã cùng đoàn thanh niên, hội phụ nữ… không quản ngày đêm, tích cực tới từng thôn, xóm tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng, kích hoạt tài khoản. Trung tá Phạm Thị Kim Yến - Đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Khánh Sơn nhìn nhận, tuy kết quả ban đầu rất khả quan nhưng việc thực hiện đối với số công dân còn lại sẽ khó khăn, bởi hầu hết có điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ hạn chế, không có điện thoại thông minh, không có sim điện thoại… Vì vậy, cấp trên cần có những giải pháp để tháo gỡ vướng mắc.

Trung tá Nguyễn Quang Sang chia sẻ một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, đó là trình độ dân trí, nhận thức của một bộ phận người dân chưa cao, chưa đầy đủ, nhất là tại 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh; một số địa bàn ven biển người dân đi biển dài ngày; tốc độ đường truyền có lúc không ổn định. Do đó, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động, đưa người dân đến các điểm thu nhận tài khoản định danh điện tử mức độ 2. Với tốc độ hiện tại, dự kiến đến ngày 30-7, tỉnh sẽ đạt chỉ tiêu thu nhận, kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho 756.805 người (65,57% số công dân đủ 14 tuổi trở lên).

Công an TP. Nha Trang mang thiết bị chuyên ngành đi thu nhận hồ sơ làm căn cước công dân tại nhà các hộ có người già yếu.


Thực tế, chỉ sau khi kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2 và tích hợp các loại giấy tờ, người dân mới có thể trực tiếp trải nghiệm các giá trị của cuộc sống số và trở thành những tuyên truyền viên tích cực chia sẻ trải nghiệm với người thân, bạn bè. Và chỉ khi tất cả người dân chủ động tham gia chuyển đổi số thì công cuộc chuyển đổi số mới thật sự phát huy hiệu quả. Để được như vậy, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, việc số hóa, kết nối, liên thông dữ liệu cũng cần được xúc tiến, đảm bảo chính xác và bảo mật. Các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục bảo đảm tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ được giao trong thực hiện Đề án 06; đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng các sản phẩm số, dịch vụ số, nhất là tạo lập danh tính điện tử, cài đặt, sử dụng các dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Thực hiện hiệu quả Đề án 06 và chuyển đổi số sẽ giúp toàn tỉnh hoàn thành tốt 3 nhóm nội dung lớn là tạo nên xã hội văn minh hơn, phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội và đấu tranh phòng, chống tội phạm hiệu quả.

Trung tá NGUYỄN QUANG SANG - Phó Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh: Trước thời điểm Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 30, tỷ lệ thu nhận hồ sơ cấp CCCD, kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của Khánh Hòa đứng áp chót toàn quốc; nhưng đến ngày 28-6, tỉnh đã vươn lên vị trí 37/63.


Đến hết ngày 1-7, toàn tỉnh đã thu nhận 546.234 hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử, đạt 72,2%; kích hoạt 260.234 tài khoản, đạt 34,39%. 6 tháng đầu năm, tỷ lệ hồ sơ kết quả TTHC điện tử của tỉnh là 61,28%; số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt 55,6%; khai thác, sử dụng lại dữ liệu thông tin đạt 0,9% (2.082 hồ sơ).

NHÓM P.V