Đến ngày 25-6, Khánh Hòa đã hoàn thành cấp căn cước công dân (CCCD) trước hạn 5 ngày; thu nhận thông tin tài khoản định danh điện tử mức độ 2 đạt 56,6%. Đạt được kết quả đó là nhờ sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân. Đây là cơ sở để toàn tỉnh quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ của Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Kỳ 1: Sâu sát với cơ sở
Quá trình thực hiện Đề án 06 tuy gặp nhiều khó khăn, trở ngại nhưng qua đó cũng xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo từ cơ sở, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ.
Ra đảo giúp dân
5 giờ sáng, chiếc ca nô nổ máy giòn giã rời cảng Đầm Môn (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh), đưa tổ công tác triển khai Đề án 06 xã Vạn Thạnh ra thôn đảo Khải Lương để hỗ trợ người dân đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2. Cột chặt 5 ổ bánh mì dành “dằn bụng” cho tổ công tác, Bí thư Đoàn xã Nguyễn Thành Nam vui vẻ chia sẻ: “Ở ngoài đảo, nhiều người đi biển từ rất sớm, có người đi biển dài ngày nên nhiều ngày nay, tổ công tác phải đi sớm để tranh thủ hỗ trợ được nhiều người dân và “ké” mạng Internet duy nhất ở trạm biên phòng. Vất vả thật, nhưng chúng tôi động viên nhau ráng hoàn thành nhiệm vụ”.
Cụ Lê Văn Y được tổ công tác thôn Cư Thạnh (xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh) đưa đón đi làm thủ tục cấp căn cước công dân. |
Ca nô vừa cập đảo, hơn chục người đã đứng chờ. Ông Nguyễn Hai (78 tuổi) vui vẻ cho biết: “Mấy ngày nay, loa phát thanh của xã tuyên truyền liên tục về Đề án 06. Mấy chú công an còn tới nhà làm CCCD cho người già, đau bệnh. Buổi tối, ông trưởng thôn còn tới nhà nhắc. Từ sáng sớm, 6 người trong gia đình tôi đã dậy, sửa soạn ăn sáng rồi ra trạm biên phòng ngay”. Đến 6 giờ 30, rà danh sách thấy vài hộ chưa tới, Trưởng thôn Nguyễn Minh Hiền lại cầm loa tay, len lỏi vào từng ngách nhỏ nhắc nhở… Nắng đứng bóng, công việc vừa xong, người dân làng chài vồn vã kéo “tổ 06” về nhà ăn cơm, thân tình như người nhà.
Tổ công tác triển khai Đề án 06 xã Vạn Thạnh đưa thiết bị thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân ra đảo Ninh Tân (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh). |
Xã Vạn Thạnh có 6 thôn, gồm 2 thôn thuộc bán đảo, 4 thôn đảo; khoảng 90% dân số sinh sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản. Xã rộng, nhiều đảo, liên thông với đất liền chủ yếu bằng đường thủy; đường bộ chỉ có duy nhất Tỉnh lộ ĐT.651 (đường Đầm Môn) nên việc đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử còn khó khăn và chậm. Theo ông Lê Hoàng Vương - Chủ tịch UBND xã, toàn xã có 7.725 nhân khẩu thì phần lớn không sử dụng điện thoại kết nối Internet, nhiều người đi làm ăn xa; các tổ công tác phải luân phiên đi từng đảo để hỗ trợ. Đến ngày 23-6, xã đã thu nhận 5.669/5.722 trường hợp hồ sơ cấp CCCD (còn lại chưa thực hiện được do khách quan); 2.023 trường hợp đã đăng ký tài khoản định danh điện tử, vượt chỉ tiêu đặt ra.
Những ngày vừa qua, hình ảnh chiếc thuyền thúng chao lắc chở cán bộ ra tàu hỗ trợ thu nhận hồ sơ đăng ký tài khoản định danh điện tử đã không còn xa lạ với người dân biển ở phường Vĩnh Thọ (TP. Nha Trang). Ông Hồ Tấn Hậu - Bí thư Chi bộ Tổ dân phố Cù Lao Thượng 1 cho biết, sau khi rà soát, lập danh sách, phân loại, nhóm lao động đi biển được ghi chú thời gian về bờ để tổ công tác tới vận động, hỗ trợ; nếu còn ở tàu dài ngày thì tổ ra tận nơi.
Đến tận nhà, lên tận rẫy
Xã Ba Cụm Bắc (huyện Khánh Sơn) có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức còn hạn chế, nhiều người chưa có điện thoại thông minh hoặc dùng điện thoại có sim không đăng ký chính chủ. Chị Cao Thị Hậu - Phó Bí thư Đoàn xã Ba Cụm Bắc cho biết, Đoàn xã thành lập 4 tổ hỗ trợ, đến nhà, lên rẫy tìm người dân để tuyên truyền, hỗ trợ cài đặt ứng dụng VNeID; hướng dẫn khai báo thông tin cá nhân, cách sử dụng ứng dụng. Trường hợp sim điện thoại không chính chủ, các thành viên liên hệ với nhà mạng để đăng ký. Nhưng việc hỗ trợ không phải lúc nào cũng suôn sẻ. “Có lần, khi cố thuyết phục người dân đăng ký tài khoản định danh điện tử, chúng tôi còn bị quát mắng. Lúc đó, ai cũng buồn, nhưng rồi lại động viên nhau cố gắng giải thích để người dân hiểu. Cứ kiên trì, nhẹ nhàng thuyết phục, cuối cùng người dân cũng nghe ra”, chị Cao Thị Hậu chia sẻ.
Người dân xã Ninh Tân (thị xã Ninh Hòa) được hướng dẫn, hỗ trợ đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử. |
Ở xã Giang Ly (huyện Khánh Vĩnh), khoảng 90% người dân thuộc diện được cấp CCCD không có điện thoại thông minh, khả năng sử dụng điện thoại còn hạn chế, một số đi làm ăn xa, không dùng điện thoại… Do đó, người dân chủ yếu đến điểm thu nhận hồ sơ ở xã để đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2. Hướng dẫn người dân ngồi chụp hình, lấy dấu vân tay, Thiếu tá Trần Duy Thanh Hiếu - Trưởng Công an xã vẫn không quên quan tâm thăm hỏi chuyện gia đình. Có người đi hơi liêu xiêu cũng được anh nhẹ nhàng nhắc: “Sáng sớm uống rượu không tốt đâu”, rồi nhờ nhắn người chưa đăng ký lên làm. Người dân trò chuyện, nhiệt tình thông báo những ai chưa làm. Thiếu tá Trần Duy Thanh Hiếu giải thích: “Ở đây, muốn vận động được phải “ba cùng” với dân”.
Nhiệt tình, tích cực hỗ trợ
Cuối tháng 5, cụ ông Lê Văn Y (thôn Cư Thạnh, xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh) đã chính thức trở thành công dân số của huyện ở tuổi 100 sau khi được các cán bộ hỗ trợ chở đến làm thủ tục đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2. Cũng như cụ Lê Văn Y, không ít người già, người tàn tật, đi lại khó khăn… ở huyện được cán bộ đến tận nhà, hoặc bố trí xe đưa đón để làm thủ tục cấp CCCD và đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Các tổ công tác tích cực tuyên truyền tới công nhân các doanh nghiệp và Cụm Công nghiệp Diên Phú. Huyện còn dành kinh phí mua 12 máy thu nhận hồ sơ đăng ký tài khoản định danh điện tử, tổ chức thu nhận từ 7 giờ đến 22 giờ hàng ngày. Đến ngày 28-6, tỷ lệ thu nhận hồ sơ đăng ký tài khoản định danh điện tử của huyện đã đạt 109,7% so với chỉ tiêu giao.
Thị xã Ninh Hòa có một số xã vùng sâu, vùng xa, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, một số sống chủ yếu trên rẫy, cách xa điểm thu nhận, như: Ninh Tây, Ninh Tân; một số người không rành công nghệ, chưa có điện thoại thông minh... Công an thị xã đã sử dụng nguồn kinh phí xã hội hóa đúng quy định để thuê ô tô đến các xã đón người dân tới điểm làm CCCD, thu nhận tài khoản định danh điện tử; 4 tổ công tác xung kích với 32 thành viên thuộc Công an thị xã và Thị đoàn tích cực vận động, chở người khuyết tật, người già neo đơn đến điểm làm CCCD hoặc làm CCCD tại nhà cho người bệnh nặng, tàn tật. Ông Sử Hồng Quốc Tịnh - Chủ tịch UBND xã Ninh Tây nhớ lại, hồi đầu tháng 6, nhiều đêm, các thành viên mang loa tay đến từng buôn thông báo người dân tập trung để chở đến các điểm làm CCCD, thu nhận hồ sơ đăng ký tài khoản định danh điện tử.
Kết quả trên là rất đáng kể, nhưng để 100% người dân hiểu ý nghĩa thực sự của việc kích hoạt tài khoản định danh điện tử và sử dụng được các tiện ích của ứng dụng VNeiD vào cuộc sống, đòi hỏi các lực lượng phải tiếp tục tuyên truyền cụ thể, sát thực và kịp thời tháo gỡ các vướng mắc.
NHÓM PV
Kỳ 2: “Chân đi, miệng nói, tay làm”
(Xem tiếp Báo Khánh Hòa Chủ nhật, ngày 2-7)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin