21:59, 15/06/2023

Trường Đại học Nha Trang: Xây dựng hệ thống thông tin tích hợp chuyển đổi số

H.NGÂN

Thực hiện kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, Trường Đại học Nha Trang đã áp dụng các giải pháp xây dựng hệ thống thông tin tích hợp, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản trị, quản lý của nhà trường.

Duy trì, nâng cấp nguồn lực hiện có

Trường Đại học Nha Trang hiện có 53 chuyên ngành đào tạo đại học, 20 ngành đào tạo thạc sĩ và 12 ngành đào tạo tiến sĩ, với quy mô gần 15.000 học viên, sinh viên. Các mảng công tác của trường khá đa dạng như: Đào tạo (chính quy, vừa làm vừa học, từ xa, văn bằng 2, song ngành, chất lượng cao, chương trình đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp...); quản lý nghiên cứu khoa học; nhân lực; cơ sở vật chất; tài chính... Nhằm đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác quản trị, quản lý, ra quyết định dựa trên việc tích hợp dữ liệu thông tin tổng hợp, năm 2021, nhà trường xây dựng đề án chuyển đổi số. Trong đó, việc đào tạo số, quản trị số, truyền thông số, thư viện số, thiết bị trường học thông minh được tích hợp với nhau thành một hệ thống liên thông hoàn chỉnh. Cán bộ, viên chức và người học chỉ cần dùng một tài khoản để đăng nhập các phần mềm và công cụ hỗ trợ khác của nhà trường.

Tra cứu tài liệu điện tử tại Thư viện Trường Đại học Nha Trang.
Tra cứu tài liệu điện tử tại Thư viện Trường Đại học Nha Trang.

Tiến sĩ Trần Doãn Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang cho biết, nhà trường đã triển khai nhiều phần mềm, tự phát triển nhiều công cụ quản lý trong giai đoạn 2010 - 2020 nên trong kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, nhà trường chọn phương án tiếp tục duy trì, nâng cấp các hệ thống cũ và trang bị bổ sung các hệ thống phần mềm, công cụ mới theo yêu cầu của sự phát triển. Bên cạnh việc đầu tư các phần mềm, nhà trường cũng khai thác các nguồn lực miễn phí dành cho giáo dục, bố trí nhân lực xây dựng, phát triển một số phân hệ phần mềm phục vụ riêng biệt... Nhờ vậy, nhà trường tiết kiệm được một phần kinh phí trong việc thực hiện chuyển đổi số. Để có thể tiếp quản tốt các công cụ và chủ động phát triển thêm, đội ngũ nhân lực Phòng Công nghệ thông tin của trường từng bước được nâng cao trình độ, có khả năng nắm bắt và tự chủ về mặt công nghệ trong tích hợp hệ thống.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin tích hợp

Hiện nay, Trường Đại học Nha Trang đã trang bị hệ thống phần mềm quản lý sinh viên, đào tạo cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý các chương trình và các học phần cho 3 hệ đào tạo đại học chính quy, vừa làm vừa học và sau đại học; quản lý sinh viên từ lúc nhập học cho đến khi tốt nghiệp; quản lý kế hoạch giảng dạy và xếp thời khóa biểu từng học kỳ, quản lý tổ chức thi. Sinh viên có thể đăng ký môn học và xem điểm qua mạng; thanh toán học phí qua ngân hàng và nhiều cổng dịch vụ khác… Với hệ thống phần mềm thư viện, nhà trường đã số hóa tài liệu và có website thư viện số online, phục vụ độc giả trong và ngoài trường. Bên cạnh đó, còn có phần mềm quản lý cán bộ, dashboard (bảng chứa các dữ liệu đã được xử lý và trực quan hóa) tổng hợp các mảng công tác nhân sự, đào tạo, đảm bảo chất lượng, học phí và nghiên cứu khoa học…

Ngoài ra, theo Tiến sĩ Trần Doãn Hùng, nhà trường đã đầu tư và dành nguồn lực đáng kể phục vụ công tác chuyển đổi số và bước đầu hoàn thiện các bộ công cụ phục vụ cho công tác quản lý trên tất cả các mảng công tác. Hệ thống từng bước được tích hợp, cho các thông tin về hoạt động chung của nhà trường, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản trị, quản lý. Để hoàn thiện hệ thống thông tin tích hợp chuyển đổi số, dự kiến thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục trang bị và tích hợp các phần mềm như: Quản lý học liệu số theo đề án học liệu số của Bộ Giáo dục và Đào tạo; quản lý xây dựng và chỉnh sửa chương trình đào tạo, đề cương học phần và đề cương chi tiết học phần; phần mềm một cửa cung cấp các dịch vụ trực tuyến cấp độ 3 cho cán bộ, viên chức và sinh viên; quản lý trang thiết bị phòng thí nghiệm và các tài sản khác trong trường; quản lý lưu trữ và số hóa các tài liệu lưu trữ; trang bị ứng dụng MyNTU trên thiết bị di động để cán bộ, viên chức và sinh viên dễ dàng sử dụng các hệ thống thông tin nhà trường.

H.NGÂN