Chiều 29-6, Sở Công Thương, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ Khánh Hòa tổ chức Hội thảo “Giải pháp chuyển đổi số cho các đơn vị sản xuất, thương mại trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa”. Đại diện gần 60 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham dự hội thảo.
Xu thế tất yếu
Các đại biểu và đại diện doanh nghiệp tìm hiểu nền tảng thanh toán trực tuyến. |
Tại hội thảo, ông Trần Văn Trọng - Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết: “Bắt đầu từ đại dịch Covid-19, số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến tăng đột biến. Người dân cũng bắt đầu hình thành thói quen lướt qua các trang mua sắm trên mạng xã hội; các doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhà nước cũng tích cực hơn trong chuyển đổi số. Chính điều này đang tạo nên một xu thế rất lớn về thương mại điện tử, kinh doanh trên môi trường trực tuyến; tạo đà để kinh tế số phát triển một cách mạnh mẽ trong thời gian tới”.
Ông Nguyễn Sanh Đương - Phó Giám đốc Sở Công Thương khẳng định, hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp đã nắm bắt được tốt xu hướng thị trường, thực hiện đa dạng kênh bán hàng, đáp ứng nhu cầu mới của khách hàng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về vốn, nhân lực, công nghệ... trong quá trình chuyển đổi số. Điều này đặt ra yêu cầu phải có những giải pháp đồng bộ của cơ quan quản lý nhà nước, cũng như các doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy phát triển chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại. Do đó, hội thảo này sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất và thương mại tại Khánh Hòa chia sẻ những khó khăn và tiếp cận với các công nghệ, giải pháp và sản phẩm mới trong lĩnh vực chuyển đổi số. Bên cạnh đó, còn hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến hàng hóa sản phẩm, kết hợp kinh doanh trực tuyến, nhằm tiếp cận đông đảo đến cộng đồng tiêu dùng trong nước và các nước lân cận.
Đẩy mạnh phát triển thương mại trên nền tảng số
Các đại biểu và đại diện doanh nghiệp tìm hiểu đơn vị cung cấp tên miền điện tử. |
Tại hội thảo, các chuyên gia, đại diện các đơn vị cung cấp giải pháp đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về ứng dụng thương mại điện tử đối với các doanh nghiệp. Đặc biệt, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã đưa ra các giải pháp cơ bản cho thương mại điện tử trong thời gian tới; đồng thời cam kết các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp của tỉnh.
Đại diện các doanh nghiệp cũng nêu những khó khăn, thách thức về ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh; cách tiếp cận các gói bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, sàn điện tử… Ông Đặng Thế Truyền - Giám đốc Công ty TNHH Cam Lâm Online trăn trở: “Sau đợt dịch Covid-19, người dân đã biết nhiều hơn đến cách bán hàng online; các doanh nghiệp nhỏ ở nông thôn cũng tiếp cận nhiều hơn với thương mại điện tử. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ số, sự tiếp cận đó là chưa đủ. Mong rằng thời gian tới, các cơ quan hữu quan và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp có sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) trong ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh".
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hiền - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông lại băn khoăn vì hiện nay có quá nhiều nền tảng thanh toán trực tuyến, bán hàng trên mạng. Điều này sẽ rất khó cho các doanh nghiệp và khách hàng lựa chọn. Đây là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp của tỉnh còn lúng túng. “Niềm tin của khách hàng đối với các trang bán hàng là rất quan trọng, nhưng hiện có nhiều trang không uy tín. Do đó, cần có những giải pháp để ngăn chặn các trang bán hàng không uy tín và khuyến cáo cho người tiêu dùng. Sắp tới, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ thiết lập một trang thông tin mở để tất cả doanh nghiệp bán hàng đều phải minh bạch thông tin, tạo niềm tin cho người tiêu dùng” - ông Hiền chia sẻ.
Ông Nguyễn Sanh Đương đánh giá, hội thảo đã phần nào gợi mở và đưa thêm nhiều giải pháp về chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp và đơn vị cung cấp dịch vụ đã tìm được tiếng nói chung trong tiếp cận công nghệ, nền tảng số hữu hiệu. Thời gian tới, sở sẽ tập trung tuyên truyền, đào tạo phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử, phát triển các sản phẩm, giải pháp, hỗ trợ tích hợp giải pháp thanh toán trực tuyến, nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động phát triển thương mại điện tử. Đồng thời, sở cũng đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa; hỗ trợ phân phối sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP và sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hộ sản xuất nông nghiệp trên các nền tảng số.
ĐÌNH LÂM - CÔNG ĐỊNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin