20:57, 25/07/2024

Triển khai hiệu quả nhiều giải pháp cải cách hành chính

NGUYỄN VŨ

6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Khánh Hòa xếp thứ hai cả nước, dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Việc tỉnh triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều nhiệm vụ, giải pháp cải cách hành chính (CCHC) đã góp phần quan trọng vào kết quả này.

Quan tâm cải cách thể chế và thủ tục hành chính

Tại phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ vào ngày 15-7, Khánh Hòa được đánh giá là một trong những địa phương điển hình về cải cách thể chế. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã ban hành 44 văn bản quy phạm pháp luật, thể chế kịp thời các chính sách của Trung ương, chủ trương của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, như: Quy định một số nội dung về quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh; sửa đổi, bổ sung một số quy định về cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh; sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ tách thành dự án độc lập trên địa bàn tỉnh;… Bên cạnh đó, tỉnh đã phê duyệt nhiều chương trình, đề cương, đề án quan trọng về quy hoạch, như: Chương trình phát triển đô thị tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đề cương nhiệm vụ tổng thể về xây dựng Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; Đề án xây dựng thí điểm mô hình đô thị thông minh tại TP. Nha Trang…

Thời gian qua, tỉnh cũng đã tổ chức nhiều đoàn công tác xúc tiến đầu tư, du lịch ở nước ngoài; tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư... Qua hơn 1 năm hoạt động, Cổng Thông tin xúc tiến đầu tư tỉnh đã thu hút hơn 772.000 lượt truy cập. UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục 9 thủ tục hành chính (TTHC) thực hiện thí điểm cung cấp dịch vụ công trực tuyến không sử dụng hồ sơ giấy; giao chỉ tiêu hồ sơ trực tuyến cho các cơ quan. 100% TTHC đủ điều kiện đều được công bố thực hiện trực tuyến. HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết miễn thu phí, lệ phí đối với dịch vụ công trực tuyến khi nộp hồ sơ thực hiện trên môi trường mạng.

Nhân viên Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính.
Nhân viên Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính.

6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến toàn tỉnh đạt 69,37% trong tổng số hồ sơ của TTHC được công bố thực hiện trực tuyến, tăng 9,97% so với cùng kỳ năm 2023; thanh toán trực tuyến đạt gần 105.000 lượt với gần 89 tỷ đồng, tăng hơn 54.300 lượt và gần 31 tỷ đồng. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết sớm và đúng hạn đạt 99,49%, tăng 0,02%; tỷ lệ cấp kết quả bản điện tử đạt 80,04%, tăng 18,92%; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết đạt 80,96%, tăng 25,36% so với cùng kỳ năm trước.

Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số

Hiện nay, hạ tầng công nghệ thông tin dùng chung của tỉnh đã được nâng cấp phục vụ hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo điều hành an toàn, thông suốt. Tỉnh tiếp tục sử dụng hiệu quả các hệ thống thông tin, nền tảng số của địa phương, như: Ứng dụng công dân số tỉnh; hệ thống quản lý văn bản và điều hành; các hệ thống thông tin giải quyết TTHC; hệ thống quản lý cán bộ, công chức; hệ thống thông tin địa lý (GIS) Khánh Hòa; hệ thống quản lý việc giải quyết kiến nghị của cử tri; hệ thống phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về kinh tế - xã hội tỉnh; hệ thống hội nghị giao ban trực tuyến tỉnh…

Tỉnh đã hoàn thành kết nối, tích hợp Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh với 14 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của Chính phủ và các bộ, ngành; hoàn thành kết nối, chia sẻ hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đưa vào khai thác dữ liệu, thông tin dân cư từ ngày 9-2-2023 đối với 3 dịch vụ (xác minh căn cước công dân, chứng minh nhân dân; xác minh thông tin chủ hộ; lấy thông tin công dân phục vụ việc giải quyết TTHC). Đến nay, đã có gần 444.000 hồ sơ được lưu trữ vào kho quản lý dữ liệu hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai ứng dụng AI trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh, cho phép tìm kiếm thông tin TTHC nhanh chóng hoặc đưa ra gợi ý để dễ dàng tiếp cận thông tin mong muốn; tiếp tục phát huy hiệu quả ứng dụng AI trên hệ thống phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về kinh tế - xã hội tỉnh và hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh. Dự kiến trong tháng 9, tỉnh sẽ triển khai thí điểm Trung tâm Thông tin điều hành tỉnh. Hiện nay, 100% cơ sở y tế khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip; 100% đơn vị giáo dục, cơ sở khám, chữa bệnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; 100% đối tượng bảo trợ xã hội được cập nhật dữ liệu trên hệ thống phần mềm đăng ký, giải quyết chính sách... Tỉnh cũng hoàn thành sớm việc số hóa dữ liệu sổ hộ tịch và khai thác, sử dụng từ ngày 1-4.

Ông Võ Chí Vương - Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, thời gian tới, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống quy định, chính sách quản lý trên các lĩnh vực nhằm tạo môi trường thật sự thông thoáng, minh bạch cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, hội nhập quốc tế. Đồng thời, chủ động rà soát, đơn giản hóa TTHC đúng quy định và đề xuất đơn giản hóa TTHC, nhất là trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, đầu tư; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến nhằm giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp giữa công dân và cán bộ, công chức, viên chức, tăng cường minh bạch, cải thiện tốc độ, chất lượng dịch vụ công, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó, tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức phát huy trình độ năng lực và sức sáng tạo. Tỉnh sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, tích cực xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số; tiếp tục xây dựng cơ chế và kênh thông tin để tăng sự tương tác, tham gia của người dân, tổ chức trong quá trình đưa ra quyết định, đề xuất ý kiến và phản hồi hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ và đáp ứng đúng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

NGUYỄN VŨ