Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được xác định là một bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng, lý luận và là nhiệm vụ sống còn của công tác xây dựng Đảng. Đây là trọng trách đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Trong đó, mỗi cán bộ, đảng viên đóng vai trò như người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng.
* Vấn đề sống còn của công tác xây dựng Đảng
Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị xác định rõ: “Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng là một nội dung cơ bản, sống còn của công tác xây dựng Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó lực lượng tuyên giáo các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị và của từng cán bộ, đảng viên”. Có thể thấy rằng, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ngày càng được tăng cường hơn bao giờ hết.
Trận địa bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đã và đang đặt ra trọng trách vô cùng to lớn và nặng nề cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Đó là: “... bảo vệ Đảng, cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”.
Thời gian qua, công tác tư tưởng, lý luận đã góp phần quan trọng bảo đảm ổn định, hòa bình để phát triển đất nước. Tuy nhiên, trên mặt trận tư tưởng, lý luận, chúng ta đang có những khó khăn và hạn chế nhất định. Công tác tư tưởng còn thiếu sắc bén, sức thuyết phục chưa cao, tính chiến đấu còn hạn chế; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, phòng, chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ hiệu quả còn hạn chế. Bên cạnh đó, công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận còn bất cập, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn; một số vấn đề mới, khó, phức tạp chưa được làm sáng tỏ; chưa giải đáp được nhiều vấn đề do thực tiễn đặt ra, tiến hành thí điểm nhiều nhưng chậm tổng kết thành lý luận, chưa làm tốt chức năng định hướng cho hoạt động thực tiễn, cung cấp cơ sở khoa học cho hoạch định đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước[1]. Công tác thông tin, tuyên truyền một số chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa phong phú, thường xuyên, kịp thời, chưa đáp ứng được sự mong đợi của nhân dân; công tác nắm bắt dư luận trước những sự kiện, tình huống bất ngờ còn chưa kịp thời.
Chúng ta nhận thức rằng, mục đích cao nhất, có tính chiến lược của các thế lực thù địch chống phá Đảng ta trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận là nhằm làm cho Đảng và nhân dân ta xa rời, từ bỏ mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; xa rời, từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tức là làm cho cán bộ, đảng viên ta từ bỏ nền tảng tư tưởng, từ bỏ thế giới quan, phương pháp luận khoa học, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng. Chúng dùng mọi âm mưu, thủ đoạn, phương thức tinh vi, xảo quyệt để thực hiện mục đích thâm độc đó. Công tác đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận của Đảng và Nhà nước ta vì thế cũng vô cùng phức tạp, đặt ra nhiều vấn đề mới cần phải có tư duy mới và hành động hiệu quả hơn[2],…
* Trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên
Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được thể hiện trước hết trong việc kiên định lập trường tư tưởng, chính trị; nói, viết và làm đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây là yêu cầu rất quan trọng và mỗi đảng viên phải thể hiện trách nhiệm cao trong công tác, hoạt động, sinh hoạt, sử dụng mạng xã hội,… phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, tính tiên phong của người đảng viên và tạo được niềm tin trong nhân dân.
Trong cuộc đấu tranh này, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải đề cao cảnh giác, chủ động tấn công, có phương thức, biện pháp thích hợp, góp phần cùng với tổ chức đảng tăng cường tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, chính xác các quan điểm, tư tưởng, lý luận của Đảng; phản bác mạnh mẽ, quyết liệt để kịp thời ngăn chặn sự chống phá về tư tưởng, lý luận của các thế lực thù địch dưới bất cứ hình thức nào.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sự phát triển như vũ bão của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đưa đến sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và mạng xã hội. Các thế lực thù địch đã lợi dụng những điều kiện này để tăng cường móc nối, cấu kết với những phần tử cơ hội chính trị, ra sức xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng, với ý đồ làm lung lay nhận thức, niềm tin của nhân dân vào Chủ nghĩa Mác Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo của Đảng; lợi dụng các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, khoét sâu những yếu kém, sơ hở, mất cảnh giác của ta để bóp méo, xuyên tạc sự thật. Thời điểm họ xuyên tạc thường vào những dịp, những sự kiện lớn như: Đại hội đảng các cấp, toàn quốc, những ngày lễ lớn của dân tộc và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp,...
Một số tài khoản cá nhân đăng tải, chia sẻ, bình luận trên mạng xã hội những thông tin phiến diện, thiếu chính xác, chưa được kiểm chứng dẫn đến tâm lý hoang mang, phản ứng trái chiều trong dư luận xã hội, tạo cơ hội cho các thế lực thù địch và các đối tượng phản động, cực đoan chính trị tuyên truyền xuyên tạc, kích động chống phá gây hoang mang trong dư luận. Thậm chí, chúng còn lập những tài khoản, website giả mạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, những người có uy tín, nhân vật nổi tiếng… để tung tin gieo rắc hoài nghi trong xã hội, nhất là đối với những vấn đề nhạy cảm nhằm kích động, lôi kéo người dân tụ tập trái phép, biểu tình, phá rối an ninh trật tự và có các hành vi phạm pháp. Hiện tượng cổ súy “giá trị” văn hóa phương Tây đã ít nhiều gây tác động xấu đến đời sống xã hội, nhất là trong giới trẻ.
Trước tình hình đó, người cán bộ, đảng viên đều phải có nhận thức đúng đắn, hành động phù hợp, đó là: Luôn bám sát tình hình, nắm bắt tư tưởng, dư luận trong xã hội để kịp thời cung cấp thông tin chính thống, định hướng dư luận; phải nhạy bén, linh hoạt nắm chắc được tình hình, nhiệm vụ được phân công, kịp thời thông tin, báo cáo với cấp trên khi phát hiện, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, luồng thông tin xấu, độc, với phương thức linh hoạt, phù hợp từng đối tượng. Mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những cán bộ làm công tác dân vận phải luôn “gần dân, sát dân”, góp phần nâng cao kiến thức, nhận thức của người dân về tính chất phức tạp của mạng xã hội, tạo sức đề kháng đối với những thông tin xấu, định hướng cho người dân hiểu rõ bản chất của vấn đề, để không bị kẻ xấu lợi dụng; thường xuyên chia sẻ thông tin tốt đẹp, lan tỏa gương người tốt, việc tốt trong xã hội.
* Để mỗi cán bộ, đảng viên thực sự trở thành chiến sĩ đi đầu trên mặt trận đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Để mỗi cán bộ, đảng viên thực sự trở thành chiến sĩ đi đầu trên mặt trận đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và chiến đấu thắng lợi thì đó không chỉ là ý thức tự thân của mỗi người mà còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.
Nghị quyết số 35 của Bộ Chính trị đã chỉ ra rằng: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng phải trên cơ sở quán triệt sâu sắc, vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn Việt Nam trong thời đại ngày nay, trước hết là trong xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thể chế, nguyên tắc tổ chức hoạt động của toàn hệ thống chính trị”. Nghị quyết đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là: Tiếp tục làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Có thể thấy rằng, trong cuộc chiến đấu này, điều cốt lõi là làm cho tư tưởng, lý luận của Đảng thấm sâu trong mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, để mỗi người là những chủ thể mạnh mẽ, tạo nên thành trì vững chắc làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn, phương thức chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận. Giải pháp cơ bản và lâu dài là phải “tăng sức đề kháng”, tạo cơ chế “miễn nhiễm” cho cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự chống phá của các thế lực thù địch. Chúng ta đang làm việc này bằng cách coi trọng hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng để mỗi người nhận thức đúng đắn hơn, đầy đủ hơn.
Cùng với đó, phải tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự thống nhất, quyết tâm cao trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và cả hệ thống chính trị trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền gắn với việc phòng ngừa, ngăn chặn các biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tăng cường thực hiện Nghị quyết số 35 của Bộ Chính trị với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị định số 73 ngày 29-9-2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Nêu cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, thực hiện thường xuyên, sâu, rộng, có hiệu quả việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị”[3].
Tổ chức tốt cuộc đấu tranh vạch trần những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, làm cho mọi tầng lớp nhân dân, trước hết là cán bộ, đảng viên nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; tích cực chống lại các khuynh hướng phủ nhận vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh một cách có hệ thống, bài bản, đi vào chiều sâu. Đồng thời, tăng cường trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn, bồi dưỡng lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đội ngũ cán bộ chủ chốt; bảo đảm việc học tập các bộ môn lý luận cơ sở được tiến hành một cách thực chất, để người học nắm được những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, làm cơ sở xem xét, phân tích, đánh giá các vấn đề chính trị, xã hội diễn ra trong đời sống hiện thực.
Phát huy vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong xây dựng lực lượng đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch. Mặt khác, cần cung cấp thông tin kịp thời mang tính định hướng trong hệ thống chính trị để cán bộ, đảng viên không bị những thông tin “nhiễu” và củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước. Khuyến khích và bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, đảng viên sử dụng các mạng xã hội thành công cụ đấu tranh hiện đại, hiệu quả; đa dạng các thể loại thông tin để chuyển tải nội dung đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm, sai trái thù địch trên không gian mạng; “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”.
Tăng cường tính Đảng và xây dựng văn hóa chính trị trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Văn hóa chính trị của cán bộ, đảng viên thường được hiểu là trình độ hiểu biết và giác ngộ chính trị tham gia vào thực tiễn hoạt động chính trị. Đó là ý thức chính trị, thái độ, hành vi và lập trường, quan điểm chính trị; mức độ nhận thức, đánh giá các sự kiện, các diễn biến chính trị; sự lựa chọn tham gia của cán bộ, đảng viên vào hoạt động thực tiễn; thái độ và mức độ phản ứng hay hưởng ứng trước một tình huống nào đó trong đời sống chính trị. Văn hóa chính trị của cán bộ, đảng viên vừa góp phần tạo lập các giá trị, vừa góp phần hình thành dư luận xã hội tích cực đấu tranh chống những hành vi gây tổn hại tới lợi ích chung.
Xử lý nghiêm các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm Cương lĩnh chính trị, Ðiều lệ Ðảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Ðảng. Các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên phải chấp hành nghiêm kỷ luật phát ngôn; nghiêm cấm để lộ bí mật của Ðảng, Nhà nước, lan truyền những thông tin sai lệch hoặc có nội dung xấu, xuyên tạc, vu khống, kích động,… làm nguy hại an ninh quốc gia. Phải xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo phương châm “xử lý một người để làm gương cho muôn người”; không ngừng “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” trong công tác cán bộ.
Trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn kiên định, vững vàng và thể hiện tính tiên phong trên mặt trận ấy, bởi đảng viên phải là người “đi trước” để “làng nước theo sau”.
ThS. TRẦN THỊ NGỌC LINH
Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Ban Tuyên giáo Trung ương (2007), Phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch,bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2015), Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận – thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986 - 2016), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội
- Hà Linh (2019), Nhận diện những phương thức, thủ đoạn, biểu hiện chống phá mới của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận hiện nay, Tạp chí Cộng sản.
- Lê Hữu Nghĩa (2013), Những nguyên tắc của đấu tranh lý luận ở nước ta hiện nay, Tạp chí Cộng sản, số 8-2013.
- Nguyễn Phú Trọng (2015), Tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh sống mãi trong tâm khảm của chúng ta, soi đường dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi đến mọi thắng lợi, Tạp chí Cộng sản, số 6-2015.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2015), Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận – thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986 - 2016), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 170.
[2] Hà Linh (2019), Nhận diện những phương thức, thủ đoạn, biểu hiện chống phá mới của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận hiện nay, Tạp chí Cộng sản, số 8-2019, tr. 37.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, H.2021, tr.183
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin