23:25, 26/07/2024

Khánh Hòa: Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với việc giao nhiệm vụ trọng tâm - Kỳ cuối: Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

NGUYỄN THỊ HẰNG

Năm 2024, năm thứ 4 triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương khóa XIII, của Đảng bộ tỉnh khóa XVIII gắn với hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025; cũng là năm thứ 3 thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với hiệu quả bước đầu từ công tác giao nhiệm vụ trọng tâm, có thể nói đây là giải pháp đột phá để các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tăng tốc hoàn thành các mục tiêu các nghị quyết đã đề ra.

Sự “chuyển động” từ cấp huyện

Đến nay, hầu hết các huyện, thị, thành ủy đã cụ thể hóa Quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về quy trình giao nhiệm vụ trọng tâm và đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý thông qua kết quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm thành quy định, kế hoạch phù hợp với tình hình địa phương để triển khai thực hiện ở cấp mình; trong đó nhấn mạnh việc lấy kết quả đánh giá nhiệm vụ trọng tâm của cán bộ làm một trong những cơ sở đánh giá, xếp loại cán bộ hàng năm.

Với việc cụ thể hóa, triển khai thực hiện việc giao nhiệm vụ trọng tâm ở các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đã tạo chuyển biến trong nhận thức, thống nhất trong hành động, nâng cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị; tháo gỡ những vấn đề khó khăn, tồn tại ở các địa phương trong thời gian qua; tạo không khí thi đua triển khai thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị; góp phần đổi mới thực chất công tác đánh giá cán bộ ở các địa phương. Đồng thời, là cơ sở để thực hiện tốt hơn nữa công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ của địa phương có năng lực, phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Hội nghị giao ban công tác tổ chức xây dựng Đảng 6 tháng đầu năm 2024. Ảnh: MẠNH HÙNG
Hội nghị giao ban công tác tổ chức xây dựng Đảng 6 tháng đầu năm 2024. Ảnh: MẠNH HÙNG

Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện cho thấy, công tác giao nhiệm vụ trọng tâm đã góp phần đổi mới thực chất công tác đánh giá cán bộ tại tỉnh Khánh Hòa; là cơ sở để quy hoạch, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động, bố trí, sử dụng cán bộ, nhằm chuẩn bị trước một bước công tác nhân sự Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2025 - 2030, đảm bảo khoa học, dân chủ. Tuy nhiên, do đây là công tác mới nên trong quá trình thực hiện còn tồn tại một số hạn chế, như: Một số nội dung nhiệm vụ trọng tâm do các đầu mối theo khối phụ trách đề xuất chưa bám sát tiêu chí; công tác tổng hợp, thẩm định còn lúng túng; nhận xét ưu, khuyết điểm của cá nhân cán bộ chưa thể hiện rõ nét kết quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm.

Để việc giao nhiệm vụ trọng tâm triển khai thực hiện rộng rãi và có hiệu quả trong thời gian tới, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương cần tập trung thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương về mục đích, ý nghĩa của công tác giao nhiệm vụ trọng tâm và đánh giá cán bộ thông qua kết quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm; phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện công tác này đối với cán bộ thuộc cấp mình quản lý. Đồng thời, thực hiện trách nhiệm nêu gương trong công tác phê bình và tự phê bình, nhằm nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ; đặc biệt người đứng đầu phải nêu gương trong việc quyết liệt thực hiện nhiệm vụ trọng tâm được cấp trên giao và nhiệm vụ thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Thứ hai, thực hiện tốt cơ chế bảo vệ, khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm theo Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị, Nghị định số 76/2023/NĐ-CP, ngày 29-9-2023 của Chính phủ; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách đối với cán bộ, như: Biểu dương, khen thưởng; đề bạt, bổ nhiệm; nâng lương trước thời hạn; bố trí kịp thời trang thiết bị, kinh phí để thực hiện nhiệm vụ...; đồng thời thực hiện các biện pháp bảo vệ cán bộ liên quan đến xử lý trách nhiệm đối với cán bộ theo quy định tại Nghị định số 76 của Chính phủ và các văn bản pháp luật liên quan.

Thứ ba, gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm với công tác đánh giá cán bộ và công tác cán bộ; lấy kết quả, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm được giao, sản phẩm đầu ra làm thước đo chủ yếu trong đánh giá cán bộ; gắn đánh giá chất lượng cá nhân với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương; kết quả đánh giá thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của cán bộ được sử dụng làm một trong những cơ sở đánh giá, xếp loại cán bộ hàng năm. Thông qua kết quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là cơ sở để quy hoạch, luân chuyển, điều động, bố trí, sử dụng cán bộ đúng năng lực, sở trường.

NGUYỄN THỊ HẰNG

Ban Tổ chức Tỉnh ủy Khánh Hòa

 

Kỳ 1: Giao nhiệm vụ trọng tâm, bước đột phá trong công tác cán bộ 

Kỳ 2: Hiệu quả từ cách làm hay