22:12, 24/07/2024

Khánh Hòa: Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với việc giao nhiệm vụ trọng tâm - Kỳ 1: Giao nhiệm vụ trọng tâm, bước đột phá trong công tác cán bộ

NGUYỄN THỊ HẰNG

Ngày 28-1-2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 09, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp và có sự đổi mới trong phương thức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, trong đó giao nhiệm vụ trọng tâm là một cách làm mới, hiệu quả. Công tác này được Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát sao. Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện, việc giao nhiệm vụ trọng tâm đã đạt được nhiều kết quả, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh.

Xuất phát từ thực tiễn

Đánh giá cán bộ là khâu tiền đề có ý nghĩa quan trọng trong công tác cán bộ, là cơ sở để lựa chọn, bố trí, sử dụng cán bộ. Có đánh giá đúng cán bộ mới bố trí, sử dụng đúng cán bộ nhằm phát huy sở trường, năng lực của cán bộ. Từ đó, các nhiệm vụ, mục tiêu các nghị quyết của Đảng đề ra sẽ hoàn thành tốt. Ngược lại, đánh giá sai năng lực, sở trường sẽ bố trí cán bộ vào những vị trí không phù hợp; điều này không những ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ công việc mà còn tác động tiêu cực đến tâm lý của cán bộ. Tại Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự ngày 13-3-2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng khẳng định: “Trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, ở bất kỳ lĩnh vực, địa phương nào, cán bộ bao giờ cũng đóng vai trò quyết định”.

Thường trực Tỉnh ủy quán triệt, triển khai giao nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. Ảnh: XUÂN THÀNH
Thường trực Tỉnh ủy quán triệt, triển khai giao nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. Ảnh: XUÂN THÀNH

Tuy nhiên, công tác đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu. Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã thẳng thắn nhìn nhận: “Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến”.

Công tác đánh giá cán bộ tại tỉnh những năm gần đây đã phản ánh sát tình hình, kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, tổ chức đảng, đảng viên các cấp, nhưng có nơi, có lúc vẫn còn tình trạng nể nang, nặng về thành tích, chưa thật nghiêm túc trong việc đánh giá những hạn chế, khuyết điểm[1].

Qua thực tiễn, khâu đánh giá cán bộ vẫn chưa phát huy tốt vai trò, tầm quan trọng trong công tác cán bộ; chưa là động lực để thúc đẩy cán bộ thể hiện tối đa khả năng, tinh thần trách nhiệm đối với công việc; chưa có nhiều cán bộ dám mạnh dạn đề xuất những việc khó; chưa đánh giá đúng năng lực, trách nhiệm của người đứng đầu. Từ đó, rất khó để sắp xếp, bố trí cán bộ phù hợp với năng lực, sở trường của cán bộ.

Giao nhiệm vụ trọng tâm - cách làm mới

Để khắc phục một số tồn tại trong công tác đánh giá cán bộ tại tỉnh Khánh Hòa thời gian qua, là căn cứ để lựa chọn, sắp xếp cán bộ “đúng và trúng”, xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn hiện nay, ngày 24-9-2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa ban hành Quy định số 622-QĐ/TU về quy trình giao nhiệm vụ trọng tâm và đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý thông qua kết quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm. Lần đầu tiên việc giao nhiệm vụ và đánh giá cán bộ bằng sản phẩm cụ thể được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa thể chế hóa thành quy định. Gần đây nhất, Quy định số 1197-QĐ/TU, ngày 7-3-2024 được Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành (thay thế Quy định số 622-QĐ/TU), với nhiều điểm mới so với trước.

Tại hội nghị quán triệt, triển khai giao nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh, mỗi cán bộ, mỗi sở, ngành phải chọn những nhiệm vụ trọng tâm để triển khai, không thể để nguồn lực bị dàn trải. Khi được giao nhiệm vụ cần phải nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị.

Về một số nội dung mới của Quy định số 1197, ông Trần Nguyễn Thái Bình - Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết: Với Quy định số 1197, đối tượng thực hiện được thu gọn hơn trước, gồm: Các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; giám đốc các sở; trưởng các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh; một số trường hợp khác do Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định.

Về tiêu chí nhiệm vụ trọng tâm, bên cạnh 3 tiêu chí: Là nhiệm vụ quan trọng, đóng góp tích cực vào công tác xây dựng và phát triển tỉnh; có tính định lượng, thể hiện bằng sản phẩm đầu ra cụ thể; bám sát nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 42 của Chính phủ; Nghị quyết số 55 của Quốc hội, Quy định số 1197 bổ sung tiêu chí liên quan đến việc thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy.

Về quy trình giao nhiệm vụ trọng tâm gồm 3 bước thay vì 5 bước như trước đây; trong đó Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Đảng đoàn HĐND tỉnh, Đảng đoàn UBMTTQ Việt Nam tỉnh, các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy có trách nhiệm đề xuất cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy những nội dung nhiệm vụ, thay vì các cá nhân cán bộ tự đăng ký nhiệm vụ.

Năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao 273 nhiệm vụ trọng tâm cho 91 cán bộ thuộc đối tượng được giao nhiệm vụ theo quy định. Năm 2024, để tập trung nguồn lực vào các nhiệm vụ trọng tâm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao 109 nhiệm vụ cho 47 cán bộ; trong đó các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy 32 nhiệm vụ; các cán bộ lãnh đạo, quản lý 77 nhiệm vụ. Hiện nay, các cán bộ được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch thực hiện theo lộ trình, tiến độ cụ thể và tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch.

NGUYỄN THỊ HẰNG

                                                                                  Ban Tổ chức Tỉnh ủy Khánh Hòa

 


[1] Báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa về kết quả kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp năm 2022.