16:56, 27/06/2024

Bài học “lấy dân làm gốc” và sự vận dụng trong xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa

BÙI THANH TRÚC

Việc thực hiện vận dụng bài học “dân là gốc”, “dân là trung tâm”, phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới được tỉnh Khánh Hòa thực hiện nghiêm túc, sáng tạo đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xây dựng Đảng; qua đó góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, an ninh -  quốc phòng của tỉnh.

Tư tưởng xuyên suốt trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Bác Hồ và Đảng ta luôn nhận thức sâu sắc vai trò to lớn của nhân dân, ý nghĩa quan trọng của công tác dân vận, thường xuyên chăm lo xây dựng và củng cố mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân. Làm tốt công tác dân vận và liên hệ mật thiết với nhân dân là truyền thống tốt đẹp và là nguồn sức mạnh to lớn của Đảng ta. Tư tưởng Hồ Chí Minh về “Nước lấy dân làm gốc” xuyên suốt trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Đó là luôn tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân. Làm cách mạng cũng vì nhân dân và vì nhân dân mà làm cách mạng triệt để. Muốn cách mạng thành công phải dựa vào nhân dân, muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội cũng phải phát huy sức mạnh sự đồng lòng, ủng hộ từ nhân dân; muốn đất nước hùng cường phải có sự tham gia, đóng góp của nhân dân. Người khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”[1]. Từ tư tưởng “dân là gốc”, Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn thực hành văn hóa trọng dân; tôn trọng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân. Người chỉ rõ: “Chính phủ là công bộc của dân vậy. Các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì phải làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”[2]. Tư tưởng “lấy dân làm gốc” thể hiện nhận thức sâu sắc về lực lượng nơi dân là rất to lớn, rất quan trọng. Người chỉ rõ: “Nhân dân là bốn giai cấp công, nông, tiểu tư sản, tư sản dân tộc và những phần tử yêu nước khác. Đó là nền tảng của quốc dân”[3].

Ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy trao quà cho người dân thôn Cửa Tùng (xã Cam An Bắc, huyện Cam Lâm) trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2023. Ảnh: XUÂN THÀNH
Ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy trao quà cho người dân thôn Cửa Tùng (xã Cam An Bắc, huyện Cam Lâm) trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2023 tại thôn Cửa Tùng. Ảnh: XUÂN THÀNH

Tổng kết 30 năm đổi mới, Đại hội XII của Đảng một lần nữa rút ra các bài học, trong đó có bài học: Đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm lấy dân làm gốc, dân là gốc, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Tại Đại hội XIII, Đảng đề ra phương châm: “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, đồng thời nhấn mạnh quan điểm: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”. Tiếp tục thực hiện nhất quán quan điểm “dân làm gốc”, giữ vai trò nền tảng, đồng thời, nhân dân ở “vị trí trung tâm”.

Nhiều mô hình, cách làm hiệu quả

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Khánh Hòa, những năm qua, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác dân vận. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 25, ngày 3-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI), Kết luận số 43, ngày 7-1-2019 của Ban Bí thư về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án số 04-ĐA/TU, ngày 13-12-2022 về nâng cao hiệu quả công tác dân vận chính quyền trong việc triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Các cấp ủy, chính quyền thực hiện nghiêm túc, bám sát quan điểm "dân là gốc"; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Đồng thời, thực hiện nghiêm cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ”; thực hiện tốt công tác dân vận của hệ thống chính trị; phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh; thực hiện hiệu quả phong trào thi đua ''Dân vận khéo” trên các lĩnh vực; tăng cường các hoạt động giám sát, phản biện xã hội và vai trò giám sát của nhân dân trong thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân”

Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước như: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau; Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; “Đoàn kết, sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”. Các đơn vị, địa phương đã thực hiện nhiều mô hình hiệu quả như: “Tổ dân phố an toàn về phòng cháy, chữa cháy” (TP. Nha Trang); “3 tốt” - “Tốt trong giải quyết hồ sơ một cửa, tốt trong thực hiện quy chế dân chủ, phong trào xây dựng đô thị xanh, sạch, đẹp và an toàn; tốt trong 12 nhiệm vụ được giao” (TP. Cam Ranh); “Đảng viên gắn bó với hộ gia đình quần chúng nhân dân nơi cư trú (huyện Vạn Ninh); “Gương mẫu thi đua giúp nhau giảm nghèo và làm kinh tế giỏi” (Hội Cựu chiến binh tỉnh)... Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh tổ chức “Phiên chợ nông sản” giúp nông dân quảng bá sản phẩm. Công an tỉnh xây dựng mới và nhân rộng 35 mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Mặt trận các cấp xây dựng hơn 200 mô hình, trong đó có hơn 30 mô hình đạt hiệu quả cao. Kết quả của các phong trào, cuộc vận động lớn đã góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc; góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh.

Gian hàng tham gia phiên chợ nông sản năm 2023. Ảnh: CÔNG ĐỊNH
Gian hàng tham gia Phiên chợ nông sản Khánh Hòa 2023. Ảnh: CÔNG ĐỊNH

Việc thực hiện vận dụng bài học “dân là gốc”, “dân là trung tâm”, phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới được tỉnh Khánh Hòa thực hiện nghiêm túc, sáng tạo đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xây dựng Đảng; trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của các cấp ủy, chính quyền; qua đó góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, an ninh -  quốc phòng hàng năm của tỉnh.

Với những yêu cầu cấp bách đặt ra hiện nay, toàn hệ thống chính trị tỉnh phải ra sức quyết tâm, đoàn kết thống nhất chặt chẽ, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phát huy rộng rãi dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân; phải thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở; làm tốt, có hiệu quả phương châm: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng", xây dựng đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân; cùng cộng đồng trách nhiệm đối với sự phát triển chung của tỉnh. Có thể khẳng định rằng, nếu không thực hiện tốt bài học “dân là gốc”, “dân là trung tâm” thì không thể phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”, nếu không phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, không tập hợp được nhân dân chung tay với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thì không thể thực hiện thành công các nghị quyết của Trung ương ban hành về phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Với những lợi thế của Khánh Hòa, cùng với việc tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh trong thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra, tiếp tục duy trì bền vững những kết quả đạt được thời gian qua, sẽ góp phần đẩy nhanh mục tiêu xây dựng và phát triển tỉnh trong thời gian tới nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ về đoàn kết, tập hợp, phát huy sức mạnh nhân dân trong triển khai các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, nhất là việc triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 55/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ. Qua đó, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng, tinh thần chủ động, sáng tạo, ý thức tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của người dân Khánh Hòa góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, hướng tới là đô thị thông minh, bền vững bản sắc, ngang tầm khu vực Châu Á.

Tiếp tục thực hiện tốt bài học lấy dân làm gốc

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, thời gian tới, Ban Dân vận Tỉnh ủy tham mưu triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24-11-2023 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; tiếp tục tham mưu thực hiện tốt bài học “dân là gốc”, “dân là trung tâm”, phát huy vai trò của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Cùng với đó, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và nhân dân về tầm quan trọng của bài học “dân là gốc”, “dân là trung tâm”. Từ đó, phát huy sức mạnh tổng hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Cùng với đó, phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân và dân chủ trong triển khai thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh; thường xuyên nắm tình hình, diễn biến tư tưởng, tâm trạng, dư luận xã hội quan tâm, tăng cường công tác đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân. Đặc biệt, chú trọng công tác dân vận đối với đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào theo tôn giáo; bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển.

Người dân tham gia ý kiến trong việc triển khai thực hiên các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Người dân xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh tham gia ý kiến đối với Dự án Tuyến đường ven biển từ xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh đi thị xã Ninh Hòa.

Để phát huy rộng rãi dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân phải thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở. Trước khi ban hành chủ trương, chính sách liên quan đến đời sống của nhân dân phải tạo điều kiện tối đa để người dân bày tỏ nguyện vọng của mình nhằm tạo sự đồng thuận khi ban hành các chính sách. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tích cực tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các mô hình hay, điển hình tiên tiến. Mặt trận Tổ quốc cần làm tốt hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”.

Các cấp ủy cần tiếp tục quán triệt chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc là sự nghiệp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị mà hạt nhân lãnh đạo là tổ chức đảng. Do vậy, các cấp ủy cần đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện; tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, hiệu lực và hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải nhận thức đầy đủ, rõ hơn về vị trí, vai trò của công tác dân vận, mặt trận và việc tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình hiện nay. Cùng với đó, kiện toàn bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị; thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ. Từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải chủ động xử lý, giải quyết những vấn đề yếu kém, hạn chế trong chính nội bộ tại đơn vị mình để hướng đến mục tiêu “phụng sự Tổ quốc”, “phục vụ nhân dân”.

BÙI THANH TRÚC - Ban Dân vận Tỉnh ủy

 

 


[1] Bài nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khóa 2, Trường Đại học nhân dân Việt Nam, Bác nói ngày 8-12-1956

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, 2011, tr21

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, 2011, tr264