20:41, 14/09/2023

Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác dư luận xã hội

Ngày 6-9-2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa ban hành Đề án số 07 về “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa trong tình hình mới” (Đề án 07). Đây là cơ sở, tiền đề quan trọng để công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu, giải quyết dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh được thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả, góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân, sự đồng thuận trong xã hội.


Đáp ứng yêu cầu thực tiễn


Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh:“Chú trọng nắm bắt, định hướng dư luận xã hội, bảo đảm thống nhất tư tưởng trong Đảng, đồng thuận cao trong xã hội”. Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII yêu cầu: “Tiếp tục bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình tư tưởng, tâm trạng xã hội; kịp thời định hướng dư luận xã hội”. Các quan điểm trên khẳng định rằng, công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội (gọi tắt là công tác dư luận xã hội) đóng vai trò quan trọng trong công tác xây dựng Đảng.


Trong thời gian qua, công tác dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã giúp các cơ quan lãnh đạo có thêm thông tin đánh giá đúng hơn, sát thực hơn tình hình tâm trạng, tư tưởng của các tầng lớp nhân dân. Trên cơ sở đó đề ra các giải pháp tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, giải quyết một số vấn đề dư luận xã hội quan tâm, góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng bộ tỉnh, sự đồng thuận trong xã hội góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, công tác nắm bắt tình tình tư tưởng, tâm trạng của nhân dân đôi lúc chưa kịp thời, bị động, chưa sát thực tiễn, ngại phản ánh những vấn đề “nhạy cảm”, thiếu tính phát hiện, dự báo, chưa đưa ra được những đề xuất, kiến nghị có tính thuyết phục, khả thi. 


Từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đang phấn đấu thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, quá trình triển khai các quy hoạch, dự án quan trọng sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng nhất định đến tâm tư, tình cảm, cuộc sống của một bộ phận người dân; xuất hiện dư luận tiêu cực, trái chiều, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của địa phương. Mặt khác, các thế lực thù địch không ngừng chống phá quyết liệt, bằng nhiều hình thức, thủ đoạn, tiềm ẩn nguy cơ nhiễu loạn thông tin, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 


Xuất phát từ tình hình nêu trên, Đề án 07 được ban hành nhằm góp phần khắc phục các hạn chế, tồn tại; đồng thời tạo cơ chế, động lực mới để công tác dư luận xã hội tiếp tục phát huy hiệu quả, kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm trạng của nhân dân, định hướng dư luận, tránh phát sinh “điểm nóng”, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ông Trần Mộng Điệp - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhận định: “Đề án là tiền đề, bước ngoặt để triển khai đồng bộ công tác dư luận xã hội trong thời gian tới; tiếp tục khẳng định công tác này là kênh thông tin, căn cứ quan trọng để cấp ủy, chính quyền tham khảo trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh, nhất là khi toàn tỉnh đang nỗ lực xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo tinh thần các nghị quyết của Trung ương đã đề ra.

Hình minh họa (nguồn: tuyengiao.vn)
Hình minh họa (nguồn: tuyengiao.vn)


Đề ra nhiều giải pháp đồng bộ


Để đáp ứng yêu cầu công tác dư luận xã hội trong giai đoạn mới, Đề án 07 đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm tăng cường sự chủ động trong nghiên cứu, nắm bắt tâm trạng, tư tưởng và dư luận của cán bộ, đảng viên và nhân dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dự báo, xử lý kịp thời thông tin, định hướng dư luận xã hội, cụ thể: 


Một là, Đề án 07 xác định nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; từng bước đưa công tác dư luận xã hội trở thành nhiệm vụ thường xuyên, nền nếp; trong đó quan tâm xây dựng các văn bản để tạo cơ chế thống nhất trong việc chủ động, tích cực tham gia công tác dư luận xã hội; lắng nghe và tiếp thu các ý kiến xác đáng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; kịp thời tổng hợp, báo cáo tình hình dư luận xã hội, góp phần giúp cho hệ thống tuyên giáo có những thông tin chính xác để phân tích, tổng hợp báo cáo, tham mưu cho cấp ủy.


Hai là, đổi mới nội dung, hình thức công tác dư luận xã hội. Đề án nêu rõ nội dung điều tra xã hội học, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội cần bám sát việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh và quá trình cụ thể hóa các chủ trương, chính sách tại địa phương, đơn vị (quan tâm cả 3 giai đoạn: Trước khi xây dựng, ban hành; triển khai thực hiện và sau thời gian tổ chức thực hiện), nhất là việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các đề án, dự án, chương trình trọng điểm. Cùng với đó, tăng cường, đa dạng các hình thức nắm bắt, tổng hợp dư luận xã hội trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân (thông qua đội ngũ cộng tác viên; các cuộc họp, hội nghị; báo chí; gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với nhân dân; điều tra xã hội học, thăm dò dư luận xã hội; ứng dụng công nghệ để theo dõi và phân tích các chỉ số lắng nghe mạng xã hội...).


Ba là, Đề án 07 yêu cầu sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong công tác dư luận xã hội, tăng cường sự tham gia, phối hợp của cả hệ thống chính trị để làm tốt công tác dư luận xã hội. Nổi bật hơn cả là phát huy vai trò, trách nhiệm và sức mạnh tổng hợp của các lực lượng làm công tác tuyên giáo cùng tham gia công tác dư luận xã hội, chú trọng gắn kết, mở rộng mạng lưới góp phần làm tốt hơn nữa công tác dư luận xã hội; phát huy tính chủ động trong phản ánh thông tin, tình hình tư tưởng, dư luận xã hội. Phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân; vai trò phối hợp của các cơ quan chức năng, cơ quan nhà nước cùng cấp trong trao đổi, cung cấp thông tin; trong dự báo, định hướng dư luận xã hội. Trong đó, các cơ quan, đơn vị cần chủ động cung cấp thông tin liên quan đến việc phát triển kinh tế - xã hội, nhất là việc triển khai các quy hoạch, dự án, chương trình trọng điểm, có ảnh hưởng đến đại đa số người dân để ban tuyên giáo cùng cấp kịp thời, chủ động định hướng thông tin; chủ động phản hồi thông tin về kết quả xử lý, giải quyết các vấn đề được dư luận xã hội phản ánh, giúp các cấp ủy, chính quyền kịp thời nắm bắt, định hướng dư luận xã hội.


Bốn là, thành lập đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội và từng bước tạo điều kiện nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ làm công tác dư luận xã hội. Đây là lần đầu tiên Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất thành lập riêng đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Đội ngũ này sẽ có trách nhiệm kịp thời nắm bắt, tổng hợp, nghiên cứu, phản ánh khách quan, trung thực các luồng ý kiến, tâm tư, tình cảm, ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, làm cơ sở thực tiễn để các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo xử lý, giải quyết những vấn đề bức thiết của đời sống. Dự kiến, số lượng cộng tác viên dư luận xã hội cấp tỉnh tối đa là 35 người; cấp huyện và tương đương tối đa 20 người/địa phương, đơn vị. Đội ngũ này sẽ được cơ cấu hợp lý, đại diện cho các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội; được chi trả phụ cấp, có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của cấp ủy cùng cấp và hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương.


Công tác dư luận xã hội có ý nghĩa rất quan trọng, không đơn thuần chỉ là nội dung mà còn là phương thức để tạo sự thống nhất trong Đảng, đoàn kết nội bộ, đồng thời cũng là phương thuốc đề kháng với những thông tin sai lệch, xấu độc. Vì vậy, trong thời gian tới, mỗi cấp ủy cần xem đây là nhiệm vụ chính trị của mình, không khoán trắng cho ngành Tuyên giáo, mà là nhiệm vụ của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân; thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức nghiên cứu, nắm bắt và định hướng dư luận xã hội. Với những giải pháp đồng bộ mà Đề án 07 đã đề ra sẽ giúp công tác dư luận xã hội được đặt ở vị trí đúng tầm, mang lại hiệu quả như mong muốn.


KHÁNH TUYÊN - HOÀNG VY