Công tác bảo vệ chính trị nội bộ là một bộ phận trọng yếu trong công tác xây dựng Đảng; là những hoạt động nhằm bảo vệ Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, sự trong sạch, vững mạnh của tổ chức, đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong bối cảnh hiện nay, các thế lực thù địch, phản động không ngừng chống phá Đảng, Nhà nước với phương thức, thủ đoạn ngày một tinh vi, nguy hiểm, công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác bảo vệ chính trị nội bộ nói riêng đang đứng trước nhiều yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn, cần phải có những giải pháp phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới để nâng cao chất lượng công tác bảo vệ chính trị nội bộ, góp phần vào thành công của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Những kết quả đạt được
Thời gian qua, công tác bảo vệ chính trị nội bộ đã được các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đạt kết quả tốt, từng bước đi vào nền nếp, trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, đóng góp quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; góp phần ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Ngày 8-2-2022, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 58-QĐ/TW “Một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng”, trên cơ sở đó Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 01-HD/BTCTW ngày 5-8-2022. Hệ thống các văn bản quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ đã được bổ sung, sửa đổi phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Căn cứ các văn bản mới của Trung ương, các cấp ủy, tổ chức đảng đã nghiêm túc quán triệt, triển khai đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp nhằm bảo đảm thực hiện chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ trong hệ thống chính trị tỉnh về công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Trong thời gian qua, cấp ủy các cấp đã thực hiện nghiêm túc, khách quan, thận trọng, kỹ lưỡng công tác thẩm tra, xác minh, thẩm định và kết luận tiêu chuẩn chính trị của cán bộ, đảng viên đúng Quy định số 58-QĐ/TW và Hướng dẫn số 01-HD/BTCTW để phục vụ tốt công tác cán bộ và công tác phát triển đảng viên.
Trong thời gian qua, tình hình tư tưởng, tâm trạng xã hội trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định; việc triển khai, phổ biến các biện pháp giáo dục, nâng cao nhận thức về âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, kích động nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất an ninh trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt. Cán bộ, đảng viên và Nhân dân quan tâm, theo dõi các kỳ họp của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự kiện chính trị quan trọng của đất nước; hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước và của tỉnh. Tỉnh đã ban hành Kế hoạch sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị khóa XII về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch tổ chức Hội thảo về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình hình mới”. Ban Chỉ đạo 35 tỉnh đã ban hành Kế hoạch công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch năm 2023; các thông báo định hướng nhiệm vụ công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch hàng tháng; chỉ đạo đấu tranh, ngăn chặn, xử lý thông tin xấu độc vào dịp diễn ra kỷ niệm các ngày lễ, sự kiện quan trọng của đất nước, của tỉnh; chỉ đạo hưởng ứng, đôn đốc tham gia Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ III năm 2023. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tích cực đăng tải, chia sẻ tin, bài khai thác từ các trang thông tin chính thống, giúp định hướng dư luận xã hội, không để các thế lực thù địch lợi dụng để công kích, gây rối, chống phá; bồi dưỡng, nâng cao nhận thức tư tưởng, bản lĩnh chính trị cũng như góp phần ngăn chặn hiệu quả những biểu hiện, tư tưởng lệch lạc, thoái hóa, biến chất tiềm tàng, manh nha trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Bên cạnh đó, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tiếp tục được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, kiên quyết xử lý nghiêm sai phạm của cán bộ, đảng viên theo quy định của Đảng, Nhà nước; chú trọng đổi mới phương pháp lãnh đạo theo hướng sát việc, sát thực tế; kết hợp nhuần nhuyễn giữa “xây và chống”, “tập trung và dân chủ”, “nghiêm khắc và nhân văn”, trên quan điểm toàn diện và xem xét bối cảnh lịch sử cụ thể.
Việc triển khai thực hiện Quy chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ được các cơ quan tiến hành chặt chẽ, đồng bộ. Ban Tổ chức Tỉnh ủy và các cơ quan, đơn vị liên quan đã kịp thời trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan; tích cực phối hợp trong cung cấp, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; phối hợp hiệu quả trong công việc nắm bắt tình hình an ninh chính trị nội bộ. Công tác kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy được chú trọng, tăng cường, nhất là những nơi còn tồn tại các vấn đề phức tạp trong nội bộ, đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan vấn đề chính trị của cán bộ, đảng viên.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ chính trị nội bộ còn một số hạn chế, bất cập, như: Nhận thức, trách nhiệm về yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình mới của một số cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu chưa đầy đủ, sâu sắc, toàn diện. Công tác nắm tình hình, cập nhật thông tin về chính trị nội bộ, nhất là vấn đề chính trị hiện nay của cán bộ, đảng viên ở một số cấp ủy cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao; công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ giữa các cơ quan chức năng còn chưa thường xuyên; tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác bảo vệ chính trị nội bộ thường xuyên thay đổi, còn thiếu về số lượng, chưa được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên.
Những giải pháp để nâng cao chất lượng công tác
Thực tiễn đặt ra những yêu cầu và nhiệm vụ ngày càng cao, vì vậy, để nâng cao chất lượng công tác bảo vệ chính trị nội bộ, góp phần phát huy tốt vai trò quan trọng để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, vào thành công của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội; tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thứ hai, tiếp tục quán triệt và nâng cao trách nhiệm, nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; đẩy mạnh giáo dục chính trị tư tưởng, quản lý cán bộ, đảng viên gắn với việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Thứ ba, chuyển mạnh trọng tâm công tác bảo vệ chính trị nội bộ từ xem xét lịch sử chính trị sang nắm bắt và giải quyết vấn đề chính trị hiện nay gắn với việc phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống, phản bác các âm mưu, phương thức, thủ đoạn, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch và các hành vi gây lộ, lọt bí mật của Đảng, Nhà nước.
Thứ tư, thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ công tác rà soát, thẩm tra, xác minh, thẩm định và kết luận tiêu chuẩn chính trị của cán bộ, đảng viên, nhất là đối với nhân sự tham gia cấp ủy, ứng cử, giới thiệu bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp và làm việc ở các cơ quan, bộ phận, vị trí trọng yếu, cơ mật; kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những người không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện nhưng cũng không bỏ sót cán bộ thật sự có đức, có tài, có uy tín trong Đảng và Nhân dân.
Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp về công tác bảo vệ chính trị nội bộ tại các địa phương, cơ quan, đơn vị trực thuộc; thường xuyên rà soát, kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước.
Thứ sáu, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, chuyên viên chuyên trách các cấp, trong đó xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác đảng và bảo vệ chính trị nội bộ. Đồng thời, cần khuyến khích và có cơ chế phù hợp bảo vệ những cán bộ có phẩm chất “6 dám” - dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.
ĐỨC LINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin