23:11, 13/09/2023

Hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”

Những năm qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả. 


Tính đến nay, toàn tỉnh có trên 2.800 mô hình “Dân vận khéo” trên 4 lĩnh vực: 654 mô hình về phát triển kinh tế, 1.421 mô hình về văn hóa xã hội, 508 mô hình đảm bảo an ninh quốc phòng và 265 mô hình xây dựng hệ thống chính trị. Nhìn chung, việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động đã tạo ra sức lan tỏa, thu hút các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia, thực hiện; những mô hình, điển hình tiên tiến trong sản xuất, chăn nuôi, làm kinh tế giỏi, giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân, thực hiện giảm nghèo bền vững. Điển hình như các mô hình: Chuỗi cung cấp thực phẩm nông, thủy sản an toàn theo VietGap, “Tự quản bảo vệ an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thôn, tổ dân phố”, “Vận động, thuyết phục nhân dân hiến đất làm đường giao thông”, “Tự quản bảo vệ môi trường trong khu dân cư”; vận động nhân dân tham gia hiến máu tình nguyện; Kết nối trái tim - Yêu thương và chia sẻ… đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; bảo vệ môi trường; phòng, chống dịch bệnh… góp phần hoàn thành chương trình phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng ở địa phương. 

Mô hình “Tuyến đường mẫu do Hội Cựu chiến binh quản lý”
(xã Xuân Sơn, huyện Vạn Ninh).
Mô hình “Tuyến đường mẫu do Hội Cựu chiến binh quản lý” (xã Xuân Sơn, huyện Vạn Ninh).

Trong năm 2022, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã giới thiệu Ban Dân vận Trung ương 5 mô hình tập thể và 2 mô hình cá nhân điển hình tiêu biểu được biểu dương, khen thưởng, đạt giải cao trong các cuộc thi “Dân vận khéo” tại địa phương như: Công trình thanh niên “Khu vui chơi cho thiếu nhi” của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh; “Mỗi nét vẽ - Một tấm lòng” của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phường Cam Thuận, TP. Cam Ranh; “Cầu dân sinh” của Hội Phụ nữ xã Xuân Sơn, huyện Vạn Ninh; “Vận động nông dân tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau” của Tổ hội nghề nghiệp trồng cây đậu phộng thôn Xuân Đông, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh; “Chi hội phụ nữ mẫu xuất sắc tiêu biểu thôn Nam 1” của Hội Phụ nữ xã Diên Sơn, huyện Diên Khánh; “Thực hiện và tuyên truyền nông dân trồng táo theo tiêu chuẩn VietGAP kết hợp với xây dựng hợp tác xã” của ông Hồ Tấn Cường - hội viên nông dân xã Cam Thành Nam, TP. Cam Ranh; “Bữa sáng yêu thương” của bà Nguyễn Thị Cẩm Nhung - Phó khối Dân vận phường - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam phường Vạn Thắng, TP. Nha Trang.

Mô hình “Điện đường nông thôn” của Chi hội Phụ nữ Chấp Lễ
(xã Ninh Thân, thị xã Ninh Hòa).
Mô hình “Điện đường nông thôn” của Chi hội Phụ nữ Chấp Lễ (xã Ninh Thân, thị xã Ninh Hòa).

Thông qua việc xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội gắn với việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trách nhiệm và hành động của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân về công tác dân vận, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, tăng cường sự đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, góp phần huy động các nguồn lực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. 


Nhằm tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVIII và Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong thời gian đến, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị tập trung triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 17, ngày 8-6-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới; xem việc thực hiện phong trào là nhiệm vụ thường xuyên, nội dung xuyên suốt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị, là giải pháp quan trọng nhằm đổi mới nội dung, phương thức thực hiện công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay; tuyên truyền sâu rộng về vai trò, vị trí công tác dân vận của Đảng, tư tưởng, phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, tập trung xây dựng, thực hiện có hiệu quả và nhân rộng các mô hình, điển hình phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực; vận động nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng thôn, khu phố văn hóa, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội; tạo việc làm, giảm nghèo, phấn đấu có nhiều điển hình, mô hình làm kinh tế giỏi, nhiều gương người tốt, việc tốt. 

Chị Cao Thị Hồng Mận - Chủ tịch Ủy ban Mặt trân Tổ quốc Việt Nam xã Thành Sơn, huyện Khánh Sơn (áo vàng, mũ đỏ) vận động các hộ gia đình làm mã định danh điện tử mức độ
Chị Cao Thị Hồng Mận - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Thành Sơn, huyện Khánh Sơn (áo vàng, mũ đỏ) vận động các hộ gia đình làm mã định danh điện tử mức độ.

Bên cạnh đó, để khắc phục một số tồn tại, hạn chế trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” như: Việc phát hiện, đánh giá chất lượng và công nhận, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các mô hình, điển hình tại một số địa phương chưa được quan tâm thường xuyên; một số mô hình, điển hình chất lượng chưa cao, chưa có sức lan tỏa…, các cấp ủy, chính quyền, UBMTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục xây dựng và thực hiện tốt phong cách “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; thường xuyên tổ chức tiếp dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thẩm định, đánh giá công nhận các gương điển hình, mô hình “Dân vận khéo” theo từng cấp. Cùng với đó, chú trọng xây dựng và nhân rộng các điển hình, mô hình trong xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở vùng đồng bào có đạo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh; kịp thời tham mưu cấp ủy sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng những gương điển hình, mô hình đạt hiệu quả trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”.


Ngoài ra, các cấp, các ngành tiếp tục tổ chức phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước của Trung ương, của tỉnh, địa phương phát động; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: Quy hoạch tỉnh, Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; tạo sự đồng thuận cao trong quá trình lập Đồ án quy hoạch Đô thị mới Cam Lâm cũng như các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh…; đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”…


Nguyễn Thị Thắm
(Ban Dân vận Tỉnh ủy)