Lịch sử hơn 93 năm của Đảng, với truyền thống "lớp cha trước, lớp con sau”, không ít gia đình ba, bốn thế hệ là đảng viên đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Ngoài tình máu mủ ruột thịt, Đảng trở thành sợi chỉ đỏ để gắn kết các thành viên trong mỗi gia đình, trở thành “nếp nhà” để các thế hệ trẻ hôm nay phấn đấu rèn luyện, trưởng thành.
Kỳ 1: Tự hào những gia đình đảng viên
Chưa có con số thống kê chính thức, nhưng trên địa bàn tỉnh hiện nay có rất nhiều gia đình 3 thế hệ là đảng viên. Các thế hệ đảng viên ấy đã có nhiều cống hiến cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và góp phần dựng xây đất nước.
Gia đình 3 thế hệ đảng viên
Đến phường Vạn Thắng (TP. Nha Trang), hỏi gia đình bà Võ Thị Đẩu (trú số 32 đường Yersin), các thế hệ cán bộ phường gần như ai cũng biết bởi đây là gia đình có truyền thống cách mạng tiêu biểu. Trong ngôi nhà của gia đình bà, có thể thấy ngay dấu ấn của gia đình cách mạng với nhiều huân chương, huy chương, Huy hiệu Đảng. Trong đó, ông Bùi Dư (chồng bà Đẩu) được truy tặng Huân chương Độc lập hạng Ba, bà Đẩu được tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng. “Gia đình tôi có 3 thế hệ đảng viên”, bà Đẩu tự hào chia sẻ với đồng chí Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy trong ngày nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng vào tháng 2-2023.
Đại gia đình bà Đẩu chụp ảnh lưu niệm cùng Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hải Ninh và lãnh đạo Thành ủy Nha Trang trong ngày nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng. |
Ở tuổi 100, bà Đẩu vẫn nhớ khá rõ về những bước đường đã đi qua. Sinh ra ở huyện Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi), đến đầu thập niên 40 thế kỷ XX, gia đình bà Đẩu di cư vào Ninh Hòa. Đời sống nghèo khó, nhưng gia đình bà rất ủng hộ cách mạng. Cũng vì làm cơ sở cách mạng, cha của bà đã bị giặc Pháp bắt, đánh đập đến chết (sau này được công nhận là liệt sĩ). Cái chết của người cha đã làm tăng thêm lòng căm thù giặc của chị em bà Đẩu. Những người em của bà đều lần lượt đi theo cách mạng, đứng vào hàng ngũ của Đảng, nhờ Đảng dìu dắt mà trưởng thành.
Năm 1944, bà lập gia đình với ông Bùi Dư - một cán bộ Việt Minh ở cùng xã Ninh Thọ (Ninh Hòa). “Chồng tôi tham gia Đoàn Thanh niên cứu quốc Mặt trận Việt Minh từ tháng 3-1945. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông là Chủ nhiệm Việt Minh của tổng Ninh Thọ, Ninh Hòa. Tôi cũng tham gia vào Hội Phụ nữ xã Ninh Thọ”, bà Đẩu cho biết. Khi giặc Pháp quay lại chiếm Khánh Hòa, bà Đẩu quay về quê cũ ở Đức Phổ. Ở đó, bà tham gia công tác ở Hội Phụ nữ cứu quốc xã Phổ Cường, được kết nạp Đảng năm 1949. Đến đầu năm 1955, gia đình bà Đẩu tập kết ra Bắc. Bà công tác ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 (đóng ở Thường Tín, Hà Đông, nay thuộc Hà Nội), còn chồng bà tiếp tục công tác trong quân đội, rồi trở lại chiến trường miền Nam năm 1964. Những người em chồng của bà bám trụ ở lại hoạt động cách mạng ở Khánh Hòa. “Giai đoạn 1968 - 1972, ba người em của chồng tôi lần lượt hy sinh ở Diên Khánh và Ninh Hòa. Sau này, mẹ chồng tôi được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, bà Đẩu chia sẻ.
Tiếp nối truyền thống gia đình, các con, cháu bà Đẩu đã phấn đấu học tập, công tác. Năm 1972, khi chiến trường miền Nam rất ác liệt, ông Bùi Cảm (con trai thứ hai của bà Đẩu) đang là sinh viên Trường Đại học Cơ điện Thái Nguyên đã tình nguyện lên đường vào Nam chiến đấu. Sau giải phóng miền Nam 1975, ông mới quay về trường để tiếp tục học. Bà Đẩu rất hãnh diện khi các con của mình đều tốt nghiệp đại học và hầu hết là đảng viên. Người con có học vị cao nhất là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Minh Lý - cố Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang. Hiện tại, bà Đẩu có 2 cháu nội là đảng viên. “Ở nhà tôi, số đảng viên đủ để thành lập được chi bộ có cấp ủy. Mỗi lần đại gia đình gặp mặt y như là họp chi bộ. Anh em tôi 30 - 40 năm tuổi Đảng vẫn được xem là “trẻ”. Bởi ngoài má tôi 75 năm tuổi Đảng, các cậu, dì, dượng của tôi cũng nhiều người được nhận huy hiệu 60, 70 năm tuổi Đảng”, bà Bùi Thị Hạnh - nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Yến sào Khánh Hòa nói.
“Lớp cha trước, lớp con sau”, ba thế hệ trong gia đình bà Đẩu đứng dưới lá cờ của Đảng để chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày nhận Huy hiệu 75 tuổi Đảng, bà Đẩu nắm chặt tay cô cháu gái, đảng viên Bùi Nguyên Châu như muốn truyền lửa cho thế hệ trẻ.
Sợi chỉ đỏ xuyên suốt nhiều thế hệ
Gia đình bà Phạm Thị Xuyến (số 19 đường Trần Văn Ơn, phường Lộc Thọ, TP. Nha Trang) cũng là gia đình có 4 thế hệ đảng viên. Bà Xuyến là con của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, có 3 người em là liệt sĩ. Bản thân bà cũng tham gia Việt Minh, làm liên lạc Đội du kích Ba Tơ (Quảng Ngãi) từ tháng 4-1944. Năm 1948, bà Xuyến được kết nạp Đảng. Còn chồng bà, ông Phạm Phổ Thông là con của ông Phạm Khánh - cán bộ lão thành cách mạng từng tham gia Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, vào Đảng Cộng sản Đông Dương từ năm 1930, nguyên Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh Quảng Ngãi. Tiếp bước người cha, ông Thông đi theo cách mạng từ rất sớm, tham gia khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở phủ Mộ Đức (Quảng Ngãi) năm 1945. Hai người cùng chí hướng đã cùng nhau xây dựng gia đình. Năm 1954, gia đình bà Xuyến tập kết ra Bắc. Bà công tác trong ngành y, còn ông làm việc ở Văn phòng Chính phủ, sau này chuyển sang Ban Thống Nhất Trung ương. Sau năm 1975, ông bà cùng về công tác tại Khánh Hòa. Ông Thông được tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì, bà Xuyến được tặng Huân chương Độc lập hạng Ba, Thầy thuốc Ưu tú. Năm 2022, bà Xuyến nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng. Trước đó, chồng bà (đã mất năm 2021) cũng từng được nhận vinh dự này.
Quyết định kết nạp Đảng của ông Phạm Phổ Thọ năm 1973 tại chiến trường Quảng Trị. |
Tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình, ông Phạm Phổ Thọ (thương binh hạng 3/4) - con trai duy nhất của bà Xuyến đã xung phong đi bộ đội khi đang học lớp 10, từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị “mùa hè đỏ lửa” 1972. “Tháng 4-1972, tôi lên đường vào Nam. Khi chia tay ở ga Thường Tín (Hà Đông), mẹ tôi chạy theo dặn dò: “Con ơi chớ có quay về, non sông nặng một lời thề, đánh xong giặc Mỹ hãy về nghe con”, ông Thọ nhớ lại. Lời dặn dò đó đã khiến người lính trẻ thêm động lực chiến đấu. Có mặt ở chiến trường Thành cổ Quảng Trị trong đội hình của Trung đoàn 95, Sư đoàn 325, anh lính trẻ Phạm Phổ Thọ cùng đồng đội đã chiến đấu rất dũng cảm. Và tháng 2-1973, ông đã được kết nạp Đảng ngay tại chiến trường. “Lễ kết nạp Đảng diễn ra ở dưới hầm âm (hầm nằm trước hầm chữ A). Quyết định kết nạp Đảng được viết bằng mực đỏ, trước cờ Đảng tôi nói lời tuyên thệ mà xúc động không nói nên lời. Từ giây phút đó, tôi tự nhủ mình phải sống, chiến đấu sao cho xứng đáng là một người đảng viên, xứng đáng với truyền thống gia đình…”, ông Thọ nhớ lại. Đất nước thống nhất nhưng chưa được bình yên, ông Thọ lại tiếp tục tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia và biên giới phía bắc. Cuối năm 1979, ông được cử đi học Đại học Luật rồi chuyển sang làm Quân pháp Quân khu VII. Đến năm 1985, ông Thọ chuyển về công tác tại Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cho đến khi nghỉ hưu. Dù chuyển sang lĩnh vực dân sự nhưng trong ông vẫn vẹn nguyên phẩm chất của người lính.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hải Ninh trao Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho bà Phạm Thị Xuyến. |
Tất cả các con và dâu, rể của bà Xuyến đều tốt nghiệp đại học, đều là đảng viên, trong đó người con gái út có học hàm tiến sĩ kinh tế. Tháng 5 vừa qua, ông Phạm Phổ Thọ đã được nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Tiếp nối truyền thống gia đình, các con ông Thọ đang công tác trong ngành giáo dục, công an cũng lần lượt đứng vào hàng ngũ của Đảng. Ngày chúng tôi đến thăm gia đình, cháu ngoại của ông Thọ đang học đại học ở TP. Hồ Chí Minh cũng vừa về thăm nhà. Qua câu chuyện, cháu chia sẻ mong muốn, sau khi tốt nghiệp đại học sẽ về lại Khánh Hòa để làm việc. Và chúng tôi thấy thế hệ đảng viên thứ 5 đang được ươm mầm trong gia đình giàu truyền thống cách mạng này.
Tinh thần một lòng theo Đảng không chỉ có ở những gia đình từng làm cán bộ lãnh đạo, mà còn ở trong những gia đình công chức bình thường. Đơn cử như gia đình ông Nguyễn Văn Thân - Phó Bí thư Chi bộ Vạn Phương 1, phường Vạn Thạnh (Nha Trang). Xuất thân trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam), năm 1984, ông Thân công tác ở Công ty Lương thực miền Trung Chi nhánh Khánh Hòa. Ông đã nỗ lực công tác để được kết nạp vào Đảng, giữ truyền thống của gia đình. Về hưu, ông nhiệt tình tham gia công tác ở địa phương, gia đình có truyền thống cách mạng và rất gương mẫu. “Bà nội tôi là liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Ông nội tôi được nhận Huân chương Độc lập hạng Ba vì có công với cách mạng. Ba và chú tôi đều là liệt sĩ… Dòng máu cách mạng đã thấm sâu vào trong người tôi cũng như các con của tôi”, ông Thân bày tỏ. Truyền thống ấy tiếp tục được tiếp nối, khi mới đây, anh Nguyễn Quang Nhật - người con trai lớn của ông Thân đang công tác ở Bệnh viện Quân y 175 (TP. Hồ Chí Minh) vinh dự được kết nạp Đảng, trở thành thế hệ đảng viên thứ ba trong gia đình này.
Ông NGUYỄN HẢI NINH - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy: Ở Khánh Hòa có rất nhiều gia đình có 3 - 4 thế hệ là đảng viên, trong đó có gia đình các cụ Phạm Thị Xuyến, Võ Thị Đẩu… Các thế hệ đảng viên trong các gia đình giàu truyền thống cách mạng này đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như công cuộc đổi mới xây dựng đất nước hôm nay. Chúng tôi luôn biết ơn sâu sắc trước những đóng góp của các đảng viên tiêu biểu đối với sự nghiệp cách mạng. Đồng thời, chúng tôi tin tưởng, các thế hệ trẻ trong các gia đình này sẽ noi gương lớp đảng viên lão thành đi trước, gìn giữ và phát huy truyền thống cao đẹp của các gia đình, từ đó sẽ nỗ lực trong học tập, công tác để có nhiều đóng góp hơn nữa cho công cuộc xây dựng quê hương Khánh Hòa ngày càng văn minh, giàu đẹp.
THU HIỀN - XUÂN THÀNH
Kỳ 2: Đảng là sợi dây gắn kết
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin