21:38, 09/08/2023

Nha Trang: Tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng
Kỳ 3: Lấy dân làm “gốc”

Quán triệt tư tưởng “Lấy dân làm gốc”, xuyên suốt quá trình lãnh đạo, Đảng bộ TP. Nha Trang luôn thấm nhuần bài học gần dân, sát dân, chăm lo cho đời sống nhân dân. Mọi chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đều hướng đến mục tiêu làm cho nhân dân được ấm no, hạnh phúc, tăng cường niềm tin của dân đối với Đảng, Nhà nước.

Gần dân, sát cơ sở

Thấm nhuần bài học trọng dân, gần dân, Thành ủy Nha Trang không ngừng nâng cao hiệu quả công tác dân vận, hướng mạnh các hoạt động về cơ sở với phương châm gần dân, sát dân, chăm lo cho đời sống nhân dân. Thành phố đã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực, gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua. Đồng thời, có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác dân vận của cả hệ thống chính trị, nhất là công tác dân vận chính quyền trong triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, nhằm đưa cán bộ, đảng viên đến gần dân hơn, phát huy vai trò, sức mạnh của nhân dân trong xây dựng, phát triển thành phố.

Bà Nguyễn Thị Khánh Hòa - Trưởng ban Dân vận Thành ủy cho biết, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thời gian qua của thành phố đạt nhiều kết quả thực chất, đi vào chiều sâu. Ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng, tổ hòa giải ở cơ sở hoạt động khá hiệu quả. Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được triển khai sâu rộng đã phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân trong tham gia bàn bạc các công việc của địa phương, trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Theo ông Nguyễn Đoàn Khánh Bình - Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Phương, vấn đề thực hành dân chủ ở cơ sở trong xây dựng nông thôn mới luôn được xã xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Xã đã kịp thời thông tin, công khai, minh bạch việc huy động và sử dụng vốn cho các hạng mục xây dựng nông thôn mới để người dân được tham gia thảo luận, bàn bạc, kiểm tra, giám sát. Với sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, giai đoạn 2015 - 2020, xã đã vận động nhân dân hiến hơn 3.500m2 đất để mở rộng đường giao thông, hơn 150 ngày công lao động và đóng góp hơn 2,5 tỷ đồng vốn đối ứng để xây dựng các công trình công cộng. Năm 2020, xã Vĩnh Phương được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao. “Hiện nay, bộ mặt nông thôn của xã có nhiều thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần nhân dân không ngừng được nâng cao. Người dân phấn khởi, tin tưởng đồng hành với Đảng ủy, chính quyền địa phương phát động và xây dựng xã Vĩnh Phương đạt nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025”, ông Nguyễn Đoàn Khánh Bình chia sẻ.

Ông Nguyễn Thế Sinh kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết số 18 tại khu chợ tự phát đường Nguyễn An (phường Vĩnh Hòa).
Ông Nguyễn Thế Sinh kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết số 18 tại khu chợ tự phát đường Nguyễn An (phường Vĩnh Hòa).

Những năm qua, HĐND thành phố có nhiều đổi mới về nội dung, nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng thực chất, sát tình hình thực tiễn. Vừa qua, ông Nguyễn Thế Sinh - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố đã kiểm tra thực tế phản ánh, kiến nghị của công dân về tình trạng nuôi heo, trâu bò gây ô nhiễm môi trường dưới gầm chân cầu sông Tắc (đường Võ Nguyên Giáp, thuộc địa phận xã Vĩnh Trung). Qua kiểm tra thực tế, ông Nguyễn Thế Sinh đã chỉ đạo UBND xã Vĩnh Trung khẩn trương xử lý, giải tỏa dứt điểm vi phạm. “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch HĐND thành phố, chỉ sau 1 ngày, địa phương đã phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra và xử lý nghiêm hành vi nuôi heo, trâu bò dưới gầm chân cầu sông Tắc gây ô nhiễm môi trường của bà Nguyễn Thị Oánh (trú tại thôn Đồng Nhơn). Bà Oánh đã di dời đàn heo, trâu bò, khắc phục lại hiện trạng ban đầu và cam kết không tiếp diễn hành vi vi phạm”, ông Vũ Ngọc Huân - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trung cho biết.

Công tác chỉ đạo, điều hành của UBND thành phố có nhiều chuyển biến tích cực. Thông tin các quy hoạch, dự án, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân được thành phố phổ biến, công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân được biết, được bàn, được tham gia góp ý. Thành phố đặc biệt quan tâm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính vì nhân dân phục vụ; tăng cường đối thoại, tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân; tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội…

Chăm lo đời sống nhân dân

Bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cho đời sống nhân dân luôn là mục tiêu xuyên suốt quá trình phát triển kinh tế - xã hội của TP. Nha Trang. Những năm qua, thành phố đã có nhiều giải pháp huy động sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thực hiện mục tiêu về xóa đói, giảm nghèo bền vững, “lấy sức dân để chăm lo cho dân”, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Mô hình thu gom phế liệu “Ngôi nhà nhỏ - Triệu trái tim” của phường Phước Tân thu hút cán bộ, hội viên và người dân tham gia.
Mô hình thu gom phế liệu “Ngôi nhà nhỏ - Triệu trái tim” của phường Phước Tân thu hút cán bộ, hội viên và người dân tham gia.

Tháng 5-2022, sau khi mô hình thu gom phế liệu “Ngôi nhà nhỏ - triệu trái tim” được Mặt trận và các tổ chức đoàn thể phường Phước Tân phối hợp triển khai, bà Bùi Thị Phi Thường (Tổ trưởng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Thái Nguyên) đã cùng cán bộ, hội viên trong tổ tích cực tuyên truyền đến người dân thực hiện phân loại rác thải, cất riêng rác thải có thể tái sử dụng để đóng góp cho “Ngôi nhà nhỏ”. Vào trưa thứ Sáu hàng tuần, bà Thường và các hội viên đến từng nhà để thu gom rác thải nhựa, phế liệu đã được phân loại, sau đó đem về tập kết vào khoang chứa “Ngôi nhà nhỏ”. “Hoạt động tuy nhỏ nhưng chứa đựng nghĩa tình lớn, không chỉ giúp mọi người có thói quen phân loại rác, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường mà còn biến rác thải thành tiền, gây quỹ hỗ trợ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn”, bà Thường chia sẻ.

Chị Võ Trúc Mai - hội viên có hoàn cảnh khó khăn thuộc Chi hội Phụ nữ 1 Trí Nguyên (phường Vĩnh Nguyên) vừa được Mặt trận và Hội Phụ nữ phường trao tặng 28 triệu đồng để sửa chữa nhà ở. Chị Mai xúc động nói: “Gia đình tôi rất cảm ơn đoàn thể địa phương và các mạnh thường quân đã quan tâm giúp đỡ, sẻ chia”. Chị Mai chỉ là một trong hàng trăm trường hợp được các cấp hội, đoàn thể địa phương hỗ trợ, giúp đỡ trong suốt thời gian qua. Bà Lê Thị Bích Huyền - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố cho biết, hàng năm, các cấp hội xây dựng và sửa chữa từ 2 đến 3 mái ấm tình thương; năm 2022 đã trao 442 phương tiện sinh kế cho phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, với tổng trị giá hơn 8,4 tỷ đồng; vận động 100% hội viên tham gia mô hình tiết kiệm vì phụ nữ nghèo với số tiền hơn 1 tỷ đồng để trao phương tiện sinh kế, hỗ trợ phụ nữ khuyết tật, trẻ em nghèo hiếu học…

Bà Đinh Thị Nam - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Nha Trang cho biết, năm 2022, toàn thành phố có 819 hộ nghèo, chiếm 0,75%; 2.834 hộ cận nghèo, chiếm 2,6%. Hiện nay, 100% hộ nghèo, cận nghèo đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được tiếp cận chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập. Thành phố đã triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ về tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội. Năm 2022, thành phố hỗ trợ về tín dụng ưu đãi gần 133 tỷ đồng; số lao động có việc làm trong năm tăng thêm 5.500 người. Với sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến cuối năm 2022, thành phố còn 546 hộ nghèo (chiếm 0,49%), hộ cận nghèo 2.565 hộ (chiếm 2,31%). 
 

Từ năm 2020 đến cuối tháng 5-2023, UBND thành phố đã tiếp công dân thường xuyên 935 lượt với 1.023 người; Chủ tịch UBND thành phố tiếp công dân định kỳ và đột xuất với 59 kỳ. Thành phố đã tiếp nhận 5.768 đơn, trong đó xử lý, giải quyết 2.902/3.248 đơn đủ điều kiện xử lý, đạt 89,35%, đang xử lý, giải quyết 346 đơn.

THU HƯƠNG (Ban Tuyên giáo Thành ủy Nha Trang)

Kỳ cuối: Tập trung vào những nội dung đột phá