22:43, 28/08/2023

Ngành tổ chức xây dựng Đảng tỉnh:
Nỗ lực tham mưu xây dựng đội ngũ cán bộ tỉnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

Công tác cán bộ có vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Thời gian qua, ngành tổ chức xây dựng Đảng tỉnh Khánh Hòa đã kịp thời, nỗ lực tham mưu, triển khai xây dựng nhiều giải pháp thiết thực nhằm củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Từ trước đến nay, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Khánh Hòa luôn quan tâm đến công tác xây dựng, sử dụng và quản lý đội ngũ cán bộ. Trải qua gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, ngành tổ chức xây dựng Đảng tỉnh Khánh Hòa đã tập trung tham mưu công tác sắp xếp tổ chức bộ máy và bố trí đội ngũ cán bộ các cấp trong tỉnh hoạt động ổn định, đưa công tác cán bộ đi vào nguyên tắc: Đảng thống nhất lãnh đạo và quản lý đội ngũ cán bộ; đảm bảo đúng quy trình, dân chủ trong các khâu đánh giá, quy hoạch, tuyển chọn, bầu cử, bổ nhiệm; chú trọng hơn về yêu cầu phẩm chất chính trị, ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần đoàn kết nội bộ khi xem xét đề bạt, bố trí cán bộ; từng bước sửa chữa hạn chế trong việc đánh giá, đề bạt cán bộ.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu cơ bản đã đạt được, công tác tổ chức xây dựng Đảng của tỉnh có lúc, có việc còn hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã nhìn nhận công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị còn một số mặt chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Một số sai phạm đã ảnh hưởng không tốt đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, gây bức xúc trong xã hội…

Chính vì vậy, trong thời gian qua, tỉnh Khánh Hòa một mặt xử lý nghiêm các tồn tại, mặt khác chú trọng việc xây dựng, nâng cao chất lượng cán bộ. Trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, ngành tổ chức xây dựng Đảng tỉnh đã tham mưu nhiều cách làm sáng tạo, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong thực tiễn, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không còn phù hợp, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào kết quả chung trong công tác cán bộ của tỉnh. Ngành đã tham mưu Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm nâng cao chất lượng cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, như: Kết luận số 52, ngày 2-9-2021 về sơ kết 3 năm thực hiện Đề án 07 về xây dựng và đào tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ đảm nhiệm các chức vụ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý và lãnh đạo chủ chốt tỉnh đến năm 2025 và các năm tiếp theo; Quy định số 753, ngày 8-2-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Quy định số 394, ngày 16-3-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác quy hoạch cán bộ; Quy định số 522, ngày 27-6-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về luân chuyển cán bộ; Hướng dẫn số 01, ngày 27-1-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý sau khi bị kỷ luật; Quy định số 910, ngày 26-7-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy quy định về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; Kế hoạch số 73, ngày 21-4-2022 về thực hiện Kết luận số 21, ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Bên cạnh đó, tham mưu Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh ban hành Công văn số 08, ngày 25-10-2022 về việc tiếp tục triển khai thực hiện Quy định số 205, ngày 23-9-2019 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền (1), trong đó đặc biệt lưu ý việc kiểm soát quyền lực trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, bố trí, sắp xếp cán bộ. Những văn bản này được ban hành kịp thời đã góp phần bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch, công bằng, đúng quy định, quy trình, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ. Bên cạnh đó, để đổi mới, nâng cao chất lượng đánh giá cán bộ thực chất hơn bằng sản phẩm cụ thể, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Khánh Hòa đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định số 622, ngày 24-9-2022 về quy trình giao nhiệm vụ trọng tâm và đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý thông qua kết quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm. Quy định đã góp phần giúp công tác đánh giá cán bộ đi vào thực chất, điều này vừa làm tăng trách nhiệm của cá nhân, vừa nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy. Qua đó, các cấp ủy kiểm tra, giám sát hiệu quả công việc của người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị, từ đó có sự nhìn nhận đa chiều, xác thực để đánh giá đúng cán bộ và đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ một cách hợp lý, đồng thời cũng là cơ chế, thước đo để đảng viên và nhân dân giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ. Hướng dẫn số 01, ngày 27-1-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý sau khi bị kỷ luật nhằm kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, theo phương châm “có vào, có ra, có lên, có xuống” trong công tác cán bộ; đồng thời, tạo điều kiện cho cán bộ bị kỷ luật có cơ hội sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện; góp phần tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng. Đồng thời, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiến hành giám sát việc xây dựng chương trình, thực hiện các kế hoạch của Tỉnh ủy Khánh Hòa, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ".

Bên cạnh đó, toàn ngành đã tích cực, đổi mới phương pháp, phong cách làm việc, khắc phục khó khăn, thường xuyên sâu sát cơ sở, trao đổi, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn, tham dự, giám sát chặt chẽ quy trình công tác bổ nhiệm cán bộ đảm bảo tính khách quan, dân chủ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái, tiêu cực trong công tác cán bộ; xử lý kịp thời, nghiêm minh những trường hợp cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái, kịp thời tham mưu thay thế những người năng lực hạn chế, uy tín thấp, không đủ sức khỏe, có sai phạm. Các đoàn kiểm tra, giám sát về công tác tổ chức xây dựng Đảng dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phát hiện một số sai phạm trong công tác bổ nhiệm, điều động cán bộ và yêu cầu đơn vị, địa phương khắc phục đối với trường hợp thực hiện không đúng quy trình bổ nhiệm cán bộ…

Có thể thấy trong thời gian qua, toàn ngành đã kịp thời, nỗ lực tham mưu, triển khai xây dựng nhiều giải pháp thiết thực nhằm củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; quy trình, thủ tục trong công tác cán bộ được kịp thời điều chỉnh theo hướng đơn giản hóa nhưng vẫn đảm bảo tính chặt chẽ, khách quan, phù hợp với tình hình thực tế và sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Công tác kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp ngày càng chuyển biến tích cực, thực chất hơn, trong đó lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao là tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại hàng năm; làm cơ sở để bố trí, sử dụng cán bộ hiệu quả hơn. Các cấp ủy từng bước đổi mới phương thức lãnh đạo đối với hệ thống chính trị và xã hội. Công tác lãnh đạo chủ yếu tập trung vào các vấn đề trọng tâm, đưa ra những định hướng và hành động cụ thể. Qua đó thúc đẩy nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu được thành tựu quan trọng về tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, giữ vững quốc phòng an ninh; ổn định về chính trị; niềm tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân vào Đảng tiếp tục được củng cố.

--------------------

(1) Nay là Quy định 114, ngày 11-7-2023 của Bộ Chính trị.

TRỌNG NGHĨA