17:49, 11/07/2024

Thực hiện nghĩa vụ quân sự - “mệnh lệnh từ trái tim!”

Thực hiện nghĩa vụ quân sự không chỉ là nghĩa vụ, quyền cao quý, mà trên hết đó còn là “Mệnh lệnh từ trái tim” của mỗi công dân Việt Nam. Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân.

Tuy nhiên, cứ đến “mùa tuyển quân” hằng năm, các thế lực thù địch lại “bổn cũ soạn lại” những chiêu trò cũ rích nhằm xuyên tạc, kích động công dân trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự. Chúng ta cần nhận diện, đấu tranh bác bỏ những thủ đoạn xuyên tạc này; đồng thời tích cực tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân trong đó có thế hệ trẻ nhận thức đúng rằng “Quân đội luôn là trường học lớn” và luôn nêu cao trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ quân sự, bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng.

 Quyến luyến tiễn quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Ảnh qdnd.vn
Quyến luyến tiễn quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Ảnh qdnd.vn

Đập tan những luận điệu xuyên tạc, phiến diện, “bóp méo sự thật” việc thực hiện nghĩa vụ quân sự

Ở Việt Nam, theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, cứ đến tháng 2 hằng năm, cả nước lại có hàng vạn thanh niên hăng hái xung phong lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc trong niềm hân hoan, phấn khởi và tràn ngập niềm tự hào. Tuy nhiên, khi những hình ảnh đẹp của “Ngày hội tòng quân” được chia sẻ trên báo chí và các trang mạng xã hội thì các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, phản động lại sử dụng chiêu trò “tuyên truyền bẩn” xuyên tạc, kích động, gieo rắc tâm lý tiêu cực cho người dân. Một số trang mạng phản động, trong đó có Việt Tân lại tiếp tục dùng chiêu “bình cũ, rượu mới” cũ rích nhằm “bày cách” cho thanh niên trốn tránh nhập ngũ để thực hiện âm mưu chống phá đất nước ta.

Nghe và đọc những luận điệu “tuyên truyền bẩn” này khẳng định, chỉ có thể là những “kẻ ảo tưởng” mới “thốt ra” những luận điệu xuyên tạc lạc lõng, chứa đựng đầy “âm mưu” nhưng lại vô cùng ngớ ngẩn như vậy.

Những “kẻ ảo tưởng” đâu biết rằng: Mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam là vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Mục tiêu, lý tưởng ấy do Đảng Cộng sản Việt Nam và Lãnh tụ Hồ Chí Minh giáo dục, xây dựng cho Quân đội ta tạo nên sự thống nhất chặt chẽ không thể tách rời giữa mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam với mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam. 

Những kẻ ảo tưởng chắc cũng không thể biết: Lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh, mỗi khi Tổ quốc lâm nguy, lớp lớp thanh niên đã tình nguyện lên đường nhập ngũ, tham gia các cuộc đấu tranh chính nghĩa bảo vệ Tổ quốc của dân tộc, thể hiện ý chí, trách nhiệm, quyết tâm của hàng ngàn, hàng vạn thanh niên đối với Tổ quốc. 

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 đã có hơn 26 vạn dân công với trên 10 triệu ngày công tham gia phục vụ chiến dịch; hàng vạn thanh niên xung phong phối hợp với công binh mở mới và sửa chữa hàng nghìn ki-lô-met đường; các “chiến sĩ Điện Biên” đã trải qua “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt. Máu trộn bùn non…” để đào được 500km hầm hào, bắt sống tên tướng Đờ Cát-xtơ-ri và toàn bộ ban tham mưu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp, làm nên một chiến thắng “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”.

Trong không khí cả nước hướng về Điện Biên, kỷ niệm “70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ”, thật may mắn khi tôi được gặp ông - Đại tá Nguyễn Quốc Thịnh, nguyên Phó giám đốc Học viện Khoa học Quân sự - một nhân chứng lịch sử, trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm ấy. Ông đã tặng cho tôi cuốn Hồi ký “Hoàng hôn xanh thẳm” viết về những ngày tháng thanh xuân tươi đẹp ông dành trọn cho quân ngũ và những kỷ niệm về Điện Biên Phủ khi ông trực tiếp tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Đọc cuốn hồi ký của ông, tôi đã khóc vì cảm động, khóc vì thấy bản thân còn quá kém cỏi so với những gì thế hệ ông, cha chúng ta đã cống hiến và hy sinh cho Tổ quốc. Trong Hồi ký có đoạn ông viết: “Vào quân ngũ nhẹ như gió thoảng. Nếu phải có một ngày nói về việc chính thức vào quân ngũ của tôi, thì đó là ngày 26 tháng 7 năm 1947. Anh Hồng Cư bảo tôi, “để tao vào xong tao gọi mày”. Thế là anh vào quân ngũ ngày 24 tháng 7, hai ngày sau thì anh gọi tôi… Năm ấy tôi 17 tuổi, theo tuổi lý lịch thì mới chỉ có 15 tuổi. Tuổi trẻ của tôi đã bắt đầu như thế!”1.

Cũng trong cuốn Hồi ký, ông đã kể lại những kỷ niệm khi ông tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ với tựa đề “Điện Biên trong tôi”; đó là những ngày ông đào hào cùng đồng đội: “...Anh em lúc đầu đào theo tư thế nằm, đến khi đào được mười lăm, hai mươi phân thì chuyển sang tư thế ngồi, sâu hơn nữa thì chuyển sang quỳ để đào, rồi khi sâu hẳn để có thể lọt người xuống thì mới được đào đứng.…”2. Đọc những dòng hồi ký này, tôi đã hiểu được vì sao trong gian khổ, trong bom đạn, khi cái chết luôn cận kề, song những người chiến sĩ kiên trung vẫn luôn quyết tâm sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc bởi vì trong “huyết mạch” của họ là tình yêu quê hương, đất nước; là ý chí “không có gì quý hơn độc lập, tự do” và tận cùng sâu thẳm đó là trách nhiệm thiêng liêng đối với Tổ quốc mà họ luôn mang trong mình.

Năm nay, thành phố Hà Nội đã tuyển chọn được các công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự, hoàn thành chỉ tiêu giao, không chỉ bảo đảm về số lượng, sức khỏe mà còn tăng về cả tư tưởng nhận thức và trình độ học vấn khi có hàng nghìn công dân viết đơn tình nguyện nhập ngũ.

Trong đợt nhập ngũ này, có rất nhiều thanh niên đã tốt nghiệp đại học vẫn tình nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ, điển hình là chàng trai người Mông Mùa A Kỷ, bản Lọng Luông 1, xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Đây là trường hợp hiếm hoi ở xã Mường Phăng tốt nghiệp Đại học Thái Nguyên, chuyên ngành Luật Hình sự và Tố tụng hình sự. Mùa A Kỷ tâm sự: “…Sinh ra, lớn lên trên quê hương giàu truyền thống cách mạng nên từ nhỏ tôi đã rất yêu mến hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ và xác định mình phải có trách nhiệm, đóng góp cho Tổ quốc. Bởi vậy, ngay khi có lệnh khám tuyển nghĩa vụ quân sự, tôi đã đăng ký tham gia và may mắn trúng tuyển”3.

Lịch sử là những chuỗi sự kiện hào hùng kéo dài từ quá khứ đến hiện tại. Quá khứ là lớp lớp thanh niên đã tình nguyện ra trận tham gia các cuộc kháng chiến vĩ đại bảo vệ Tổ quốc và hiện tại là những lứa thanh niên trong thời bình nhưng luôn mang trong mình “mệnh lệnh từ trái tim” để hăng hái tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự, góp phần bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng. Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết“Lớp cha trước, lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành”.

Quân đội - “Trường học lớn” để thanh niên rèn luyện, trưởng thành

Với bề dày 80 năm xây dựng, chiến đấu và phát triển, Quân đội ta đã cùng toàn Đảng, toàn dân lập nên những chiến công hiển hách. Đó luôn là “trường học lớn” để các thế hệ thanh niên Việt Nam không ngừng rèn luyện, trưởng thành về mọi mặt, góp phần to lớn vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Môi trường quân ngũ với những đặc tính riêng có là những điều kiện tốt để mỗi thanh niên phấn đấu luyện rèn, không ngừng hoàn thiện nhân cách, phát triển toàn diện bản thân; là nơi mà mỗi thanh niên được học tập, tiếp thu kiến thức về chính trị, quân sự, văn hóa, khoa học, kỹ thuật hữu ích cho bản thân; được học tập, quán triệt đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là về quốc phòng, an ninh,... từ đó có sự trưởng thành về nhận thức để nhận diện rõ những vấn đề thời sự, chính trị diễn ra trong nước và thế giới, nâng cao tinh thần yêu nước, có lập trường chính trị vững vàng, có khả năng “miễn dịch” trước những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch.

Những phẩm chất cơ bản mà mỗi quân nhân có được trong thời gian 2 năm luyện rèn trong quân ngũ và sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự sẽ là cơ sở, tiền đề quan trọng, vững chắc để mỗi thanh niên lập thân, lập nghiệp. Như vậy, môi trường Quân đội không những không “méo mó” như sự xuyên tạc của các thế lực thù địch mà đó luôn là “trường học lớn” để mỗi thanh niên rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành về mọi mặt.

Để việc thực hiện nghĩa vụ quân sự luôn được mọi người dân nhận thức đúng là “quyền và nghĩa vụ” thiêng liêng của công dân cần tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, phương pháp công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến mọi công dân, đặc biệt là thanh niên trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự. Đặc biệt, trước sự phát triển của mạng xã hội, công tác tuyên truyền cần tận dụng tối đa ưu thế này để tiếp cận, chia sẻ, định hướng, tháo gỡ khó khăn của thanh niên trong thực hiện nghĩa vụ quân sự; “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, đẩy lùi thông tin tiêu cực, dập tắt các luận điệu xuyên tạc, chống phá. Mỗi thanh niên khi đến tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự đều nhận thức sâu sắc rằng đây là nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc; đều tự hỏi rằng mình đã làm được gì cho Tổ quốc hôm nay.

Mặt khác, các cấp chính quyền địa phương phải luôn thực hiện đúng và thống nhất quy trình tuyển chọn thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự. Đặc biệt, thành viên Hội đồng Nghĩa vụ quân sự các cấp cần phối hợp chặt chẽ, nắm chắc tình hình, kịp thời giải quyết những kiến nghị, phản ánh ngay từ cơ sở, không để tình trạng đơn thư vượt cấp; thực hiện tốt chủ trương tuyển quân “tròn khâu” tại địa phương theo phương châm “tuyển người nào chắc người đó”, hạn chế nhất loại trả, bù đổi. Tăng cường kiểm tra chặt chẽ, bảo đảm việc tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ ở tất cả các địa bàn cơ sở diễn ra công bằng theo phương châm “3 không, 6 công khai”. Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi đồng bộ chính sách pháp luật bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của công dân khi thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Thượng tá, Thạc sĩ NGUYỄN THỊ ĐẮC HƯƠNG - Khoa Nhà nước và Pháp luật – Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng

Tài liệu tham khảo

1, 2 - Trích: Hồi ký “Hoàng hôn xanh thẳm” của Đại tá Nguyễn Quốc Thịnh, nguyên Phó giám đốc Học viện Khoa học Quân sự

3. Xem https://baodienbienphu.com.vn ngày 24-2-2024. 

Theo qdnd.vn