Những ngày qua, hiện tượng mạng xã hội liên quan đến người được gọi là "sư Thích Minh Tuệ" đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Điều bất bình thường là từ việc thực hành tín ngưỡng tôn giáo vốn dĩ xuất phát bởi nhu cầu chính đáng và hết sức bình thường của một cá nhân đã bị thổi phồng quá mức trên mạng xã hội.
Ông Minh Tuệ (hàng đầu giữa) trong hành trình đi bộ từ Nam ra Bắc luôn thu hút sự hiếu kỳ của nhiều người. (ẢNH: VN/TTXVN) |
Nhân cơ hội này một số cá nhân, hội nhóm, tổ chức vì mục đích riêng đã lợi dụng để trục lợi cá nhân, gây mất an ninh trật tự, thậm chí xuyên tạc, bôi nhọ để công kích chế độ chống phá Đảng, Nhà nước.
Thực tế này đòi hỏi người dân cần thận trọng, tỉnh táo, không cho kẻ xấu lôi kéo, lợi dụng để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật.
Tràn ngập trên mạng xã hội trong nhiều ngày qua là vô số các video clip ghi lại hình ảnh đoàn người tu hành theo "sư Thích Minh Tuệ" đi bộ khất thực dọc các tỉnh miền trung.
Nếu như ban đầu nhóm người này mới chỉ thưa thớt vài ba người, di chuyển không quá ồn ào, song do hiệu ứng đám đông nên số người tham gia ngày càng đông, có lúc lên tới trên 70 người.
Việc tu tập, thực hành giáo lý nhà Phật là nhu cầu chính đáng của người dân và được pháp luật bảo hộ, song một số cá nhân tham gia mạng xã hội đã đẩy sự việc lên quá mức, thậm chí ca ngợi "sư Thích Minh Tuệ" "gợi nhớ hình ảnh của Đức Phật năm xưa", tôn sùng ông như "Đức Phật tái thế"...
Từ đây sự việc trở nên ồn ào quá mức, khi nhất cử nhất động của đoàn tu hành đều được hàng trăm YouTuber, TikToker, Facebooker ghi lại.
Bình tĩnh suy xét chúng ta đều thấy rằng, người được gọi là "sư Thích Minh Tuệ" vốn dĩ là một người bình thường, tên khai sinh là Lê Anh Tú, sinh năm 1981, quê gốc ở tỉnh Hà Tĩnh, thường trú tại huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Học hết trung học phổ thông, ông Lê Anh Tú đi nghĩa vụ quân sự. Xuất ngũ về nhà, ông theo học Trường trung cấp Lâm nghiệp Tây Nguyên, rồi trở thành nhân viên đo đạc địa chính.
Trong thời gian này ông Lê Anh Tú đã tìm hiểu Phật pháp qua sách vở và thực hành ăn chay, tu tại gia. Đến năm 2015, ông Tú quyết định xuất gia, lấy pháp hiệu là Thích Minh Tuệ. Từ năm 2017 đến năm 2023, ông đã ba lần đi bộ từ nam ra bắc và ngược lại. Những lần đó, việc đi lại và thực hành hạnh nguyện của cá nhân diễn ra thuận lợi, không có khó khăn, cản trở và cũng không gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự.
Năm 2024 là lần thứ tư "sư Thích Minh Tuệ" đi bộ khất thực xuyên Việt. Chỉ có điều lần này, sự can dự quá mức của mạng xã hội đã khiến cho sự việc trở thành tâm điểm chú ý của dư luận, bất chấp lời giãi bày chân thành của cá nhân ông: "Con chả phải là sư hay thầy gì cả. Con là một công dân Việt Nam học tập theo lời Phật dạy thôi".
Và chúng ta đã thấy hậu quả nhãn tiền khi mạng xã hội cũng như một bộ phận người dân can dự quá mức vào đời sống riêng tư của một cá nhân. Đó là việc hàng chục, thậm chí cả trăm người sản xuất nội dung số trên nền tảng mạng xã hội bỗng thấy đây là "miếng mồi béo bở" để kiếm tiền nên đã đổ xô theo "chân thầy" để livestream, gây ra sự hỗn loạn.
Kéo theo đó là hàng ngàn người dân do tò mò, hiếu kỳ hoặc trở nên sùng bái quá mức với "sư Thích Minh Tuệ" nên đã tràn ra đường, tranh giành, xô đẩy, to tiếng với nhau để được nhìn, được chụp ảnh, thậm chí được chạm vào "sư Thích Minh Tuệ" khiến cho cảnh tượng hỗn loạn thường xuyên diễn ra.
Lực lượng chức năng địa phương vất vả phân luồng giao thông cũng như bảo đảm trật tự dọc tuyến đường mà nhóm tu hành này đi qua.
Thừa cơ, các đối tượng xấu trà trộn để trộm cắp, tuyên truyền tà đạo, phát tài liệu bất hợp pháp... Các đối tượng chống phá, cực đoan cũng lợi dụng hiện tượng này để công kích, xuyên tạc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, bôi nhọ Đảng, Nhà nước ta.
Chưa hết, có lẽ do tự cảm thấy bất ổn với sự quan tâm thái quá của đám đông hiếu kỳ, nhiều lần ông Tú đã bày tỏ rằng mình không cần ai đi theo hộ pháp và cũng khuyên mọi người trở về làm công việc của mình. Song nguyện vọng này của ông không thể làm giảm nhiệt đám đông, tình hình có dấu hiệu ngày càng căng thẳng, khó kiểm soát.
Đáng chú ý, ngày 30/5/2024, một người đàn ông trong đoàn người đi theo có tên là Lương Thanh Sơn, trú tại Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh bị sốc nhiệt, suy đa tạng, xuất huyết tiêu hóa dẫn tới tử vong.
Ngày 2/6/2024, hai phụ nữ khi đi theo ông Tú và đoàn người đã bị sốc nhiệt, đuối sức, nằm gục trên mặt đường. Các cơ quan chức năng đã kịp thời đưa họ đến bệnh viện để điều trị.
Là người trong cuộc, ông Lê Anh Tú hiểu hơn ai hết những bất ổn xã hội đã và đang diễn ra, do đó đã tự nguyện dừng đi bộ khất thực.
Cụ thể, thông tin từ Ban Tôn giáo Chính phủ ngày 3/6 cho biết, các cơ quan chức năng đã gặp gỡ, trao đổi với ông Lê Anh Tú về việc Nhà nước nhất quán chủ trương tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; chính quyền các địa phương đã luôn quan tâm, tạo điều kiện để ông Lê Anh Tú được đi bộ và hành trì theo ý nguyện, song cần phải bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân và sự ổn định xã hội.
Ông Lê Anh Tú đã nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ của công dân, tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực. Hành động này của ông Lê Anh Tú đã nhận được sự đồng tình của nhiều người bởi chuyến đi bộ hành kéo dài nhiều ngày trong thời tiết nắng nóng khắc nghiệt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cá nhân ông Lê Anh Tú cũng như những người đồng hành.
Mặt khác, việc thu hút một đám đông đi theo sẽ làm ảnh hưởng đến việc nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng, đồng thời gây phản cảm và phản tác dụng đối với mong muốn của chính cá nhân ông Tú. Bởi vậy quyết định dừng việc bộ hành khất thực ở thời điểm này để chuyển sang ẩn tu của ông Lê Anh Tú là sáng suốt, cần thiết và cũng cần được tôn trọng.
Thế nhưng một số đối tượng chống phá, phản động đã lập tức lợi dụng sự việc này để xuyên tạc chính sách tôn giáo ở Việt Nam, chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Như việc đưa tin sai sự thật về việc "phân biệt đối xử, đàn áp tôn giáo", bịa đặt "sư Thích Minh Tuệ" bị bắt, cưỡng bức buộc phải dừng việc tu tập...
Trước việc cơ quan chức năng phải can thiệp để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông dọc các tuyến đường đoàn tu hành đi qua, các thế lực thù địch lớn tiếng rêu rao: "Công an cản trở nhà sư hành đạo".
Trên fanpage của tổ chức khủng bố Việt Tân thường xuyên đăng tải các bài viết và bình luận có nội dung sai sự thật, bóp méo bản chất sự việc nhằm gây mâu thuẫn, chia rẽ các tôn giáo với chính quyền, kích động người dân, cho rằng "các sư quốc doanh và công an phải tìm cách triệt đường tu của thầy Minh Tuệ".
Cùng với đó, Hội đồng điều hành của cái gọi là tăng đoàn "Giáo hội Việt Nam thống nhất" cũng ra văn bản với nội dung xuyên tạc cho rằng: "Nhà cầm quyền đã quyết định vô hiệu hóa Thầy Minh Tuệ bằng cách tách Thầy ra khỏi Phật tử và người dân, an trí thầy một nơi để họ dễ kiểm soát", "Tổ chức Phật giáo do nhà cầm quyền thành lập, đã tiếp tay cho nhà cầm quyền".
Không khó để lý giải sự xuyên tạc này của "Giáo hội Việt Nam thống nhất" bởi lẽ xét về lịch sử cũng như tính pháp lý thì "Giáo hội Việt Nam thống nhất" này đã không còn tồn tại theo nguyên nghĩa là một tôn giáo độc lập.
Thế nhưng trong nhiều năm qua, những người điều hành, tham gia cái gọi là "Giáo hội Việt Nam thống nhất" thường xuyên có những hoạt động chống phá Việt Nam như ngụy tạo nhiều sự kiện vu cáo Việt Nam đàn áp tôn giáo, vi phạm nhân quyền, kêu gọi người dân đấu tranh đòi quyền tự do tôn giáo theo quan điểm phương Tây, tuyệt đối hóa quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo không chịu bất cứ sự ràng buộc, chế tài xử phạt nào.
Những việc làm của "Giáo hội Việt Nam thống nhất" khiến dư luận hết sức bất bình bởi đã khiến cho một số tăng ni, phật tử trong và ngoài nước ngộ nhận, hiểu sai bản chất của tự do tôn giáo, làm hoen ố Giáo hội Phật giáo Việt Nam, gây ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo, phá hoại công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khiến cho cộng đồng quốc tế hiểu sai lệch về nhân quyền, tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Việt Nam là quốc gia luôn chú trọng và bảo đảm quyền con người của mọi công dân, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết hiện Nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo, với trên 26,5 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước, hơn 54 nghìn chức sắc, trên 135 nghìn chức việc và gần 30 nghìn cơ sở thờ tự.
Theo kết quả khảo sát của Viện Diễn đàn Pew có trụ sở ở Mỹ, Việt Nam thuộc nhóm 12 quốc gia trên thế giới và sáu quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương có mức độ đa dạng tôn giáo rất cao.
Luật pháp Việt Nam bảo vệ quyền tự do tôn giáo, "mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo" (Điều 6, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo 2016) song cũng kiên quyết xử lý các hành vi lợi dụng tôn giáo để gây bất ổn xã hội, chống phá chế độ.
Tại Khoản 3, Điều 24 Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam quy định rõ: "Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật".
Đồng thời, tại Điều 5 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo 2016 quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó đáng chú ý là các nội dung: Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau; Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi. Thực tế này đòi hỏi người dân trong quá trình thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của cá nhân cần thận trọng, tỉnh táo, không cho kẻ xấu lôi kéo, lợi dụng để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật.
Theo nhandan.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin