19:09, 13/06/2024

Bảo vệ tính đúng đắn, sáng tạo, nhân văn và chính nghĩa của trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”

LÊ HUY TUẤN

Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, mặc dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách, có lúc vận mệnh dân tộc như “ngàn cân treo sợi tóc”, nhưng dân tộc Việt Nam đã vững vàng vượt qua tất cả, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng đất nước ngày càng phát triển phồn vinh. Để làm nên những thành tựu to lớn, vĩ đại đó có sự đóng góp không nhỏ của nghệ thuật bang giao hết sức mềm dẻo, khôn khéo, linh hoạt, dĩ bất biến ứng vạn biến mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát đó là trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”.

Tuy nhiên, các thế lực thù địch không chấp nhận điều đó, chúng liên tục xuyên tạc, bôi nhọ, phá hoại đường lối đối ngoại, ngoại giao đúng đắn, nhân văn, chính nghĩa của Đảng và Nhà nước ta. Vì vậy, nhận diện chính xác âm mưu, thủ đoạn, từ đó đưa ra những luận cứ xác đáng nhằm đấu tranh phản bác lại những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, đối tượng phản động, bảo vệ vững chắc trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam” cũng chính là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

* Nhận diện âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch

Trong suốt chặng đường lãnh đạo cách mạng, các hoạt động đối ngoại, ngoại giao của Đảng và Nhà nước ta mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” đã góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đồng thời đóng góp to lớn cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực mà các thế lực thù địch thường xuyên chống phá, nhất là sau  khi cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được ra mắt bạn đọc thì các thế lực thù địch, đối tượng phản động lại càng chống phá quyết liệt hơn. Chúng tung ra những bài viết, hình ảnh, video trên các nền tảng mạng xã hội với nội dung sai trái nhằm xuyên tạc, bôi nhọ, làm sai lệch bản chất, quan điểm của trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”, phủ nhận tính đúng đắn, những thành tựu của đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam, trong đó có trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”.

Bằng sự ngụy biện, suy diễn, quy chụp, võ đoán, bằng cách nhìn phiến diện, một số đối tượng tự xưng là “nhà nghiên cứu”, “nhà phản biện”, “nhà dân chủ”, “nhà đấu tranh”, “học giả”... đã đưa ra luận điệu sai lệch với những lời lẽ mang tính kích động rằng “trường phái ngoại giao cây tre” là kiểu ngoại giao không thực chất, không rõ ràng, không lập trường, nghiêng bên nọ, ngả bên kia, “gió chiều nào theo chiều ấy”, “ba phải”, “hai mặt”. Họ cho rằng “đường lối ngoại giao cây tre” của Việt Nam với chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ mà Việt Nam vẫn theo đuổi là “bảo thủ”, “trì trệ”, “tự mình cô lập mình”, là “tự tách ra khỏi dòng chảy” của lịch sử... cho nên “trường phái ngoại giao cây tre” là không thể tin cậy, không nên đi theo.

Mục đích của các thế lực thù địch khi xuyên tạc trường phái “ngoại giao cây tre” là nhằm phủ nhận giá trị lịch sử của “ngoại giao cây tre Việt Nam”, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta, vai trò quản lý xã hội của Nhà nước, thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam; gây nhiễu thông tin, định hướng sai lệch dư luận, gieo rắc, kích động tư tưởng dân tộc cực đoan, gây chia rẽ, hoài nghi, hoang mang, dao động, tạo sự bất mãn của người dân đối với đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, từ đó gây mất ổn định xã hội, an ninh quốc gia, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đối với quốc tế, chúng đưa ra những luận điệu sai trái trên nhằm hạ bệ vị thế, uy tín nước ta trên trường quốc tế, làm mất niềm tin của cộng đồng quốc tế vào đất nước, con người Việt Nam, cô lập Việt Nam với thế giới.

Với chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vào ngày 10 và 11-9-2023, trước thông tin hai nước nâng cấp mối quan hệ lên “đối tác chiến lược toàn diện”, các thế lực thù địch xuyên tạc cho rằng “Việt Nam đang ngả về phương Tây”; chúng suy diễn rằng vì diễn biến phức tạp trên Biển Đông nên Việt Nam phải nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ, cần phải “dựa hơi” Hoa Kỳ để thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc và tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với các nước khác trong khu vực.

Với chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình vào ngày 12 và 13-12-2023, chúng tiếp tục bịa đặt và xuyên tạc nội dung, ý nghĩa của chuyến thăm cho rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam đang tự chui đầu vào vòng kim cô, vào cái thòng lọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc”, “đẩy Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc”.

Đó là những luận điệu hoàn toàn sai lệch, bịa đặt, xuyên tạc một cách trắng trợn đường lối đối ngoại, ngoại giao đúng đắn của Việt Nam.

Đất nước ta càng phát triển, càng đạt được nhiều thành tựu to lớn thì các thế lực thù địch, phản động lại càng hằn học, điên cuồng chống phá, trong đó có phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng. Âm mưu của các thế lực thù địch là vô cùng nguy hiểm với những thủ đoạn hết sức tinh vi và xảo quyệt, khó lường. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải thật sự tỉnh táo, nhận diện đúng mưu đồ và thủ đoạn của kẻ thù; đồng thời phân tích, đánh giá một cách tổng quát, khách quan nội hàm, vai trò, vị trí của trường phái đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” từ đó có những đối sách phù hợp đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ đường lối đối ngoại của Đảng.

* Nội hàm của trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”

Trường phái ngoại giao độc đáo, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra lần đầu tiên tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 (tháng 8-2016). Đến tháng 12-2021, tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư tiếp tục khẳng định và bổ sung, phân tích, làm sâu sắc thêm về trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”. Tiếp đó, phát biểu chỉ đạo Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhấn mạnh vai trò của trường phái đối ngoại, ngoại giao “cây tre Việt Nam: Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam”. Tháng 11-2023, cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được ra mắt đã hệ thống hóa và nâng tầm lý luận ngoại giao Việt Nam. Trong cuốn sách, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát lịch sử ngoại giao Việt Nam xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc, đặc biệt là hơn 90 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tổng Bí thư khẳng định:  “Hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đối ngoại, ngoại giao Việt Nam đã kế thừa và phát huy bản sắc, cội nguồn văn hóa và truyền thống dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, phát triển trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hình thành nên trường phái đối ngoại, ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo, mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam”[1].

Cuốn sách đã làm rõ nội hàm của trường phái ngoại giao mang đậm “bản sắc cây tre Việt Nam”. Đó là “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam”, “vừa kiên định về nguyên tắc, vừa uyển chuyển về sách lược; mềm mại, khôn khéo nhưng cũng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, can trường trước mọi khó khăn, thử thách, vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân; đoàn kết, nhân ái nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc”[1].

Tổng Bí thư chỉ rõ:“Vững ở gốc là nguyên tắc vì lợi ích quốc gia - dân tộc để phục vụ, là đường lối đối ngoại độc lập - tự chủ, lấy thực lực làm gốc, lấy đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng để tạo thế, lập thời; lấy phương pháp luận chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng soi đường, chỉ lối. Đường lối đó đã mở ra cho đất nước vận hội phát triển mới, có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đường lối đó tiếp tục là nền tảng vững chắc để Việt Nam hiện thực hóa khát vọng phát triển với các mục tiêu trong những thập niên sắp tới.

Chắc ở thân là những phương thức tạo nên sức mạnh, trong đó sức mạnh đoàn kết là nhân tố sống còn; đại đoàn kết trong nước là căn bản, đoàn kết quốc tế là nhân tố bổ trợ hết sức quan trọng. Sức mạnh tổng hợp của đối ngoại có được dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại... Sức mạnh của Việt Nam còn ở tính chính danh, chính nghĩa, cách ứng xử nhân văn, thủy chung, thượng tôn pháp luật và phù hợp với xu thế tiến bộ của thời đại.

Uyển chuyển ở cành là phong cách, nghệ thuật ứng xử linh hoạt, nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến,” đặc biệt trong các hoàn cảnh khó khăn, phức tạp, có sự mâu thuẫn giữa những xu thế khác nhau, giữa đòi hỏi phải hài hòa cái chung và cái riêng, nhằm giữ vững bản sắc, giá trị đất nước và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc Việt Nam phù hợp với những giá trị chung của nhân loại. Đó là cách ứng xử “biết mình, biết người,” “biết thời, biết thế,” “biết dừng, biết biến” của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh.[1].

Những tổng kết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về trường phái ngoại giao cây tre cũng chính là nội dung cốt lõi và xuyên suốt đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Tổng Bí thư đã mượn hình ảnh cây tre thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam để gửi gắm thông thiệp mang tính triết lý hết sức sâu sắc nhưng lại vô cùng gần gũi, thiết thực đối với ngành đối ngoại, ngoại giao nước ta.

* Những đóng góp quan trọng của trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam” vào thành tựu phát triển chung của đất nước

Thực tiễn đấu tranh dựng nước và giữ nước cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay đã chứng minh tính đúng đắn, sáng tạo của đường lối đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam. Gần trọn một thế kỷ dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là gần 40 năm đổi mới, đối ngoại, ngoại giao Việt Nam đã gặt hái được những thành tựu quan trọng góp phần làm nên những thắng lợi to lớn của công cuộc đổi mới, để “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết: Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng về công tác đối ngoại, ngoại giao, trong gần 40 năm qua, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng: Phá thế bị bao vây, cấm vận, tạo dựng và củng cố ngày càng vững chắc cục diện đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, thuận lợi cho công cuộc đổi mới; tạo dựng được môi trường quốc tế thuận lợi và huy động được các nguồn lực từ bên ngoài để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Đối ngoại, ngoại giao đóng vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Vị thế và uy tín quốc tế của nước ta trong khu vực và trên thế giới ngày càng được nâng cao, đóng góp tích cực và đầy tinh thần trách nhiệm vào việc giữ vững hòa bình, hợp tác phát triển và tiến bộ trên thế giới.[1].

Đến nay, Đảng ta đã có quan hệ với 253 đảng ở 115 quốc gia trên thế giới, trong đó có 92 đảng cộng sản, 63 đảng cầm quyền, 38 đảng tham gia liên minh cầm quyền, tham chính... Từ một nước bị bao vây, cấm vận, chúng ta đã mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với 193 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có 3 nước quan hệ đặc biệt, 6 nước đối tác chiến lược toàn diện, 13 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện. Quốc hội có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 quốc gia. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các tổ chức nhân dân đã triển khai đối ngoại thiết thực với 1.200 tổ chức nhân dân và đối tác nước ngoài.[1].

Đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng đã góp phần quan trọng trong việc huy động các nguồn lực bên ngoài để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng của khu vực và thế giới, có quan hệ thương mại với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt gần 700 tỷ USD, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 23 tỷ USD [2]. Việt Nam là nước tăng trưởng cao so với khu vực và thế giới với GDP năm 2023 tăng 5,05%. Lần đầu tiên GDP của nước ta vượt 400 tỷ USD, thuộc nhóm 40 nền kinh tế lớn trên thế giới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam là điểm sáng trong “bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu.

Với phương châm “là bạn, đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”, đối ngoại, ngoại giao đã góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới, được bạn bè quốc tế tín nhiệm, đề cử Việt Nam gánh vác nhiều trọng trách quan trọng tại các cơ chế đa phương như: Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc, Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới... Việt Nam đã cử hàng trăm cán bộ, chiến sĩ tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Việt Nam cũng là chủ nhà của nhiều hội nghị, diễn đàn quốc tế. Những điều đó đã cho thấy một Việt Nam thân thiện, nhân văn, yêu chuộng hòa bình và giàu lòng mến khách, sẵn sàng chung tay cùng cộng đồng quốc tế giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu.

Việc vận dụng linh hoạt trường phái “ngoại giao cây tre” không những giúp Việt Nam duy trì, củng cố và mở rộng mối quan hệ với các nước, nhất là các nước bạn bè truyền thống mà còn giúp nước ta tạo thế cân bằng trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là với các nước lớn. Từ đó khẳng định vị thế của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, giúp cộng đồng quốc tế hiểu hơn về đất nước, con người, truyền thống văn hóa, lịch sử của Việt Nam.

Những nỗ lực và những thành quả mà Việt Nam gặt hái được trên lĩnh vực ngoại giao thời gian qua được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao. Vị thế của nước ta ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Những dấu ấn và thành tựu đã đạt được của đối ngoại Việt Nam là minh chứng rõ ràng nhất, thuyết phục nhất khẳng định tính tất yếu và đúng đắn của trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”. Thực tiễn sinh động ấy là hiện thực khách quan, không thể xuyên tạc và phủ nhận. Cho dù các thế lực thù địch không chấp nhận, cố tình bóp méo, bôi nhọ, xuyên tạc, phớt lờ thì những thành quả ấy vẫn luôn là minh chứng thuyết phục nhất để bác bỏ các luận điệu vô căn cứ, thiếu thiện chí của những đối tượng chống phá đối với trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”. Từ đó, củng cố niềm tin của nhân dân vào đường lối đối ngoại, ngoại giao đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Nhà nước, làm tăng thêm sự tín nhiệm của bạn bè quốc tế và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đối với Việt Nam; góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Bảo vệ tính đúng đắn, sáng tạo, nhân văn và chính nghĩa của trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam” là cuộc đấu tranh kiên định, kiên trì, kiên quyết và lâu dài. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, giữ vững lập trường, kiên quyết đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, vạch trần những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ đường lối đối ngoại, ngoại giao đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

ThS. LÊ HUY TUẤN

Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa

 

Tài liệu tham khảo

 [1]. Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2023.

[2] https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam:Kinh tế Việt Nam nhìn lại sau gần 40 năm đổi mới, số 12-2024, ngày 01/4/2024.

3. https://baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202405/xay-dung-nen-doi-ngoai-ngoai-giao-toan-dien-hien-dai-mang-dam-ban-sac-cay-tre-viet-nam-6b57fde/ .

4. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2202.

5. Nguyễn Phú Trọng: Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng.