07:41, 12/09/2023

Đấu tranh phòng, chống các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để gây chia rẽ, kích động bạo lực ở Tây Nguyên

Khu vực Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đây cũng là một trong bốn vùng dân tộc, tôn giáo đặc thù của cả nước mà các thế lực thù địch ra sức lợi dụng để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá cách mạng Việt Nam. Thời gian tới, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để giải quyết tận gốc việc lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo âm mưu gây chia rẽ, kích động bạo lực ở Tây Nguyên của các thế lực thù địch.

Lễ hội cồng chiêng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên _Nguồn: nhiepanhdoisong.vn
Lễ hội cồng chiêng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên _Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Khu vực Tây Nguyên hiện nay gồm 5 tỉnh (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng), là một trong bốn vùng dân tộc, tôn giáo đặc thù của cả nước. Tây Nguyên quy tụ cư dân của 54 dân tộc cùng chung sống, trong đó có 20 dân tộc tại chỗ và có tất cả các tôn giáo lớn ở Việt Nam hoạt động. Quá trình cộng cư đa dạng của các dân tộc đã tạo nên sự đa dạng về văn hóa và những giá trị đặc trưng cho khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, trong tính đa dạng đó, Tây Nguyên đang phải đối phó với rất nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh, nhất là âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch nhằm chống phá Đảng, chống phá Nhà nước, gây bất ổn về chính trị - xã hội cho khu vực.

Âm mưu, thủ đoạn gây bất ổn chính trị - xã hội ở Tây Nguyên của các thế lực thù địch thời gian qua

Sau ngày giải phóng năm 1975, đất nước ta hòa bình, độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội. Thế nhưng, không chịu thất bại, các thế lực phản động bên trong và bên ngoài thực hiện cái gọi là “kế hoạch hậu chiến” chống lại sự nghiệp hòa bình xây dựng của nhân dân ta, liên tiếp gây ra những bất ổn, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc ở khu vực Tây Nguyên trong suốt thời gian qua.

Được sự o bế về mọi mặt của các thế lực nước ngoài, các thế lực phản động trong nước sử dụng tổ chức phản động BAJARAKA, sau này là “Mặt trận thống nhất đấu tranh của các sắc tộc bị áp bức” (Front unifié de lutte des races opprimées, viết tắt là Fulro) để chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Sau khi Tây Nguyên được giải phóng năm 1975, các phần tử Fulro thu gom vũ khí, quân trang, quân dụng của quân đội Sài Gòn bỏ lại để cơ cấu thành một tổ chức phản động có vũ trang. Lợi dụng tình hình đất nước đang gặp nhiều khó khăn, các phần tử Fulro nổi lên hoạt động ở nhiều nơi. Chúng xuất hiện ở nhiều buôn, làng của Tây Nguyên để rải truyền đơn, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; kích động, lôi kéo quần chúng, đẩy mạnh hoạt động khủng bố, tấn công vào các đơn vị quân đội, tổ công tác của ta ở một số thị trấn, thị xã; ám sát, phục kích, giết hại những người chống đối; phục kích, tập kích đường giao thông, đốt phá trụ sở cơ quan, nhà dân nhằm mục đích vừa phá hoại, vừa gây thanh thế. Hoạt động của các phần tử Fulro diễn ra hết sức phức tạp, gây nên nhiều khó khăn cho các cơ quan quản lý trong việc xây dựng, củng cố chính quyền mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Rất nhiều thanh niên của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đã bị lôi kéo, cưỡng bức theo Fulro(1).

Giai đoạn năm 1982 đến năm 1985, các phần tử Fulro tiếp tục dựa vào sự hậu thuẫn của tàn quân Pôn Pốt và các tổ chức quốc tế có tư tưởng chống cộng để tăng cường hoạt động ở khu vực ngã ba Đông Dương. Với quyết tâm mang lại sự bình yên cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, đồng thời bảo vệ vững chắc nền độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, các đơn vị quân đội và các cơ quan chức năng đã tăng cường các biện pháp đấu tranh, từng bước làm thất bại âm mưu của Fulro. Nhờ vậy, trong suốt thập niên những năm 1980, cái tên Fulro gần như không còn được nhắc đến ở Tây Nguyên. Sang đầu thập niên những năm 1990, vấn đề Fulro xuất hiện trở lại ở khu vực biên giới hai nước Thái Lan và Campuchia. Năm 1994, khi Liên hợp quốc đưa lực lượng gìn giữ hòa bình (UNTAC) vào Campuchia để giải quyết tình hình thì các phần tử Fulro thông qua sự bảo lãnh của Hoa Kỳ đã được đưa sang định cư ở bang Colorado(2)

Giữa năm 1998, Ksor Kơk chỉ đạo một số cá nhân về Việt Nam tìm cách móc nối, gây dựng cơ sở để chuẩn bị cho các âm mưu, thủ đoạn mới. Năm 2000, Ksor Kơk cùng một số nhân vật lưu vong thành lập cái gọi là “Nhà nước Đề-ga tự trị” ở Mỹ và tự phong là “Tổng thống”. Để có được “cơ sở đứng chân” ở Tây Nguyên, Ksor Kơk cùng các phần tử của Fulro đã lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc một số đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào các hoạt động chống đối ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk (năm 2001 và năm 2004). Dù bị ngăn chặn, xử lý, nhưng các phần tử Fulro vẫn không chịu từ bỏ dã tâm của mình. Các tổ chức biến tướng mới mang màu sắc tôn giáo hoặc "từ thiện xã hội" tiếp tục được các phần tử Fulro ngấm ngầm thành lập ở trong và ngoài nước. Điển hình như cái gọi là “Hội những người miền núi” (MFI); “Nhân quyền người Thượng” (MHRO); “Người Thượng thống nhất” (UMP), “Giáo hội Tin lành đấng Cờ-rít Việt Nam” hay “Hội thánh Tin lành đấng Cờ-rít Tây Nguyên”.

"Giáo hội Tin lành đấng Cờ-rít Việt Nam" được Y Hin Niê nhen nhóm thành lập (tháng 5-2017). Y Jôl Bkrông, con trai Y Hin Niê được cử làm “Hội trưởng”. Mượn danh nghĩa các hệ phái Tin lành chính thống ở Việt Nam, “Giáo hội Tin lành đấng Cờ-rít Việt Nam” không ngừng tìm cách mua chuộc, lôi kéo tín đồ đứng về phía mình. Đến cuối năm 2018, tổ chức bất hợp pháp này đã gây dựng được cơ sở ở một số địa phương, như Đắk Lắk, Kon Tum, Lâm Đồng. Tháng 9-2019, A-Ga, một thành viên trụ cột của “Giáo hội Tin lành đấng Cờ-rít Việt Nam” tách ra thành lập một tổ chức bất hợp pháp mới lấy tên là “Hội thánh Tin lành đấng Cờ-rít Tây Nguyên” (tháng 9-2020). Mục đích của tổ chức bất hợp pháp này tương tự như “Tin lành Đề-ga” là kích động tư tưởng ly khai, tự trị để thành lập cái gọi là “nhà nước riêng, tôn giáo riêng” cho người dân tộc thiểu số (?!).

Cũng trong năm 2019, Y Phic Hdok (sống tại Mỹ), Y Quynh Bdăp (sống tại Thái Lan) cùng 15 đối tượng phản động, lưu vong khác thành lập tổ chức “Người Thượng vì công lý” (Montagnards Stand For Justice, viết tắt là MSFJ). Để nhận được sự hậu thuẫn, MSFJ đặt ra mục tiêu khá mỹ miều là “thúc đẩy hòa bình và bảo vệ quyền con người của những người bị áp bức tại Tây Nguyên” (?!). Tuy nhiên, trên thực tế MSFJ lại thông qua các trang mạng xã hội để tìm cách móc nối, tuyên truyền, kích động những người nhẹ dạ, cả tin tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp. Đồng thời, tích cực thu thập, phát tán các thông tin sai sự thật để vu cáo chính quyền Việt Nam phân biệt đối xử, đàn áp người dân tộc, đàn áp tôn giáo(3).

Manh động hơn, ngày 11-6-2023, hai nhóm đối tượng được trang bị súng ống cùng vũ khí tự chế đã tấn công vào trụ sở chính quyền và người dân ở hai xã Ea Ktur và Ea Tiêu thuộc huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk làm thiệt mạng 9 người, 2 người khác bị thương. Theo báo cáo từ phía cơ quan chức năng, ngoài âm mưu chủ đạo của các phần tử Fulro, vụ án xảy ra còn có sự hậu thuẫn, chỉ đạo từ một số tổ chức, cá nhân ở nước ngoài. Không chỉ dàn dựng kế hoạch khủng bố, hỗ trợ tài chính, vật dụng, quân tư trang cho các phần tử tham gia, các tổ chức phản động này còn cử người xâm nhập trái phép vào Việt Nam để trực tiếp chỉ đạo tấn công, gây bạo loạn(4). Bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý, các phần tử phản động đã tìm cách lèo lái dư luận sang chiều hướng mới. Lợi dụng các hội, nhóm trên các phương tiện truyền thông xã hội, các phần tử phản động, chống đối tích cực phát tán các thông tin sai sự thật nhằm "quy kết trách nhiệm cho chính quyền Việt Nam". Các trang tin của tổ chức phản động Việt Tân thường xuyên cắt ghép, dàn dựng nhiều clip nhằm xuyên tạc, bóp méo tình hình thực tế ở khu vực Tây Nguyên… Cùng với Việt Tân, các trang tin thường xuyên chống đối Việt Nam, như RFA, BBC tiếng Việt, VOA tiếng Việt cũng đồng loã “tát nước theo mưa” cho đăng tải các bài viết, bài bình luận mang tính quy chụp, suy diễn, xuyên tạc sự việc…

Tại Hội nghị cấp cao những người đứng đầu lực lượng chống khủng bố các nước do Liên hợp quốc tổ chức tại New York (Mỹ, từ ngày 19 đến ngày 22-6-2023), đại diện Việt Nam đã phê phán các luận điệu xuyên tạc và khẳng định tính chính đáng của Việt Nam trong việc đấu tranh chống lại các phần tử phản động tấn công vào hai xã Ea Ktur và Ea Tiêu thuộc huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk và cho rằng, đây là “hoạt động khủng bố có tổ chức, được trang bị các loại vũ khí; hành vi rất manh động, liều lĩnh, man rợ, mất nhân tính. Việt Nam mạnh mẽ lên án các cá nhân, tổ chức đã dung túng, hậu thuẫn, chỉ đạo cũng như số đối tượng đã trực tiếp gây ra vụ việc này. Đồng thời, Việt Nam kêu gọi các quốc gia, các tổ chức quốc tế có liên quan hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong điều tra vụ việc cũng như đấu tranh đối với các hoạt động tương tự"(5).

Có thể nhận thấy rằng, mục đích xuyên suốt của các thế lực thù địch là chống phá Đảng, chống phá Nhà nước để đi tới lật đổ chính quyền. Và để thực hiện được mục đích này, rất nhiều âm mưu, thủ đoạn, chiêu trò mới đã được các thế lực thù địch lợi dụng. Trong đó, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng những vấn đề có tính nhạy cảm như dân tộc, tôn giáo, nhân quyền,... với âm mưu thâm độc là gây chia rẽ, bất ổn ở Tây Nguyên vốn là vùng đất có vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng và cũng là nơi mà các vấn đề dân tộc, tôn giáo hiện hữu rất đặc trưng.

Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá ở Tây Nguyên

Thứ nhất, cần tập trung làm rõ những vấn đề lịch sử của khu vực Tây Nguyên.

Muốn xóa bỏ được những vấn đề mà các thế lực thù địch đã và đang lợi dụng, đang dựa vào để kích động chống phá và gây nên những bất ổn cho khu vực Tây Nguyên trong suốt thời gian qua, cần làm rõ nguyên nhân và nguồn gốc hình thành ban đầu của nó. Cái gọi là “Nhà nước Đề-ga tự trị”, “vua Nước”, “vua Lửa”, “vương quốc người Thượng” mà các thế lực thù địch đưa ra hoàn toàn không có cơ sở pháp lý để khẳng định. Tính độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam đã được thể hiện trong Hiến pháp, pháp luật và được cộng đồng các quốc gia - dân tộc trên thế giới thừa nhận. Điều 5, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 khẳng định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc”(6). Do đó, việc nghiên cứu, làm rõ các vấn đề lịch sử của Tây Nguyên không chỉ làm phong phú hơn tiến trình lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất này mà còn góp phần cung cấp các luận cứ khoa học để đập tan các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Việc làm rõ các vấn đề lịch sử ở Tây Nguyên còn giúp cho cộng đồng cư dân sở tại hiểu rõ hơn truyền thống lịch sử của dân tộc mình, biết quý trọng những thành quả cách mạng mà các thế hệ ông cha đã hy sinh xương máu để gìn giữ và bảo vệ. Một khi nhận thức của cộng đồng cư dân được củng cố và nâng cao sẽ tạo nên sức mạnh phòng vệ một cách tự nhiên trước các âm mưu lôi kéo, kích động chia rẽ, ly khai của các thế lực thù địch.

Bộ đội Biên phòng với đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên _Nguồn: nhiepanhdoisong.vn
Bộ đội Biên phòng với đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên _Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Thứ hai, xây dựng vững chắc thế trận lòng dân ở khu vực Tây Nguyên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”(7). Sang giai đoạn đổi mới đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định: “Làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”(8). Thế trận lòng dân luôn là điểm tựa rất quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động "ly khai", "tự trị" ở khu vực Tây Nguyên. Việc vạch trần và làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc và tôn giáo ở Tây Nguyên thời gian qua một phần rất lớn là nhờ vào thế trận lòng dân, sự ủng hộ, tin tưởng của nhân dân đối với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ngay trong vụ khủng bố ở tỉnh Đắk Lắk vừa qua, nhân dân các địa phương đã tích cực phối hợp với lực lượng chức năng trong việc tố giác tội phạm, cũng như vây bắt các phần tử phản động. Nhờ vậy, chỉ sau hai ngày diễn ra sự việc, sự yên bình đã thực sự trở lại với quê hương Đắk Lắk. Nhờ có sự ủng hộ của đồng bào tỉnh Đắk Lắk, lực lượng chức năng đã nhanh chóng truy bắt được toàn bộ số đối tượng cầm đầu và hầu hết các đối tượng tham gia trực tiếp vụ việc(9). Có thể thấy rằng, thế trận lòng dân chính là nền tảng cơ bản và là điểm tựa quan trọng trong công cuộc đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động "ly khai", "tự trị", bạo loạn của các thế lực thù địch ở Tây Nguyên. Do vậy, trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền các cấp ở Tây Nguyên cần có chiến lược, định hướng nhằm phát huy hơn nữa thế trận lòng dân vào trong quá trình xây dựng, phát triển đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như bảo vệ vững chắc quê hương trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

Thứ ba, tiếp tục phát huy có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các tỉnh Tây Nguyên.

Sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 18-1-2002, của Bộ Chính trị khóa IX, “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001 - 2010” và Kết luận số 12-KL/TW, ngày 24-10-2011, của Bộ Chính trị khóa XI, “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011 - 2020”, tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội các tỉnh Tây Nguyên có những bước chuyển khá quan trọng. Quy mô của nền kinh tế được mở rộng, năm 2020 đạt khoảng 287 nghìn tỷ đồng, gấp khoảng 14 lần so với năm 2002. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2002 - 2020 đạt 7,98%, cao nhất trong các vùng. GRDP bình quân trên đầu người năm 2020 đạt 48,08 triệu đồng/năm, gấp 10,6 lần so với năm 2002. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng dịch vụ. Công nghiệp phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng công nghiệp đạt 12,79%, cao hơn bình quân cả nước (11,54%) và cao nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội trong cả nước(10). Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng Tây Nguyên đang vững bước đi lên từng ngày.

Tuy nhiên, Tây Nguyên vẫn còn những hạn chế, yếu kém, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Do đó, để nâng cao hiệu quả việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đưa Tây Nguyên là vùng phát triển nhanh, bền vững, cấp uỷ, chính quyền các cấp cần chú trọng: 1- Cần bám sát trình độ phát triển kinh tế, đặc trưng văn hóa, phong tục, tập quán của từng dân tộc để áp dụng các chính sách phù hợp; 2- Nghiên cứu kỹ khả năng tiếp nhận, chuẩn bị của mỗi dân tộc để đưa ra những định hướng đúng đắn cho đồng bào trong thực thi, vận hành chính sách; 3- Cần phân loại cụ thể các chính sách để thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, có hiệu quả, nhất là đối với những chính sách quan trọng, cấp bách; 4- Xây dựng lộ trình, kế hoạch và các yêu cầu cụ thể đối với từng chính sách để tiện theo dõi, đánh giá hoặc kịp thời điều chỉnh, bổ sung, phát triển cho phù hợp với đặc thù của từng dân tộc, từng địa phương; 5- Phát huy đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của hệ thống chính trị ở cơ sở trong vai trò là người hướng dẫn đồng bào thực thi, áp dụng các chính sách vào trong đời sống; 6- Cần bảo đảm tính bình đẳng về quyền thụ hưởng, sự phân bổ các cơ chế, chính sách giữa các dân tộc, giữa các địa phương; tránh việc tuyệt đối hóa tính đặc thù của một khu vực, một đối tượng nhất định; đồng thời, tránh áp dụng chính sách chung chung, thiếu tính cụ thể.

Thứ tư, phát huy vai trò của hệ thống chính trị ở cơ sở trong đấu tranh vạch trần những âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc và tôn giáo của các thế lực thù địch.

Hệ thống chính trị ở cơ sở là cấp quản lý gần gũi nhất với đời sống của quần chúng nhân dân. Cấp quản lý này sẽ dễ theo sát những biến động cũng như âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch khi chúng xâm nhập vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, việc phát huy vai trò tiên phong của hệ thống chính trị ở cơ sở vừa ngăn chặn được từ sớm, từ xa âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch, vừa hạn chế tối đa những hậu quả khó lường do các thế lực thù địch gây nên.

Để phát huy vai trò, khả năng đấu tranh chống các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, chính quyền các cấp ở Tây Nguyên cần chăm lo kiện toàn hệ thống chính trị ở cơ sở; đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên là người đồng bào các dân tộc thiểu số; thường xuyên theo sát cơ sở, phát huy tinh thần đoàn kết của đồng bào trong thực thi các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương”(11). Đồng thời, tăng cường cán bộ có năng lực, phẩm chất đạo đức cho cơ sở, nhất là ở những địa bàn trọng điểm... Cán bộ công tác ở vùng dân tộc thiểu số phải biết ngôn ngữ địa phương, am hiểu phong tục, tập quán, tín ngưỡng của đồng bào; thực hiện tốt phong cách dân vận “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”; không quan liêu, tham nhũng. Tích cực đổi mới công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo phương châm “chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, vững chắc” phù hợp với đặc thù từng dân tộc.

PGS, TS ĐOÀN TRIỆU LONG
Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III

                                                                                                                                      ------------------------

(1) Xem: Ngọc Hà: “Nhìn lại cuộc chiến chống FULRO những năm 1970 - 1980” và “Chuyện ly kỳ về những toán Fulro gần 20 năm ẩn náu rừng sâu”, Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh, số 4316-4320, 2020
(2) Xem: Uông Thái Biểu: “Fulro - Hồ sơ đen về một tổ chức tội ác”, Báo Lâm Đồng online, ngày 15-4-2021, http://baolamdong.vn/hosotulieu/202104/fulro-ho-so-den-ve-mot-to-chuc-toi-ac-ky-1-3052364/
(3) Xem: V.Thành - B.Phượng: “Vạch trần bộ mặt thật của nhóm “Người Thượng vì công lý - MSFJ”, Báo Công an nhân dân online, ngày 18-6-2023, https://cand.com.vn/chong-dien-bien-hoa-binh/vach-tran-bo-mat-that-cua-nhom-nguoi-thuong-vi-cong-ly-msfj-i697317/
(4) Xem: “Vụ khủng bố tại Đắk Lắk: Khởi tố 84 đối tượng”, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, ngày 23-6-2023, https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/vu-khung-bo-tai-dak-lak-khoi-to-84-bi-can-119230623155027369.htm
(5) Xem: Đỗ Trung: “Vụ nhóm dùng súng tấn công tại Đắk Lắk là hoạt động khủng bố”, Báo Sài Gòn giải phóng online, ngày 22-6-2023, https://www.sggp.org.vn/vu-nhom-dung-sung-tan-cong-tai-dak-lak-la-hoat-dong-khung-bo-post694660.html
(6) Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 280
(8]) Nguyễn Phú Trọng: Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr. 80
(9) Xem: Dũng Minh: “Vụ tấn công tại Đắk Lắk: Âm mưu từ các thế lực thù địch, Fulro lưu vong kích động chia rẽ”, Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học, ngày 16-6-2023, https://congdankhuyenhoc.vn/vu-tan-cong-tai-dak-lak-am-muu-tu-cac-the-luc-thu-dich-fulro-luu-vong-kich-dong-chia-re-17923061616085057.htm
(10) Xem: Bình Nguyên: “Âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động chống phá trên địa bàn Tây Nguyên”, Báo Công an nhân dân online, ngày 19-6-2023, https://cand.com.vn/Chong-dien-bien-hoa-binh/am-muu-loi-dung-van-de-dan-toc-ton-giao-de-kich-dong-chong-pha-tren-dia-ban-tay-nguyen-i697377/
(11) Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 6-10-2022, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”

Theo tapchicongsan.org.vn