Đến nay, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19. Kết quả đó có được chính là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng tinh thần trách nhiệm của toàn xã hội. Song, vẫn còn những ý kiến, góc nhìn phiến diện, thiếu thiện chí khi nhìn nhận về vấn đề này; từ đó, gây ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Đến nay, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19. Kết quả đó có được chính là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng tinh thần trách nhiệm của toàn xã hội. Song, vẫn còn những ý kiến, góc nhìn phiến diện, thiếu thiện chí khi nhìn nhận về vấn đề này; từ đó, gây ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Hơn một năm qua, dịch COVID-19 đã thực sự trở thành cơn “ác mộng” đối với nhân loại, tính từ đầu thế kỷ XXI. Đến cuối tháng 6/2021, thế giới đã có khoảng trên 182 triệu người mắc COVID-19, hơn 3,95 triệu ca tử vong. Dịch COVID-19 đã kéo lùi sự phát triển kinh tế, xã hội của hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Tại Việt Nam, trên cơ sở phát huy sức mạnh tổng hợp, chúng ta đã từng bước ngăn chặn có hiệu quả dịch COVID-19. Đặc biệt, từ cuối tháng 4/2021, dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát tại nước ta với nhiều chủng virus mới, tốc độ lây lan cao. Với những chủ trương đúng đắn, quyết liệt, chúng ta đã và đang nỗ lực hết sức để dần khống chế được đợt dịch này. Việc khoanh vùng dập dịch, điều trị các ca dương tính tiếp tục được thực hiện có hiệu quả.
Tuy vậy, với góc nhìn thiển cận, thiếu thiện chí, một số cá nhân, tổ chức lại đang cố tình không thừa nhận những thành quả trong phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam. Ngoài việc xuyên tạc, bóp méo các chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch, các thế lực thù địch còn rêu rao luận điệu cho rằng “Việt Nam chống dịch thành công là nhờ may mắn”. Khách quan nhìn lại toàn bộ quá trình phòng, chống dịch COVID-19 của nước ta sẽ thấy, rõ ràng đây là luận điệu sai trái, phiến diện, một chiều.
Trước hết, cần khẳng định, ngay khi dịch COVID-19 xuất hiện, Việt Nam đã là nước nằm trong khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao. Ca dương tính với COVID-19 đầu tiên được ghi nhận tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc). Trung Quốc cũng là nước chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch này. Là quốc gia láng giềng, với nhiều hoạt động giao thương, buôn bán song phương, Việt Nam đứng trước nguy cơ cao của việc bùng phát dịch COVID-19. Cùng với đó, với đặc điểm của một nước đang phát triển, hệ thống y tế quốc dân tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng nhìn chung còn thiếu đồng bộ; năng lực xử lý hạn chế, nhất là trong tình huống cùng lúc tiếp nhận quá nhiều ca bệnh...
Thực tế, với tinh thần chủ động và phương châm “Tất cả vì sức khỏe của nhân dân”, ngay sau khi phát hiện những trường hợp dương tính đầu tiên ở trong nước, Chính phủ đã xác định, có thể hy sinh một số lợi ích kinh tế nhưng quyết tâm phải bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Đây cũng là quan điểm nhất quán của Chính phủ ta trong hơn một năm qua. Cùng đó, chúng ta cũng đã nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; phát động toàn dân, toàn quân “chống dịch như chống giặc”.
Cùng với những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, công tác phòng, chống dịch đã được đưa lên mức độ cao nhất, với những biện pháp quyết liệt, phù hợp. Ngay từ tháng 3/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết chung sức chống dịch COVID-19. Đặc biệt, thực hiện mục tiêu bảo đảm sức khỏe cho công dân, ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, vừa chống dịch COVID-19 hiệu quả, vừa bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội, Việt Nam đã có những quyết sách, chiến lược, chỉ đạo sáng tạo, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương. Chính phủ cũng đã chủ động triển khai nhiều biện pháp kịp thời, quyết liệt như: Tập trung tổ chức tốt việc khoanh vùng, dập dịch; truy vết người tiếp xúc với nguồn bệnh trong phạm vi phù hợp; kiểm soát chặt chẽ người bên trong các khu vực phong tỏa, cách ly những người lây nhiễm và tiếp xúc gần một cách hiệu quả. Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chỉ thị về công tác phòng, chống dịch như: Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ: Về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19; Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ: Về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19...
Trước những diễn biến phức tạp của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư, công tác chỉ đạo phòng, chống dịch luôn được các thành viên Chính phủ chỉ đạo sát sao, liên tục hằng ngày, hằng tuần, nhất là đối với những địa phương có các diễn biến phức tạp. Một lần nữa, sức mạnh đoàn kết, ý thức trách nhiệm của mọi người dân giúp chúng ta đã và đang dần ngăn chặn, khống chế dịch có hiệu quả.
Đến nay, tình hình dịch tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và một số tỉnh, thành đã cơ bản ổn định. Tại TP. Hồ Chí Minh, tuy dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp nhưng với tinh thần chống dịch quyết liệt, Thành ủy TP Hồ Chí Minh, UBND TP cùng cả hệ thống chính trị đã rất chủ động, thần tốc và quyết liệt sử dụng mọi biện pháp dập dịch. Cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước, Thành phố, nỗ lực của các cấp, các ngành, nhiều tổ chức, doanh nghiệp và người dân với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả đã động viên, tiếp sức cho các lực lượng ở tuyến đầu và những người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế vượt qua dịch bệnh. Với tinh thần đoàn kết, nỗ lực đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, dịch bệnh trên địa bàn TP sẽ dần được không chế, nhanh chóng đẩy lùi, sớm đưa cuộc sống của người dân TP Hồ Chí Minh trở về trạng thái bình thường mới.
Để đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả, Việt Nam cũng đang tích cực triển khai nhanh chóng chiến lược vắc xin và chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin trên cả nước với lộ trình khoa học, hiệu quả, tiến tới miễn dịch cộng đồng.
Từ những minh chứng, có thể thấy, đó là kết quả có được từ sự nỗ lực của mỗi người dân, của các cấp, các ngành, các địa phương, của toàn hệ thống chính trị, nhất là của các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch như: Y tế, Quân đội, Công an... Đây hoàn toàn không phải là sự “may mắn” như sự xuyên tạc của một số tổ chức, cá nhân.
Liên quan đến vấn đề này, tại buổi họp báo vào chiều 24/6 vừa qua, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã nhấn mạnh, "Nói Việt Nam may mắn trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 là hoàn toàn không khách quan".
Nhìn lại kết quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong hơn một năm qua ở Việt Nam có thể thấy, điểm mấu chốt tạo thành sức mạnh để đẩy lùi dịch bệnh chính là sự lãnh đạo thường xuyên của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, chính quyền các cấp và sự đoàn kết, chung sức đồng lòng của toàn dân. Điều này càng thể hiện rõ hơn khi Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19 dù mới thành lập đã nhận được sự đóng góp với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng từ các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, mọi tầng lớp nhân dân cả ở trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài.
Tiếp tục phát huy những kết quả, kinh nghiệm có được sau các đợt dịch, nhất là việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân sẽ là “chìa khóa” quan trọng để chúng ta từng bước ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chiến thắng hoàn toàn dịch COVID-19; đồng thời, đó cũng là cơ sở để đập tan những ý kiến cố tình phủ nhận thành quả chống dịch của Việt Nam, thực chất là phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân trong quá trình phòng, chống dịch./.
Tạ Quang Đạo
(Nguồn: dangcongsan.vn)