* Ông NGUYỄN TẤN TUÂN - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa nhân dịp đón xuân Giáp Thìn 2024.
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh |
- Thưa ông, trong năm 2023, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, kinh tế phục hồi mạnh mẽ. Xin ông đánh giá những kết quả nổi bật của tỉnh trong năm qua?
- Năm 2023, trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, được sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Tỉnh ủy; sự giám sát, đồng hành của Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh; sự điều hành quyết liệt, hiệu quả của UBND tỉnh và chính quyền các cấp; sự đồng lòng, đoàn kết, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cùng sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Khánh Hòa tiếp tục bám sát, thực hiện các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các nhiệm vụ, giải pháp về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, năm 2023, tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong các lĩnh vực. Đáng chú ý là, kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, đạt và vượt 20/22 chỉ tiêu (gồm: 5 chỉ tiêu kinh tế, 11 chỉ tiêu xã hội, 4 chỉ tiêu môi trường). Trong đó, có một số chỉ tiêu quan trọng như: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 10,35% so với năm 2022, là tỉnh có tốc độ tăng GRDP đứng thứ 4 cả nước và đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1.750 triệu USD, tăng 5,9%; thu ngân sách nhà nước ước đạt 18.230 tỷ đồng, vượt 18,03% so với kế hoạch và tăng 10,5% so với năm 2022. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt gần 71.303 tỷ đồng, tăng 7,6% so với năm 2022. Các chỉ số liên quan đến cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đều được cải thiện mạnh mẽ về thứ tự xếp hạng. Tỉnh đã tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ kết hợp phòng thủ dân sự tỉnh năm 2023 và nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, văn nghệ có quy mô lớn, thu hút đông đảo người dân, du khách đến với Khánh Hòa. Du lịch phục hồi khá mạnh mẽ với doanh thu đạt gần 31.779 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2022. Toàn tỉnh thu hút 7 triệu lượt khách lưu trú, tăng gấp 2,7 lần, trong đó có 2,1 triệu lượt khách quốc tế, tăng gấp 7,1 lần so với năm 2022. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm.
Bên cạnh đó, tỉnh đã hoàn thành công tác lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 2 quy hoạch quan trọng là Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Tỉnh cũng đã tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 42 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 09; đồng thời tăng cường công tác xúc tiến đầu tư. Các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật được đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thành, đưa vào sử dụng đã đóng góp duy trì sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong năm 2023.
Các vị lãnh đạo tỉnh trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư. |
- Năm qua, Khánh Hòa tổ chức nhiều sự kiện về kinh tế, văn hóa, xã hội; nhiều công trình trọng điểm của quốc gia trên địa bàn tỉnh và của tỉnh được triển khai hoặc hoàn thành đưa vào sử dụng. Những sự kiện này tạo nên thế và lực mới trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần quan trọng vào quá trình đẩy nhanh tốc độ thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị. ông nhận định như thế nào về những thành tựu đã đạt được ở những lĩnh vực này?
- Năm 2023, tỉnh đã tổ chức thành công nhiều sự kiện, hoạt động lớn, mang ý nghĩa quan trọng về kinh tế, văn hóa và xã hội, đặc biệt như: Kỷ niệm 370 năm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa (1653 - 2023) và 48 năm Ngày giải phóng tỉnh Khánh Hòa (2-4-1975 - 2-4-2023); Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa 2023; Hội nghị kết nối Khánh Hòa với các đối tác quốc tế tại TP. Nha Trang; Hội nghị xúc tiến đầu tư Khánh Hòa - Nhật Bản năm 2023; Festival Biển Nha Trang 2023; Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ; Giải Marathon Marvelous Nha Trang 2023; Chương trình Chính luận nghệ thuật “Mạnh giàu từ biển quê hương”; Chương trình liên kết phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh… Những sự kiện này đã góp phần quảng bá hình ảnh của Khánh Hòa đến các địa phương trong và ngoài nước, từ đó nâng cao hiệu quả thu hút các nguồn lực đầu tư, xúc tiến thương mại và kích cầu du lịch. Năm 2023, toàn tỉnh đã thu hút 17 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 100.866 tỷ đồng và điều chỉnh tăng vốn cho 19 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư tăng gần 41.109 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hơn 113.901 tỷ đồng, tăng 19,7% so với năm 2022.
Bên cạnh đó, năm 2023, nhiều công trình trọng điểm quốc gia và của tỉnh đã được triển khai hoặc hoàn thành đưa vào sử dụng, như: Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nha Trang - Cam Lâm; Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo; Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vân Phong - Nha Trang; Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Dự án Cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ “Xây dựng mới cầu Xóm Bóng”; Bệnh viện Đa khoa Yersin Nha Trang; Đường D30 - kết nối đường 23 tháng 10 với đường Võ Nguyên Giáp; Tỉnh lộ 3; Tỉnh lộ 2; Nút giao thông Ngọc Hội (TP. Nha Trang)… Các dự án đã góp phần từng bước hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội, tăng tính kết nối vùng của tỉnh với các địa phương khác và tạo động lực phát triển cho tỉnh trong thời gian tới.
Đồng thời, tỉnh cũng đã triển khai thủ tục đầu tư đối với các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng trọng điểm theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị để kịp khởi công trong năm 2024, như: Dự án Đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận; Dự án Đường giao thông liên vùng huyện Diên Khánh; Tuyến đường ven biển từ xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh đi thị xã Ninh Hòa; Mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 26B; Nâng cấp, mở rộng Cải tuyến Tỉnh lộ 1B; Cung Văn hóa Thiếu nhi tỉnh; Xây dựng trụ sở làm việc Tỉnh ủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, UBND tỉnh; Xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa trở thành bệnh viện tuyến cuối của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ…
Những kết quả tích cực nói trên đã góp phần duy trì sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong năm 2023, đồng thời sẽ tạo đà thuận lợi để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị đề ra.
- Cùng với việc nỗ lực tập trung thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh luôn quan tâm chăm lo đời sống của các gia đình chính sách, các đối tượng là người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là việc triển khai an sinh xã hội đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ông có thể chia sẻ thêm về những việc đã làm được trong năm qua?
- Trước hết phải khẳng định, làm tốt công tác an sinh và phúc lợi xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân là mục tiêu xuyên suốt của Đảng ta; đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm luôn được tỉnh quan tâm trong mỗi giai đoạn phát triển, đặc biệt, khi cuộc sống người dân gặp khó khăn, cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị phải quan tâm, trăn trở và kịp thời đề ra những chủ trương, quyết sách phù hợp, giải pháp hiệu quả.
Trong năm qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống cho người có công với cách mạng; đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” nhằm huy động mọi nguồn lực từ cộng đồng chăm sóc và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công; tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, chế độ đối với người có công với cách mạng. Hiện nay, toàn tỉnh đang chi trả trợ cấp hàng tháng cho 6.118 đối tượng với tổng số tiền hơn 13 tỷ đồng. Trong năm, tỉnh đã thực hiện xây dựng, sửa chữa 78 nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách. Đặc biệt, tỉnh đã hoàn thành mục tiêu đến cuối năm 2023 không còn hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng.
Công tác giảm nghèo bền vững được chỉ đạo và triển khai đồng bộ, hiệu quả theo hướng ưu tiên địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó đặc biệt quan tâm đến 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Cụ thể, tỉnh phân bổ nguồn lực thực hiện Đề án tổng thể giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2025 của 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh dự kiến hơn 845,7 tỷ đồng cho các dự án đầu tư theo đề án (huyện Khánh Sơn hơn 517,1 tỷ đồng và huyện Khánh Vĩnh hơn 328,6 tỷ đồng); đối với nguồn vốn sự nghiệp dự kiến bố trí hơn 597,9 tỷ đồng để thực hiện đề án.
Công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo cũng được tỉnh quan tâm thực hiện. Năm 2023, tỉnh hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà cho 1.163 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh với tổng kinh phí 26 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Kết quả rà soát năm 2023, trên địa bàn tỉnh số hộ nghèo còn 7.298 hộ (giảm 3.528 hộ); tỷ lệ hộ nghèo 2,11%, mức giảm 1,09%. Số hộ cận nghèo còn 12.657 hộ (giảm 3.821 hộ); tỷ lệ hộ cận nghèo 3,66%, mức giảm 1,21%. Mức giảm tỷ lệ nghèo đa chiều 2,3%.
Kết quả trên không chỉ phát huy sức mạnh đại đoàn kết, tinh thần “Tương thân tương ái”, khơi dậy nguồn nội lực để chăm lo cuộc sống người dân mà còn tạo sức lan tỏa, huy động sự đồng hành của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh thực hiện công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
- Năm 2024 có ý nghĩa quan trọng, hầu như sẽ quyết định phần lớn việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Theo ông, Khánh Hòa cần có những giải pháp đột phá nào để các chỉ tiêu đạt kết quả tốt nhất, tạo đà cho địa phương phát triển bền vững, thực hiện thêm bước thành công mới trong mục tiêu Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị đặt ra?
- Trong năm 2024, tỉnh đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá cần tập trung thực hiện nhằm hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của năm, tạo đà thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị. Đó là, tổ chức triển khai có hiệu quả các quy hoạch sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt, gồm: Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040; Đồ án Quy hoạch đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045 và Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Cùng với đó, hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền thông qua các quy hoạch đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch vùng huyện trong quý II/2024. Đồng thời, tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển đô thị tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nhiệm vụ tổng thể xây dựng Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và Phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2035, bảo đảm mục tiêu, lộ trình theo quy định của Trung ương và phù hợp với mục tiêu phát triển của tỉnh.
Tỉnh cũng tập trung triển khai, cụ thể hóa các nội dung ký kết tại Bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh với các nhà đầu tư tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023; đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư chiến lược để tận dụng tối đa cơ chế, chính sách theo Nghị quyết số 55 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa; tích cực mời gọi các nhà đầu tư thứ cấp vào lấp đầy các khu, cụm công nghiệp hiện có và đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, ưu tiên đầu tư các công trình, dự án trọng điểm, liên vùng, có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; tích cực phối hợp với Trung ương để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh; khẩn trương đẩy nhanh hoàn thành thủ tục đầu tư để khởi công các dự án mang tính chất liên vùng, có tính lan tỏa tạo động lực phát triển…
Ngoài ra, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; tập trung thu hút đầu tư và phát triển mạnh các ngành công nghiệp xanh, sạch, sử dụng công nghệ cao; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tăng cường liên kết theo chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới; triển khai hiệu quả Đề án thí điểm nuôi biển công nghệ cao, Đề án thành lập Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cùng với đó, chú trọng đào tạo, thu hút, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong toàn tỉnh; tổ chức hiệu quả Diễn đàn chính sách địa phương năm 2024, tập trung vào các chủ đề: “Phát triển du lịch”, “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực”, “Chuyển đổi số” và “Chuyển đổi xanh”; triển khai đồng bộ các giải pháp để tiếp tục nâng cao kết quả xếp hạng các chỉ số liên quan đến cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
P.V (Thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin