19:29, 12/02/2024

Phong vị giai phẩm xuân

GIANG ĐÌNH

Mỗi dịp Tết đến, bên cạnh “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, bánh chưng xanh”, người Việt Nam còn có thêm món ăn tinh thần không thể thiếu chính là những tờ báo xuân. Với nhiều người, báo xuân là sự hội tụ tinh hoa, nét đẹp văn hóa và hàm chứa những cảm xúc riêng tư.

Không gian trưng bày “Xuân xưa trên báo Tết 1865-2000” tại Hội báo toàn quốc năm 2023.
Không gian trưng bày “Xuân xưa trên báo Tết 1865 - 2000” tại Hội báo toàn quốc năm 2023.

1. Thuở còn bé, một lần tình cờ được đọc tờ báo xuân của người thân mang từ Thủ đô Hà Nội về, tôi đã bị thu hút ngay lập tức. Vào đầu những năm 90, được cầm trên tay tờ báo xuân in bằng giấy couche bóng bẩy, hình ảnh, màu sắc đẹp mắt, nội dung phong phú, hấp dẫn… đối với một đứa trẻ nhà quê như tôi thực sự là món quà xa xỉ. Tôi đã đọc đi, đọc lại những bài báo xuân kể chuyện đông tây kim cổ, những bài thơ, mẩu chuyện được in trên đó bằng niềm say mê, hãnh diện trước ánh mắt thèm thuồng của đám bạn quanh xóm. Suốt mấy ngày Tết, tôi cứ giữ tờ báo xuân bên mình như một vật báu. Để rồi qua Tết, những đứa bạn trong xóm mới được tôi cho mượn để đọc với điều kiện “xem nhớ giữ cẩn thận, không được làm rách”. Khi đứa bạn cuối cùng đọc xong, tờ báo xuân lại được xếp đặt cẩn thận ở góc học tập để chuẩn bị cho một vai trò mới. Suốt mấy tháng nằm im trên giá sách, đến lúc gần bước vào năm học mới, tờ báo xuân được lấy xuống để mẹ tôi cẩn thận rọc lấy từng tờ dùng bọc bìa vở cho anh em tôi. Một số tờ không được dùng đến, tôi lại chọn những bức ảnh đẹp trong đó và cắt dán cẩn thận trên tường nhà. Sau lần đó, mỗi dịp Tết đến, bên cạnh niềm háo hức chờ đợi được sắm quần áo mới, được người lớn mừng tuổi, được ăn bánh kẹo…, tôi còn chờ được cầm tờ báo xuân. Nhưng thời bấy giờ, ước mong đó của đứa trẻ quê như tôi không dễ đạt được.

 
 
Những bìa báo Xuân được trưng bày tại không gian “Xuân xưa trên báo Tết 1865-2000”.
Những bìa báo Xuân được trưng bày tại không gian “Xuân xưa trên báo Tết 1865-2000”.
 
Những bìa báo Xuân được trưng bày tại không gian “Xuân xưa trên báo Tết 1865-2000”.
Những bìa báo xuân được trưng bày tại không gian “Xuân xưa trên báo Tết 1865 - 2000”.

2. Năm 1918, lịch sử báo chí Việt Nam ghi nhận sự ra đời tờ báo xuân đầu tiên là tờ Nam Phong tạp chí. Sở dĩ xem đây là tờ báo xuân đầu tiên không chỉ bởi được phát hành đúng vào dịp Tết, mà quan trọng hơn là cả hình thức, nội dung, cách trình bày của tờ tạp chí này đều dẫn dắt độc giả đến với những nét đặc trưng trong văn hóa Tết Việt. Chính vì lẽ đó, nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển đã ưu ái cho rằng: “Nam Phong cả thảy hai trăm mười một cuốn, vì Tết 1918, có cho ra một tập riêng, toàn văn thơ giá trị và nếu không lầm, tập ấy là thủy tổ các số báo xuân, báo tân niên, báo đặc biệt vậy”. Tờ Nam Phong tạp chí đã tạo nên trào lưu ra báo xuân hàng năm của báo chí Việt Nam. Xuyên suốt hơn 105 năm qua, báo xuân đã phát triển muôn màu, muôn sắc và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Việt Nam. Qua những tờ báo xuân, độc giả thấy được toàn bộ đời sống chính trị, kinh tế, xã hội đương thời; những phong tục tập quán độc đáo ở muôn phương; tâm tư nguyện vọng của người dân trong nước và thế giới. Đối với những người làm báo Việt Nam, mỗi mùa báo xuân là dịp để nhìn nhận lại tài năng, tâm huyết của những người tạo nên từng ấn phẩm Tết. Thật hiếm có báo chí nước nào mà những tờ báo xuân lại nhận được nhiều sự quan tâm, chăm chút như ở nước ta, từ tâm huyết của người viết, sự trau chuốt của người biên tập, đến dụng công thể hiện của họa sĩ, kỹ thuật viên trình bày...  

3. Có dịp đến với Hội báo toàn quốc năm 2023, chúng tôi thực sự bị lôi cuốn bởi không gian trưng bày “Xuân xưa trên báo Tết 1865 - 2000”. Ở đây, chúng tôi được tiếp xúc với gần 200 bìa báo tiêu biểu trong bộ sưu tập báo xuân của Bảo tàng Báo chí Việt Nam, trong đó có những bìa báo ấn tượng của Nam Phong tạp chí, Trung Hòa nhật báo, Ngày nay, Dân chúng, Sự thật, Nhân dân, Quân đội nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Cờ Giải phóng, Lao Động, Việt Nam Độc lập… Quả thực, qua những tờ báo xuân, phong vị của Tết xưa, Tết nay hiển hiện rõ nét với nhiều điểm nhấn. Báo xuân không chỉ “ôn cố” mà còn “tri tân”, ngoài tổng kết những chuyện đã qua, còn mang tới những niềm tin, những câu chuyện hấp dẫn, phong tục, tập quán độc đáo...

Độc giả xem báo Xuân được giới thiệu tại Hội báo Xuân tỉnh Khánh Hòa năm 2023.
Độc giả xem báo xuân được giới thiệu tại Hội báo xuân tỉnh Khánh Hòa năm 2023.

Từ nhiều năm qua, mỗi dịp Tết đến, các địa phương trong nước lại náo nức tổ chức hội báo xuân. Nơi đây tụ hội hàng trăm đầu báo xuân của các cơ quan báo chí trong cả nước. Những tờ báo vừa được xuất bản, còn thơm mùi giấy mới được sắp xếp, trưng bày đẹp mắt để độc giả dễ dàng tìm đọc. Tại tỉnh Khánh Hòa, hội báo xuân hàng năm đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa đầy ý nghĩa đối với những người làm báo và công chúng báo chí. Đặc biệt, sau những ngày trưng bày để công chúng thưởng lãm, đón đọc, những tờ báo xuân lại theo những chuyến tàu vượt sóng Biển Đông để đến với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ở quần đảo Trường Sa. Chúng tôi cũng đã được chứng kiến hình ảnh những người lữ khách trên đường về quê ăn Tết đã tranh thủ đọc báo xuân trong lúc đón xe, chờ tàu; nhiều gia đình khi đi sắm Tết không quên mua những tờ báo xuân về đọc hoặc làm vật trang trí trong nhà cùng với tranh ảnh, câu đối, hoa cây cảnh…

Phong vị báo xuân cứ nhẹ nhàng lan tỏa nhưng bền chặt trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt Nam.

GIANG ĐÌNH