08:45, 13/02/2024

Nữ bếp trưởng mang tâm hồn nhà giáo

GIANG ĐÌNH

Từng nhiều năm công tác trong ngành Giáo dục, nhưng vì biến cố của bản thân nên chuyên gia ẩm thực Hoàng Thị Ánh Tuyết - Giám đốc Công ty TNHH Horex (TP. Nha Trang) rẽ sang nghề bếp với tất cả niềm đam mê, yêu thích. Suốt 35 năm qua, bà không ngừng phát triển sự nghiệp của riêng mình với nhiều thành tựu xuất sắc, đồng thời đào tạo, truyền nghề cho nhiều người khác bằng tâm huyết; trách nhiệm của một nhà giáo.

Nghệ nhân ẩm thực Hoàng Thị Ánh Tuyết.
Chuyên gia ẩm thực Hoàng Thị Ánh Tuyết.

Nhiệt huyết truyền nghề

Chiều cuối năm, trong gian bếp của Công ty TNHH Horex (số 16 Tháp Bà), chúng tôi gặp chuyên gia ẩm thực Ánh Tuyết đang hướng dẫn cho các học viên kỹ thuật bắt bông kem. Từ các dụng cụ đơn giản, với những phần kem được chế biến sẵn, mỗi học viên chăm chú theo dõi và tỉ mỉ thực hành cách tạo hoa văn, họa tiết đẹp mắt để trang trí cho mỗi chiếc bánh. Trò chuyện với chúng tôi, bạn Ông Thị Kim Uyên cho biết: “Tôi ở tỉnh Bình Dương và từng học nghề bếp tại Singapore. Sau khi biết và tìm hiểu về cô Ánh Tuyết, tôi đã đăng ký để được cô truyền nghề. Nghề bếp hiện có nhiều người, nhiều cơ sở dạy, nhưng để tìm được một người truyền nghề tâm huyết, tình cảm như cô Ánh Tuyết là điều không dễ. Tôi không chỉ được học những kỹ thuật, kinh nghiệm quý giá trong nghề bếp, mà còn học được thái độ, cảm xúc của người đầu bếp khi thực hiện những món ăn”.

Nghệ nhân ẩm thực Hoàng Thị Ánh Tuyết đang thực hành kỹ thuật làm bánh.    
Chuyên gia ẩm thực Hoàng Thị Ánh Tuyết thực hành kỹ thuật làm bánh.    

Trước năm 1990, chuyên gia ẩm thực Ánh Tuyết đã có nhiều năm công tác trong ngành Giáo dục ở Cam Ranh và từng làm hiệu phó của một trường mầm non. Nhưng không may, bà gặp phải một căn bệnh quái ác, phải mất nhiều thời gian, tiền bạc để chạy chữa. Trong những tháng ngày đi điều trị ở TP. Hồ Chí Minh, bà đã tìm đến công việc phục vụ ở một tiệm bánh và theo học nghề làm bánh. Nỗi đau về thể chất, sự thiếu thốn về tiền bạc đã khiến bà nhiều lúc cảm thấy gục ngã, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, bà đã vượt qua nghịch cảnh. Đến năm 1991, bệnh tình dần thuyên giảm, tay nghề làm bánh của bà cũng đạt thành công bước đầu. Trở về Nha Trang, bà xin vào làm ở bếp bánh của một khách sạn lớn và từ đó tiếp tục tìm hiểu, học hỏi nghề chế biến các món ăn Việt Nam, món Á, món Âu… “Tôi vốn dĩ là một nhà giáo, đến với nghề bếp trong hoàn cảnh khó khăn nhất của bản thân. Vậy nên, tôi hiểu và đồng cảm với tâm tư, nguyện vọng của những học viên đến với mình. Từ đó, tôi cố gắng đưa tới cho họ không chỉ những kiến thức, kỹ năng, trách nhiệm nghề nghiệp mà còn giúp mỗi người tìm thấy được hướng phát triển của bản thân. Trong những lớp học nghề bếp của tôi, có nhiều học viên điều kiện kinh tế khó khăn đã được hỗ trợ học phí, tạo điều kiện tìm việc làm hoặc mở quán ăn sau khi học xong. Điều tôi mong muốn ở những học viên của mình chính là sự tự tin, niềm yêu thích với công việc làm nên những món ăn ngon phục vụ mọi người”, bà chia sẻ.   

Giới thiệu hương vị ẩm thực Việt

Xuất phát từ nghề làm bánh, thành danh với những món ăn của các nước châu Á, châu Âu, nhưng chuyên gia ẩm thực Ánh Tuyết luôn canh cánh với khát vọng quảng bá hương vị của ẩm thực Việt Nam, góp phần nâng tầm mỗi món ăn của dân tộc. Suốt mấy chục năm qua, bà đã tìm tòi, sáng tạo ra nhiều cách thức chế biến các món ăn thuần Việt. Chẳng hạn, với món chả giò, bà đã sử dụng nhân hải sản sốt mayonnaise và chế biến để khi chiên lên có được lớp vỏ bánh giòn tan, nhưng phần sốt bên trong không bị chảy. Hay để đưa những nguyên liệu có hương vị khá nặng mùi như mắm tôm vào cho thực khách sử dụng trong phòng ăn 5 sao, bà đã tìm ra cách riêng để khách Tây vẫn có thể thưởng thức được những món ăn với các loại nước chấm đó mà không bị ám ảnh bởi mùi vị của nó. “Từ khi bước vào nghề bếp, tôi đã nhận thấy thế giới ẩm thực Việt Nam thật phong phú, đa dạng và rất ngon - lành, nhưng tên tuổi, thương hiệu của những món ăn Việt vẫn chưa nổi trội trên bản đồ ẩm thực thế giới. Điều này khiến bản thân tôi và những người tâm huyết với ẩm thực Việt luôn trăn trở, suy nghĩ cách để đưa món ăn Việt đến gần hơn với thực khách quốc tế”, bà tâm sự.

Chuyên gia ẩm thực Ánh Tuyết chia sẻ về cách thức chế biến món ăn Việt Nam.
Chuyên gia ẩm thực Hoàng Thị Ánh Tuyết chia sẻ về cách thức chế biến món ăn Việt Nam.

Trong sự nghiệp ẩm thực của mình, chuyên gia Ánh Tuyết đã giữ các vị trí bếp trưởng, bếp trưởng điều hành tại các nhà hàng, khách sạn, resort 5 sao ở TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội và Nha Trang, như: Saigon Omni, Saigon Le Caprice Restauran, Norfolk Hotel Saigon, Café Bistro Hà Nội, Paris Café Saigon, Wonder Park Nha Trang, Diamond Bay Resort Nha Trang… Bà cũng từng giữ vai trò bếp trưởng trong các sự kiện quốc tế diễn ra ở Nha Trang, như: Hoa hậu Hoàn vũ thế giới năm 2008; Hoa hậu Trái đất năm 2011. Bà cũng đạt kỷ lục Guinness khi tham dự cuộc thi ẩm thực lớn nhất thế giới diễn ra tại Malaysia; đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự lễ hội ẩm thực thế giới lần thứ 4 diễn ra tại Hội An vào năm 2019 và đạt giải món ăn có hương vị tốt nhất; chứng nhận của tổ chức Guinness cho giám khảo cuộc thi nấu ăn lớn nhất thế giới năm 2023. Bà hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Đầu bếp thế giới tại Việt Nam; chuyên gia ẩm thực cho nhiều nhà hàng, khách sạn, khu ẩm thực lớn trong nước. “Ở những nơi tôi đã làm việc, sự kiện tôi tham gia và cả các lớp học nghề bếp, tôi luôn cố gắng giới thiệu, quảng bá những món ăn Việt Nam đến thực khách quốc tế. Với vai trò thành viên Ban Chấp hành Hiệp hội Văn hóa ẩm thực tỉnh, tôi rất vui, tự hào khi được giới thiệu nhiều món ăn của địa phương đến bạn bè quốc tế”, nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết chia sẻ.

Ở tuổi 64, chuyên gia ẩm thực Ánh Tuyết vẫn giữ nguyên “lửa nghề” để trao truyền lại cho các bạn trẻ. Để từ mỗi gian bếp sẽ lan tỏa được nét đẹp, tinh hoa ẩm thực đến bạn bè gần xa.

GIANG ĐÌNH