Nhân dịp đón xuân Giáp Thìn 2024, ông Tạ Hồng Quang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa về những thành tích đạt được trong năm 2023 và định hướng nhiệm vụ năm 2024.
Ông Tạ Hồng Quang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. |
- Xin ông cho biết đôi nét về thành tích nổi bật trong tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội của đơn vị đã đạt được trong năm qua?
- Năm 2023, sở cùng các địa phương đã triển khai mạnh mẽ, quyết liệt các giải pháp tạo việc làm tăng thêm cho người lao động. Qua đó, đã tạo việc làm tăng thêm cho 18.046 người, đạt 157% kế hoạch, đưa 324 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đạt 324% kế hoạch, trong đó thị trường Nhật Bản là 257 người. Cùng với đó, sở chỉ đạo các đơn vị trực thuộc mở 120 phiên giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến, kết nối, tư vấn việc làm cho 18.790 lượt lao động; thu thập thông tin thị trường lao động, cung - cầu lao động của 2.172 lượt doanh nghiệp và 13.826 lượt lao động; thực hiện giải quyết thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp trực tiếp cho 7.618 hồ sơ, giải quyết trên Cổng Dịch vụ công quốc gia 3.810 hồ sơ. Công tác an toàn, vệ sinh lao động, quản lý lao động người nước ngoài được thực hiện đảm bảo. Sở đã chủ động phối hợp tổ chức 11 hội nghị đối thoại với người sử dụng lao động, người lao động để kịp thời tiếp nhận, giải đáp, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong thực hiện pháp luật về lao động.
Bên cạnh đó, sở đã triển khai mạnh mẽ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Trong đó, tham mưu phân bổ 166,458 tỷ đồng vốn Trung ương và 22,289 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương đầu tư 20 công trình phục vụ phát triển sản xuất, tạo sự đột phá, nâng cao mức sống cho người dân huyện Khánh Sơn, huyện Khánh Vĩnh và xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh); phối hợp tham mưu phân bổ 26 tỷ đồng triển khai hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và phân bổ 7,41 tỷ đồng thực hiện các dự án còn lại của chương trình. Qua đó, góp phần giảm được 3.528 hộ nghèo và 3.821 hộ cận nghèo, mức giảm tỷ lệ nghèo đa chiều đạt 2,3% và đạt 205,28% kế hoạch đề ra; Riêng tỷ lệ hộ nghèo huyện Khánh Sơn còn 31,68% với mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 8,97%, tỷ lệ hộ nghèo huyện Khánh Vĩnh còn 25,51% với mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 13,65%. Sở cùng các địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, chế độ đối với người có công với cách mạng. Hàng tháng, thực hiện chi trả trợ cấp cho 6.118 người có công với số tiền hơn 13 tỷ đồng. Sở kịp thời tham mưu cho tỉnh thực hiện điều chỉnh, nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định. Ngoài ra, công tác trẻ em, bình đẳng giới, phòng, chống tệ nạn xã hội được triển khai quyết liệt, đạt nhiều thành tích nổi bật.
- Công tác giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm đã đạt được những kết quả gì, thưa ông?
- Sở kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh; tham mưu UBND tỉnh trình Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trên cơ sở đó, toàn ngành đã ra sức triển khai các giải pháp trong giáo dục nghề nghiệp gắn với việc làm. Nhờ đó, năm qua, toàn tỉnh thực hiện tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp các cấp trình độ cho 30.059 người, đạt 100,2% kế hoạch, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 83%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 29,4%.
Lãnh đạo Cục Việc làm và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra công tác tư vấn, giải quyết việc làm cho người lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. |
Sở còn triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề cho 788 lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ đào tạo cho 553 thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an và 45 lao động là người khuyết tật. Đặc biệt, triển khai các chương trình, dự án, đề án trên lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, sở đã hỗ trợ đào tạo nghề cho 1.631 lao động là người dân tộc thiểu số, thuộc hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường liên kết với 342 doanh nghiệp trong hoạt động nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn kết đào tạo với nhu cầu xã hội và doanh nghiệp.
- Dự báo năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức. Vậy, đơn vị sẽ tập trung triển khai những nhiệm vụ, giải pháp nào để duy trì việc làm, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương, thưa ông?
- Sở sẽ cụ thể hóa triển khai tốt các nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, trong đó tham mưu thực hiện Nghị quyết số 06 ngày 10-1-2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập quốc tế; chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo thực thi pháp luật, chính sách thuộc lĩnh vực ngành; nghiên cứu tham mưu đề xuất xây dựng các chương trình, đề án, chính sách trên các lĩnh vực của ngành; đề xuất giải pháp tăng số lượng lao động đi làm việc tại Nhật Bản. Đồng thời, tiếp tục đổi mới, cải tiến phương pháp chỉ đạo, điều hành, phương thức, lề lối làm việc để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Trong đó, tập trung thực hiện hiệu quả Đề án “Giải quyết lao động, việc làm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030”; tăng cường thu thập, lưu trữ và tổng hợp thông tin thị trường lao động năm 2024 theo quy định. Đồng thời, triển khai tích cực các tiểu dự án “Hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” và “Hỗ trợ việc làm bền vững” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; quản lý chặt chẽ lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh; tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về lao động.
Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả các giải pháp trong giáo dục nghề nghiệp gắn với việc làm bền vững; chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao. Đồng thời, tăng cường chuyển đổi số, sắp xếp hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; mở rộng hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động trong doanh nghiệp, bộ đội xuất ngũ, lao động là người khuyết tật. Cùng với đó, triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho người có công, đối tượng bảo trợ xã hội. Đặc biệt cụ thể hóa Nghị quyết số 42 ngày 24-11-2023 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới trên địa bàn tỉnh...
- Xin cảm ơn ông!
V.G (Thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin