02:08, 13/02/2024

Hương thời gian

Tùy bút của PHONG NGUYÊN

Ngày tới, nương sương sớm.

Đêm tàn, theo trăng tan.

Mỗi sớm mai thức dậy, nhiều người soi gương, nhưng nào thấy dấu vết tháng năm trên làn mi, khóe mắt. Đến khi, người quen lâu ngày gặp lại, nhìn ta mà thảng thốt trước vô số những dấu chân chim. Thời gian cho ta thật nhiều. Nhưng nó cũng lạnh lùng lấy đi của ta thật nhiều. Tuổi trẻ, sức khỏe, sắc đẹp… theo thời gian mà tròn đầy, viên mãn; nhưng cũng theo thời gian mà ốm yếu, hư hao. Có ai đó nửa đùa, nửa thật mà rằng, khi đang hạnh phúc trong tình yêu, người ta thấy thời gian trôi mau, cho nên nói tình yêu làm cho thời gian trôi mau. Mà ít có người thấy rằng, chính thời gian làm cho tình yêu mau qua.

Mấy đứa trẻ lăng xăng trước ngõ, cười vỡ tiếng pha lê trong trẻo.

Vài thiếu nữ tha thướt trong sân, hát ầu ơ tha thiết xuân tình.

Đẹp quá! Những mái đầu xanh. Và những giấc mơ xanh. Người xưa gọi thanh xuân là khoảng thời gian vui vẻ nhất, nhiều năng lượng nhất trong đời người. Ấy là lúc người ta thỏa sức cháy hết mình, với những niềm đam mê, khát khao khám phá, chinh phục. Và, thanh xuân luôn là ký ức không thể xóa nhòa trong tâm trí mỗi người. Sợ rằng những khoảnh khắc ấy trôi đi, người ta thường ghi nhật ký, như một cách lưu giữ, níu kéo kỷ niệm, dẫu có sướng, có khổ, có buồn, có vui. Tuổi trời đi qua, hoài niệm chất chồng. Em đi qua, luyến thương để lại. Thời gian là thước đo sự bền chắc của tình yêu, cũng là liều thuốc tiên chữa lành những vết thương phiền muộn.

Sáng nay nắng lên trong. Tôi cùng bạn ra đảo. Ở đó là một vùng non nước hữu tình. Lần này, bạn không mang theo đàn guitar như những lần trước. Ông bảo: “Trước giờ mình hát cho cây cỏ, lá hoa. Giờ mình ngồi nghe, phải nghe những gì đang có ở xung quanh”. Ông tắt máy điện thoại, rồi ngồi im, dặn đừng gọi. Hóa ra, ông muốn trải nghiệm cảm xúc Ngư nhàn của Không Lộ thiền sư:

Ngư ông thụy trước vô nhân hoán

Quá ngọ tỉnh lai tuyết mãn thuyền

Tạm dịch:

Ngư ông ngủ say không ai gọi

Quá trưa tỉnh dậy tuyết đầy thuyền

Quả là nhàn, nhàn không thể tưởng. Không gian mênh mang. Thời gian bàng bạc. Ngư ông quên hết thảy mà an nhiên, tự tại, với giấc ngủ sâu, dài trong sự hòa nhập cùng không gian rộng lớn và đi qua thời gian. Quên mình, quên thời gian, rồi dường như ngư ông hốt nhiên trở về với bản thể giác ngộ, khi con thuyền đã đầy tuyết tự lúc nào.

Bạn tôi lại mở nguồn điện thoại. Bởi ông còn nặng nợ trần ai, không dám tắt điện thoại lâu. Ngư ông say ngủ, phiêu lãng trong một miền sương khói hoang vu, không ai đánh thức. Còn ông, người ta réo tên liên tục, suốt ngày. Nói cách khác, bạn tôi chưa thể chân như trước mọi ô tạp, ầm ĩ của cuộc sống để nhận ra và cảm thụ cái toàn chân, toàn giác vốn đầy khắp không gian và thời gian. Mà không chỉ có bạn tôi. Bây giờ có quá nhiều người lệ thuộc vào điện thoại. Nhiều khi một gia đình vào quán ăn, mỗi người một điện thoại, mạnh ai nấy lướt, không ai nói với ai câu nào. Đến khi thức ăn dọn ra, tay gắp mà mắt vẫn không rời điện thoại.

Tôi tuổi Thìn, Giáp Thìn. Tết này cũng là Giáp Thìn.

Người xưa nói, như vậy, tôi vừa đi trọn một vòng lục thập hoa giáp. Lục thập hoa giáp là thuật ngữ chỉ chu kỳ vận hành của các con giáp trong vòng tuần hoàn, bao gồm sự kết hợp sáu chu kỳ hàng Can và năm chu kỳ hàng Chi, hình thành nên hệ sáu mươi. Sáu mươi năm, trở lại Giáp Thìn. Tôi vẫn gọi nôm na, ấy là sáu mươi mùa hoa nở. Có phải từ câu chuyện hệ sáu mươi này không mà nhạc sĩ Y Vân có bài hát Sáu mươi năm cuộc đời. Ông cứ nhắc đi, nhắc lại: Em ơi, có bao nhiêu sáu mươi năm cuộc đời. Và, như thể chứng minh, cuộc đời ông cũng có đúng sáu mươi năm.

Vậy là, từ Giáp Thìn này, tôi bắt đầu một chu kỳ mới. Nhiều khi lòng tự hỏi, như vậy tôi có phải chuẩn bị gì không, như ngày xưa, mẹ đã chuẩn bị cho tôi thật chu đáo ngay từ những ngày tháng đầu tiên. Nói vậy, nhưng tôi đang có một khối hành trang khổng lồ là tất cả những gì lượm lặt được trong suốt sáu mươi mùa hoa nở. Để mang theo, bước tiếp.

Vậy đó, đã sáu mươi năm. Bao nhiêu hình ảnh ghi dấu trong ký ức tôi như những thước phim quay chậm. Những thước phim như hạt ngọc trời, nuôi tôi hàng ngày. Nhiều khi, phim chiếu lại hình ảnh tôi đi trên bờ ruộng nhỏ, giữa làn sóng lúa miên man thì con gái; hoặc là những buổi trưa hè ươm mình trên bãi cát sông dịu mát. Cũng có khi phim chiếu lại cảnh tôi chạy sấp mặt trên đường cho kịp thời gian một công việc nào đó; hoặc tôi trầy trật, cố bấu víu vào một niềm tin màu nhiệm khi tâm hồn bị tổn thương. Nhạc sĩ Y Vân rất có lý, khi bảo rằng đời sống không là bao, cho nên sống mình yêu nhau, để có được những thước phim đẹp.

Thời gian trong những thước phim của tôi được đo bằng nhiều chiều kích khác nhau. Tôi gọi đó là nhịp điệu của đời sống, khi dịu dàng, khoan thai; lúc dữ dội, dồn dập. Hoài niệm, đôi khi, chỉ là một khoảnh khắc, nhưng cũng là mãi mãi. Đã hơn bốn mươi năm, tôi về thăm trường cũ. Khung cảnh khác nhiều. Cũng không còn ai quen biết. Và, tôi nghiệm ra rằng, chính tôi cũng đã khác đi rất nhiều. Tôi bây giờ không phải là tôi của những ngày mơ mộng cùng ai rong chơi phiêu lãng trong những trưa áo trắng. Bây giờ, tóc đã phai màu. Gạo tiền, cơm áo. Nhiều lúc mệt nhoài, tôi lại trở về quê ngoại. Để làm gì ư? Không làm gì cả! Chỉ ngồi yên, nhìn dòng sông lặng lẽ. Sông ơi, trôi về đâu mà đêm ngày mải miết?

Khi còn nhỏ, nhà không có xe đạp, tôi đi bộ tới năm, sáu cây số để đến trường, mà toàn đi trên cát lún, nóng bỏng chân; hoặc những tối mưa dầm, con ễnh ương kêu nghe lạnh sống lưng. Bây giờ về quê cũ, trên đường nhựa phẳng phiu, chân nhấn ga cho ô tô lướt đi mà lòng nghe xao xuyến lạ. Hoặc như hồi nhỏ, nhà chỉ có chiếc radio cũ kỹ, nghe lúc được lúc không, nhiều khi phải vỗ vỗ vào nó. Bây giờ dùng ti vi đời mới, không phải bấm chọn kênh, mình nói sao nó làm vậy, như một người phục vụ tận tụy và chính xác. Con trai tôi chẳng thể nào có được những cảm xúc ấy. Bởi bạn không được trải nghiệm hai trạng huống cảm nhận khác nhau, ở hai hoàn cảnh khác nhau.

Thế hệ bố tôi chỉ thấy được cảnh bình yên của xóm thôn, hít thở không khí trong lành, không có khói xe, nhưng không cảm nhận được sự vi tế của khoa học, của trí tuệ AI. Thế hệ của con tôi thì ngược lại, chỉ thấy sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật mà không hình dung được những bức tranh thủy mặc của làng quê yên bình trong tiếng gà trưa man mác. Nói cách khác, bố tôi không biết được cái ti vi đời mới nó hoạt động như thế nào. Còn con trai tôi thì chẳng thể hình dung ra vì sao có thể sử dụng được chiếc radio ọt ẹt ngày đó. Chỉ có những người tuổi tôi là trải nghiệm được hết cả hai. Cho nên, tôi mới nói thế hệ như tôi là dấu gạch nối của những đổi thay kỳ diệu trên quê hương mình. Ấy là dấu gạch nối mang số sáu mươi, rất đặc biệt.

Ngày tháng đi trên mái nhà, vẽ nên những vạt ngói rêu phong. Thời gian luồn qua mái tóc, nhuốm thành một làn mây trắng. Thời gian có thể tính bằng sát na, cũng có thể đo bằng thiên niên kỷ. Kinh Nhân Vương nói, một khảy móng tay có 60 sát na, một sát na có 900 lần sinh diệt. Vậy, nhẩm tính, vạn vật sinh diệt 54.000 lần trong một khảy móng tay. Tôi thích cách suy tư triết học về thời gian của nhạc sĩ, thi sĩ, họa sĩ Văn Cao trong bài thơ có nhan đề chính danh là Thời gian. Ông nhìn thời gian theo cách trực diện:

Thời gian qua kẽ tay 

Làm khô những chiếc lá

Thời gian là vô hình. Nhưng hậu quả sự tàn phá của nó là hữu hình. Thời gian, tự nó là vô hạn. Nhưng thời gian của một năm, của một cuộc đời con người là hữu hạn. Rất cụ thể, nhưng cũng rất trừu tượng, thời gian lướt trôi trên bản thể, cho lá xanh tàn úa, mà lìa cành.

Kỷ niệm trong tôi

Rơi

như tiếng sỏi

trong lòng giếng cạn

Hồi ức khô khốc. Không một dấu hiệu sinh sôi.

Vậy thì, những giá trị vĩnh hằng chỉ có thể là gì? Với Văn Cao, có những giá trị mà sự tàn phá của thời gian không thể xóa nhòa:

Riêng những câu thơ

còn xanh

Riêng những bài hát

còn xanh

Và đôi mắt em

như hai giếng nước.

Hồi ức đã thôi khô khốc. Trong dòng chảy thời gian, cái Đẹp luôn mãi tươi xanh, luôn mãi lung linh, như bóng tre hiền hòa, như cánh diều căng gió, và những lời yêu thương đằm thắm trong ca dao.

Không hiểu sao, giữa muôn vàn mùi hương của hoa thơm, cỏ lạ, tôi lại thích mùi hương bông bưởi. Hương bưởi dịu dàng, đằm thắm thoảng đưa trong lối nhỏ. Hương bưởi thắm thiết, nồng nàn trên làn tóc gái quê. Chiều nay, trên ngõ vắng, tôi đi giữa đôi hàng tre già. Có mấy chiếc lá vàng bay bay trong gió nhẹ. Bất giác, tôi nghe có mùi bông bưởi.

Hương bưởi ở đâu, ở vườn, hay trong ký ức tuổi thơ tôi?

                  Nha Trang, trước thềm xuân Giáp Thìn 2024

Tùy bút của PHONG NGUYÊN