16:07, 10/02/2024

Đón Tết trên biển

HẢI LĂNG

Những ngày cuối tháng Chạp, khi nhà nhà, người người đang sum vầy, tất bật đón Tết cổ truyền thì hàng nghìn ngư dân khắp các làng biển trong tỉnh lại lên thuyền vươn khơi. Trong chuyến biển “2 năm” này (đi Quý Mão 2023 - về Giáp Thìn 2024), ngư dân đón giao thừa, ăn Tết trên biển với hương vị khác biệt.

Rộn ràng chuẩn bị chuyến biển “2 năm”

Sắc xuân theo ngư dân vươn khơi  trong chuyến biển xuyên Tết Giáp Thìn 2024.
Sắc xuân theo ngư dân vươn khơi trong chuyến biển xuyên Tết Giáp Thìn 2024.

Tôi có hẹn với chủ tàu lưới rê KH 94177 TS, thuyền trưởng Văn Đức Tuấn (phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang) trước ngày tàu xuất bến. Khi tôi đến, gia đình ông Tuấn cùng gia đình các bạn tàu đang quây quần bên bữa cơm tất niên để hôm sau tàu rời bến ra ngư trường Trường Sa khai thác cá ngừ vằn. Câu chuyện trong bữa cơm tất niên không dứt với bao buồn vui của cả một năm bám biển đã ùa về trong mỗi người. Khi cánh đàn ông đang rôm rả chuyện trò thì những người vợ tranh thủ nấu nồi bánh chưng, bánh tét; gói ghém cẩn thận bánh, mứt, hạt dưa, hương đèn, mua thêm chậu hoa tươi… để đêm giao thừa tàu dừng, ngư dân cúng tạ ơn biển.

Mấy chục năm gắn bó với nghề biển, nhiều lần bám biển xuyên Tết, bao giờ chuyến biển “2 năm” cũng là chuyến đi đặc biệt với những ngư dân như ông Văn Đức Tuấn và 10 thuyền viên trên tàu KH 94177 TS. Ông Tuấn chia sẻ: “Đón Tết trên biển bao giờ cũng là thời khắc đặc biệt với ngư dân quanh năm bám biển. Vì vậy, trước lúc ra khơi, các gia đình cùng nhau ăn bữa cơm tất niên, hàn huyên chuyện biển giã cả năm qua để có thêm khí thế hăng hái đi đón “lộc biển” đầu năm Giáp Thìn 2024”. Theo cha đi biển từ khi 15 tuổi, đến nay đã hơn 30 năm gắn bó với nghề biển, làm chủ tàu, nắm vị trí thuyền trưởng, ông Tuấn thuộc nằm lòng các ngư trường, hiểu tập tính của con cá ngừ vằn mùa cuối năm âm lịch, cá quần tụ từng đàn nơi ngư trường Trường Sa. Do chuyến biển xuyên Tết bao giờ cũng có sản lượng, giá bán cao nên ông Tuấn cùng bạn tàu quyết định vươn khơi khai thác xuyên Tết với đầy ắp hy vọng tàu về cá nặng đầy khoang.

Trong các nhu yếu phẩm ngày Tết của ngư dân không thể thiếu bánh chưng, bánh tét mang hương vị của ngày xuân.
Trong các nhu yếu phẩm ngày Tết của ngư dân không thể thiếu bánh chưng, bánh tét mang hương vị của ngày xuân.

Cùng vươn khơi ra ngư trường Trường Sa dịp Tết này còn có gần 30 tàu câu cá ngừ đại dương của Nghiệp đoàn Nghề cá Phước Đồng (Nha Trang). Nghe tôi gọi điện thoại hỏi thăm chuyện bám biển xuyên Tết, ông Võ Ngọc Tùng - chủ tàu câu cá ngừ đại dương, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Phước Đồng mời tôi ghé cảng Hòn Rớ. Đến nơi, ông Tùng cùng bạn tàu đang đưa nhu yếu phẩm lên tàu để hôm sau tàu ra khơi. Chuyến biển này, ông Tùng sắp xếp lên tàu đầy đủ hương vị Tết để anh em bạn tàu cùng nhau đón giao thừa trên biển. “Năm nay, thời tiết khá thuận lợi. Chuyến biển vừa rồi, cá ngừ đại dương xuất hiện nhiều ở vùng biển Trường Sa. Do đó, chủ tàu và cả bạn tàu đều quyết tâm bám biển. Anh em trong nghiệp đoàn đều hy vọng chuyến biển này sẽ tiếp tục đạt sản lượng cao. Dự kiến, tàu sẽ trở về cập cảng vào khoảng ngày mùng 5 Tết. Khi đó, anh em sẽ đón Tết muộn cùng gia đình”, ông Tùng chia sẻ.

Ấm lòng người trên biển

Tàu cá của ngư dân Khánh Hòa vươn khơi bám biển xuyên Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Tàu cá của ngư dân Khánh Hòa vươn khơi bám biển xuyên Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Trở lại câu chuyện với ông Văn Đức Tuấn, ông chia sẻ với tôi rằng: “Tuy lênh đênh trên biển nhưng không khí đón Tết của ngư dân cũng không kém phần thú vị. Đêm giao thừa, hàng chục tàu xa bờ sẽ liên lạc với nhau về cùng một tọa độ để cùng đón giao thừa, nghe lời chúc Tết của Chủ tịch nước qua sóng radio. Sau khi cúng giao thừa, các anh em sẽ gọi điện thoại thăm hỏi, chúc mừng người thân ở đất liền qua kết nối thông tin từ ngư trường với đất liền trên sóng của Đài Thông tin Duyên hải Nha Trang”.

Thay mới cờ Tổ quốc trước khi vươn khơi.
Thay mới cờ Tổ quốc trước khi vươn khơi.

Mặc dù ăn Tết trên biển thiếu vắng người thân nhưng nơi họ đến là những ngư trường thân quen, như: Hoàng Sa - Trường Sa, thềm lục địa phía nam của Tổ quốc. Thời khắc giao thừa, ngoài khơi xa, các tàu cá của Khánh Hòa còn họp mặt với nhiều tàu các tỉnh bạn và bộ đội hải quân, kiểm ngư, cảnh sát biển cùng vui đón Tết với ngư dân. Một số tàu khai thác gần các đảo của quần đảo Trường Sa còn tranh thủ lên đảo thăm, chúc Tết, ăn Tết cùng cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo.

Chia sẻ với tôi khi tiễn các tàu cá ra khơi, ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản bày tỏ: “Vươn khơi khai thác hải sản xuyên Tết là truyền thống bao đời nay của ngư dân Khánh Hòa. Với ngư dân, biển là nhà, là nghiệp nuôi sống gia đình, nên năm nay có cả trăm tàu cá dong thuyền ra khơi đón “lộc biển” với hy vọng cả năm no ấm. Chính chuyến biển xuyên Tết, sự hiện diện của ngư dân trên khắp các ngư trường truyền thống đã góp phần cùng với các lực lượng canh giữ, bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc trong dịp Tết Nguyên đán”. Cũng theo chia sẻ của ông Chánh, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 này, nhiều phần quà ý nghĩa đã được các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trao tận tay ngư dân. Qua đó, đã tạo thêm không khí rộn ràng, phấn khởi cho các tàu cá vươn khơi, bám biển. Trong những ngày Tết, Trung tâm Giám sát tàu cá tại Chi cục Thủy sản bố trí trực 24/24 giờ để theo dõi hoạt động khai thác của toàn bộ tàu cá trên biển; duy trì thông tin liên lạc để kịp thời động viên ngư dân trong ngày đầu năm mới…

Đá lạnh được đưa xuống hầm để bảo quản hải sản khai thác trong chuyến biển xuyên Tết.
Đá lạnh được đưa xuống hầm để bảo quản hải sản khai thác trong chuyến biển xuyên Tết.

Sáng sớm, khi những tia nắng mai đã phủ hồng phía cửa biển, đoàn tàu đánh cá lại ra khơi chuyến biển “2 năm” trong tiếng loa phát đi của nhân viên cảng Hòn Rớ: “Chúc các tàu khai thác xa bờ bám biển xuyên Tết thuận buồm xuôi gió! Tàu về lưới nặng, cá đầy!...”. Rảo bước trên cầu cảng Hòn Rớ, lòng tôi rộn rã ngân lên đôi câu trong bài thơ Đời ngư dân của tác giả Dương Tuấn: “Biển bình minh rì rào gió lộng/Từng đoàn thuyền lướt sóng ra khơi/Lòng thầm khấn nguyện đất trời/Mong ngày biển lặng cá về đầy khoang…”. 

HẢI LĂNG