10:04, 07/04/2020

Từ ngày 20/5/2020: Doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có vốn pháp định 5 tỷ đồng trở lên

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 38/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định số 126/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo đó, từ  ngày 20/5/2020, doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc nước ngoài phải có vốn pháp định 5 tỷ đồng trở lên.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 38/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định số 126/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo đó, từ  ngày 20/5/2020, doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc nước ngoài phải có vốn pháp định 5 tỷ đồng trở lên.
 
Nghị định 38/2020/NĐ-CP quy định rõ điều kiện cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Theo đó, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (doanh nghiệp dịch vụ) là công ty TNHH, công ty cổ phần và công ty hợp danh được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, đáp ứng các điều kiện về vốn pháp định không thấp hơn 5 tỷ đồng; có chủ sở hữu, tất cả các thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước theo quy định của Luật Đầu tư.

 

 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp dịch vụ phải có đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Nội dung của đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và nước tiếp nhận lao động, được thực hiện theo Mẫu số 02 - Phụ lục II, ban hành kèm theo Nghị định này.
 
Doanh nghiệp phải có bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của doanh nghiệp dịch vụ.
 
Cơ sở vật chất để tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động thuộc sở hữu của doanh nghiệp dịch vụ, hoặc được doanh nghiệp dịch vụ thuê ổn định theo hợp đồng phù hợp với quy định của pháp luật và phải đáp ứng điều kiện tối thiểu có đủ phòng học và phòng ở cho 100 lao động tại một thời điểm; diện tích phòng học trung bình 1,4 m2/học viên và phòng ở trung bình 3,5 m2/học viên, có trang thiết bị cơ bản bảo đảm phục vụ học tập và sinh hoạt nội trú.
 
Doanh nghiệp dịch vụ lần đầu được cấp giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải thực hiện phương án tổ chức bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy phép.
 
Cũng theo Nghị định, doanh nghiệp thực hiện ký quỹ 1 tỷ Việt Nam đồng tại Ngân hàng thương mại được phép hoạt động tại Việt Nam. Tiền ký quỹ của doanh nghiệp dịch vụ được sử dụng theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 - Điều 22, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng.
 
Cũng liên quan đến việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa có Công điện 02/CĐ-LĐTBXH gửi các đơn vị trực thuộc và Sở LĐ-TB-XH các tỉnh, TP về tăng cường thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong đợt cao điểm.
 
Theo đó, Bộ LĐ-TB-XH yêu cầu Cục Quản lý lao động ngoài nước chỉ đạo các doanh nghiệp (DN) tạm dừng tổ chức xuất cảnh cho người lao động (NLĐ) đến hết ngày 30-4. Về các hình thức hỗ trợ cho NLĐ đang làm việc ở nước ngoài bị thôi việc, mất việc do ảnh hưởng của dịch bệnh, theo quy định, NLĐ sẽ được hoàn trả các khoản chi phí tiền môi giới, tiền dịch vụ và hỗ trợ từ nguồn kinh phí Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước.
 
Bộ LĐTBXH cũng chỉ đạo các Ban quản lý lao động ở nước ngoài thông tin tới người lao động đang làm việc ở nước ngoài bình tĩnh ở lại làm việc và tuân thủ qui định của nước sở tại về phòng chống dịch bệnh, không di chuyển, không đến địa bàn có dịch.
 
Theo An ninh Thủ đô