03:04, 01/04/2020

Những quy định có hiệu lực từ tháng 4-2020

Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô có hiệu lực từ ngày 1-4. Theo đó, ôtô kinh doanh vận tải hành khách, ôtô kinh doanh vận tải hàng hóa và xe trung chuyển phải lắp thiết bị giám sát hành trình

Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô có hiệu lực từ ngày 1-4. Theo đó, ôtô kinh doanh vận tải hành khách, ôtô kinh doanh vận tải hàng hóa và xe trung chuyển phải lắp thiết bị giám sát hành trình.
 
 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

 

Thời gian lưu trữ hình ảnh trên xe tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500 km và tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500 km.
 
Nghị định 10/2020/NĐ-CP cũng cho phép taxi và taxi công nghệ được lựa chọn gắn hộp đèn với chữ taxi hoặc dán logo phản quang, thay vì quy định cứng bắt buộc gắn hộp đèn trên nóc xe.
 
Đối với taxi sử dụng phần mềm để đặt xe, hủy chuyến, tính cước chuyến đi (sau đây gọi là phần mềm tính tiền), trên xe phải có thiết bị kết nối trực tiếp với hành khách để đặt xe, hủy chuyến; tiền cước chuyến đi được tính theo quãng đường xác định trên bản đồ số.
 
Phần mềm tính tiền phải bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử; giao diện dành cho hành khách phải có tên hoặc biểu trưng (logo) của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải và phải cung cấp cho hành khách trước khi thực hiện vận chuyển.
 
Nghị định 28/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15-4-2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thay thế Nghị định 95/2013/NĐ-CP và Nghị định 88/2015/NĐ-CP.
 
Theo đó, phạt tiền đối với người sử dụng lao động (NSDLĐ) trả lương không đúng hạn; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động (NLĐ) theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho NLĐ làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, công việc đòi hỏi đã qua đào tạo, học nghề theo quy định của pháp luật; trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan nhà nước về lao động cấp huyện; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc ban đêm, tiền lương ngừng việc cho NLĐ theo quy định của pháp luật; khấu trừ tiền lương của NLĐ không đúng quy định của pháp luật… Mức phạt từ 5 triệu đến 50 triệu đồng đối với NSDLĐ là cá nhân. Đối với NSDLĐ là tổ chức, mức phạt được nhân đôi.
 
Ngoài ra, Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền đối với NSDLĐ có hành vi làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) để trục lợi chế độ BHXH, BHTN mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với mỗi hồ sơ hưởng BHXH, BHTN làm giả, làm sai lệch nội dung. NLĐ cũng bị phạt tiền nếu kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa làm sai sự thật những nội dung có liên quan đến việc hưởng BHXH, BHTN mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; không thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định khi NLĐ có việc làm trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp...
 
Không được ghi nhận xét vào sơ yếu lý lịch là yêu cầu mới được quy định tại Thông tư 01/2020/TT-BTP của Bộ Tư pháp, có hiệu lực từ ngày 20-4. Cụ thể, người thực hiện chứng thực chữ ký trong tờ khai lý lịch cá nhân không được ghi bất cứ nhận xét nào vào tờ khai lý lịch cá nhân, mà chỉ được ghi lời chứng thực theo mẫu ban hành kèm theo Nghị định 23/2015/NĐ-CP.
 
Theo Người lao động