11:01, 11/01/2016

Hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ

Hộ gia đình sống tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn theo quy định của cấp có thẩm quyền trực tiếp chăn nuôi gia súc để thực hiện phối giống dịch vụ được hỗ trợ một phần kinh phí mua giống lợn, trâu, bò.

Hộ gia đình sống tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn theo quy định của cấp có thẩm quyền trực tiếp chăn nuôi gia súc để thực hiện phối giống dịch vụ được hỗ trợ một phần kinh phí mua giống lợn, trâu, bò.


Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư quy định về cơ chế tài chính thực hiện Quyết định 50/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020.


Đối tượng áp dụng gồm các hộ gia đình trực tiếp chăn nuôi lợn, trâu, bò, gia cầm (trừ các hộ chăn nuôi gia công cho doanh nghiệp); người làm dịch vụ phối giống nhân tạo gia súc.


Về hỗ trợ mua lợn, trâu, bò đực giống và gà, vịt giống bố mẹ hậu bị, Thông tư nêu rõ, hộ gia đình sống tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn theo quy định của cấp có thẩm quyền trực tiếp chăn nuôi gia súc để thực hiện phối giống dịch vụ được hỗ trợ một phần kinh phí mua giống lợn, trâu, bò.


Các chủ hộ chăn nuôi lợn đực giống, trâu đực giống, bò đực giống để phối giống dịch vụ; chăn nuôi gà giống, vịt giống bố mẹ hậu bị (gắn với ấp nở cung cấp con giống) đảm bảo đầy đủ các điều kiện hỗ trợ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 3 Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg đã mua con giống và có hóa đơn tài chính theo quy định thì được hỗ trợ một phần kinh phí đã mua con giống. Nội dung và mức hỗ trợ mua lợn, trâu, bò đực giống và gà vịt giống bố mẹ hậu bị thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg.


Kinh phí hỗ trợ mua lợn, trâu, bò đực giống và gà, vịt giống bố mẹ hậu bị theo quy định tại Thông tư này được thanh toán trực tiếp cho các hộ chăn nuôi sau khi đã mua con giống và có hóa đơn tài chính về mua con giống theo quy định. Mỗi hộ chăn nuôi chỉ được hỗ trợ 1 lần để mua: hoặc lợn đực giống, hoặc trâu đực giống, hoặc bò đực giống; hoặc gà giống, hoặc vịt giống.


Về hỗ trợ xây mới công trình xử lý chất thải chăn nuôi, căn cứ đơn đăng ký xây dựng công trình khí sinh học hoặc làm đệm lót sinh học của chủ hộ chăn nuôi có xác nhận của UBND cấp xã; xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc xây dựng mới công trình khí sinh học hoặc làm đệm lót sinh học đã áp dụng kỹ thuật xử lý chất thải đáp ứng quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đơn giá và định mức hỗ trợ do UBND cấp tỉnh quy định; định kỳ tháng hoặc quý, UBND cấp xã có trách nhiệm lập bảng tổng hợp số hộ chăn nuôi, loại công trình, số lượng công trình, giá trị công trình hoàn thành và kinh phí hỗ trợ theo quy định gửi cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện tổng hợp, thẩm định, trình UBND cùng cấp quyết định; đồng thời gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính thẩm định trình UBND cấp tỉnh phê duyệt làm căn cứ thanh toán, hỗ trợ theo quy định.


Đối với các hộ gia đình đã xây dựng công trình khí sinh học xử lý chất thải chăn nuôi hoặc làm đệm lót sinh học xử lý chất thải chăn nuôi trước ngày 01/01/2015 (thời điểm Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành) thì không được hỗ trợ theo quy định tại Thông tư này.


Ngân sách nhà nước hỗ trợ 1 lần cho các hộ chăn nuôi sau khi xây mới công trình khí sinh học hoặc làm đệm lót sinh học đáp ứng hướng dẫn kỹ thuật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.


Về hỗ trợ đào tạo, tập huấn: Kinh phí đào tạo, tập huấn về kỹ thuật phối giống nhân tạo gia súc được sử dụng để thực hiện các nội dung chi tổ chức lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật phối giống gia súc. Cụ thể chi hỗ trợ trực tiếp cho người học; chi in ấn tài liệu, văn phòng phẩm, hội trường, trang thiết bị giảng dạy, vật tư thực hành (nếu có); chi bồi dưỡng giáo viên, hướng dẫn viên, thực hành thao tác kỹ thuật.


Mức chi hỗ trợ trực tiếp cho người tham gia khóa đào tạo tập huấn kỹ thuật phối giống gia súc: hỗ trợ tiền ăn tối đa không quá 70.000 đồng/người/ngày thực học; hỗ trợ tiền đi lại theo mức khoán tối đa không quá 150.000 đồng/người/khóa học. Trường hợp thuê chỗ ở cho học viên thì được hỗ trợ 100% chi phí (nếu có).


Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 05/02/2016.


Chính sách quy định tại Thông tư này được thực hiện kể từ ngày 01/01/2015.


Theo chinhphu.vn