Quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng; hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện; hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất;... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2/2016.
Quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng; hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện; hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất;... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2/2016.
Quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng
Nghị định 119/2015/NĐ-CP ngày 13/11/2015 của Chính phủ quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng có hiệu lực từ 10/02/2016.
Nghị định quy định cụ thể về nguyên tắc tham gia bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng; trách nhiệm tham gia bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng; điều kiện triển khai bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng; số tiền bảo hiểm tối thiểu, nguyên tắc xác định mức phí bảo hiểm; quản lý nhà nước về bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Tiêu chuẩn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân
Có hiệu lực từ 01/02/2016, Nghị định số 129/2015/NĐ-CP ngày 15/12/2015 quy định về đối tượng, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục tuyển chọn và chế độ, chính sách đối với công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân; trách nhiệm của các cơ quan tổ chức, cá nhân trong việc tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.
Theo đó, đối tượng được tuyển chọn gồm: Công dân nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ đã đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự. Công dân nữ trong độ tuổi gọi nhập ngũ đã đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự, có trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu của Công an nhân dân, nếu tự nguyện và Công an nhân dân có nhu cầu thì được xem xét, tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.
Nghị định hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia
Nghị định số 131/2015/NĐ-CP ngày 25/12/2015 hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia có hiệu lực từ 15/02/2016. Nghị định được ban hành để hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư, bao gồm: tổ chức và phương thức hoạt động của Hội đồng thẩm định nhà nước; hồ sơ, thủ tục trình thẩm định và nội dung thẩm định dự án quan trọng quốc gia; thuê tư vấn thẩm tra và chi phí thẩm định, thẩm tra dự án quan trọng quốc gia.
Dân quân tự vệ phối hợp bảo vệ biên giới, biển, đảo
Có hiệu lực từ ngày 15/02/2016, Nghị định số 133/2015/NĐ-CP ngày 28/12/2015 của Chính phủ quy định việc phối hợp của Dân quân tự vệ với các lực lượng trong hoạt động bảo vệ biên giới, biển, đảo; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở; bảo vệ và phòng, chống cháy rừng.
Hỗ trợ người đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện
Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện có hiệu lực từ 15/02/2016 (trừ quy định tại Khoản 2 Điều 17 Nghị định này).
Nghị định quy định cụ thể về chế độ hưu trí; chế độ tử tuất; quỹ bảo hiểm xã hội; phương thức đóng; mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện; thay đổi phương thức đóng, mức thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện; hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;...
Quy định về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài
Có hiệu lực từ 15/02/2016, Nghị định số 135/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ quy định về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài. Nghị định được ban hành nhằm triển khai hướng dẫn Luật Đầu tư 2014; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho nhà đầu tư và các đối tượng liên quan triển khai thực hiện; quản lý chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với các hình thức đầu tư gián tiếp ra nước ngoài đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế cụ thể của Việt Nam, góp phần đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Được khai thác thông tin của mình trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Theo Nghị định 137/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật căn cước công dân có hiệu lực từ 15/02/2016, công dân được khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua việc giải quyết thủ tục hành chính, văn bản yêu cầu khai thác thông tin hoặc thông qua dịch vụ viễn thông.
Chế độ chính sách đối với dân quân tự vệ
Theo Nghị định số 03/2016/NĐ-CP ngày 05/01/2016 quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ có hiệu lực từ 20/02/2016, mức phụ cấp trách nhiệm quản lý, chỉ huy đơn vị dân quân tự vệ được tính và chi trả theo tháng, bằng mức lương cơ sở nhân với hệ số quy định.
Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập
Có hiệu lực từ 20/02/2016, Nghị định số 04/2016/NĐ-CP ngày 06/01/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/6/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Trong đó, Nghị định bổ sung quy định điều kiện đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp.
Hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất
Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất có hiệu lực từ 1/2/2016. Quyết định quy định cụ thể về điều kiện hỗ trợ; thời hạn hỗ trợ; hỗ trợ đào tạo nghề; hỗ trợ giải quyết việc làm trong nước; hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số
Quyết định số 64/2015/QĐ-TTg ngày 17/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg ngày 08/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số cư trú tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn có hiệu lực từ 10/02/2016.
Quyết định được ban hành nhằm khắc phục những bất cập của Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg ngày 08 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số cư trú tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; gắn trách nhiệm của doanh nghiệp có sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số, chia sẻ trách nhiệm giữa doanh nghiệp và nhà nước và trong điều kiện tình hình ngân sách nhà nước gặp khó khăn.
Các trường hợp Cảnh sát giao thông được dừng phương tiện
Theo Thông tư số 01/2016/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông có hiệu lực từ 15/2/2016, cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được dừng phương tiện để kiểm soát trong các trường hợp sau: Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ; thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên; thực hiện kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên; tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông...
Theo chinhphu.vn