11:08, 31/08/2015

Không hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại tổ chức kinh doanh chứng khoán

Đây là quy định tại Thông tư 123/2015/TT-BTC do Bộ Tài chính mới ban hành hướng dẫn hoạt động đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam và có hiệu lực từ ngày 1/10/2015.

Đây là quy định tại Thông tư 123/2015/TT-BTC do Bộ Tài chính mới ban hành hướng dẫn hoạt động đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam và có hiệu lực từ ngày 1/10/2015.


Theo Thông tư, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đầu tư trên TTCK Việt Nam dưới 2 hình thức: 1- Trực tiếp hoặc ủy quyền cho đại diện giao dịch, tổ chức kinh doanh chứng khoán mua, bán cổ phiếu, trái phiếu và các loại chứng khoán khác; đầu tư góp vốn, mua, bán, hoán đổi cổ phần theo quy định pháp luật chứng khoán và thị trường chứng khoán; 2- Gián tiếp đầu tư dưới hình thức ủy thác vốn cho công ty quản lý quỹ, chi nhánh tại Việt Nam của công ty quản lý quỹ nước ngoài quản lý.


Thông tư nêu rõ, trước khi thực hiện các hoạt động đầu tư trực tiếp hoặc ủy quyền, nhà đầu tư nước ngoài phải đăng ký mã số giao dịch chứng khoán với Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam thông qua thành viên lưu ký. Còn đối với trường hợp đầu tư gián tiếp thì nhà đầu tư nước ngoài không phải đăng ký mã số giao dịch chứng khoán. Trong trường hợp này, công ty quản lý quỹ, chi nhánh tại Việt Nam của công ty quản lý quỹ nước ngoài cung cấp dịch vụ quản lý tài sản ủy thác của nhà đầu tư nước ngoài được Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam cấp giấy chứng nhận đăng ký mã số giao dịch chứng khoán.


Nhà đầu tư nước ngoài bảo đảm các giao dịch của mình và các giao dịch thực hiện bởi người có liên quan, nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan không nhằm mục đích giả tạo cung, cầu, thao túng giá chứng khoán và các hành vi giao dịch bị cấm khác theo quy định pháp luật.


Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện nghĩa vụ kê khai, nộp và quyết toán thuế, phí, lệ phí liên quan đến hoạt động chứng khoán tại Việt Nam theo quy định pháp luật Việt Nam hoặc ủy quyền cho thành viên lưu ký, tổ chức kinh doanh chứng khoán, văn phòng đại diện của mình, đại diện giao dịch thực hiện nghĩa vụ kê khai, nộp và quyết toán thuế, phí, lệ phí theo đúng quy định pháp luật Việt Nam.


Nhà đầu tư nước ngoài không được xem xét cấp mã số giao dịch chứng khoán trong các trường hợp sau: Đang bị điều tra hoặc đã từng bị cơ quan quản lý có thẩm quyền trong nước hoặc nước ngoài xử phạt về các hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật chứng khoán, hành vi rửa tiền hoặc có các hành vi vi phạm và bị xử phạt hành chính, hình sự trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý ngoại hối, thuế mà chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính hoặc không thực hiện đầy đủ quyết định xử phạt vi phạm hành chính đó.


Sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán


Thông tư nêu rõ, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty đại chúng; doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa theo hình thức chào bán chứng khoán ra công chúng; tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với trái phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán, cổ phiếu của công ty đầu tư chứng khoán, cổ phiếu không có quyền biểu quyết của công ty đại chúng, chứng khoán phái sinh, chứng chỉ lưu ký được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 60/2015/NĐ-CP ngày 26/6/2015 của Chính phủ.


Công ty đại chúng có trách nhiệm xác định ngành, nghề đầu tư kinh doanh và tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty. Danh mục về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với từng ngành, nghề đầu tư kinh doanh (nếu có) thực hiện theo Điều ước quốc tế, quy định pháp luật đầu tư, pháp luật doanh nghiệp và các quy định pháp luật khác có liên quan.


Công ty đại chúng không bị hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 60/2015/NĐ-CP khi muốn hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài thực tế thì phải quy định rõ tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại Điều lệ công ty.


Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại tổ chức kinh doanh chứng khoán là không bị hạn chế, trong đó, tổ chức nước ngoài đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 21 và 24 Điều 1 Nghị định 60 được sở hữu từ 51% trở lên vốn điều lệ của tổ chức kinh doanh chứng khoán; mỗi nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân, tổ chức khác chỉ được sở hữu dưới 51% vốn điều lệ của tổ chức kinh doanh chứng khoán.


Cũng theo quy định của Bộ Tài chính, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa trong tổ chức kinh doanh chứng khoán phải được quy định tại Điều lệ của tổ chức kinh doanh chứng khoán, trừ trường hợp tổ chức kinh doanh chứng khoán không hạn chế sở hữu nước ngoài.


Thông tư có hiệu lực thi hành từ 1/10/2015.


Theo chinhphu.vn