Theo Quy hoạch cơ sở đào tạo lái xe cơ giới đường bộ và trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, từ nay đến 2020 sẽ mở mới 50 cơ sở đào tạo lái xe và 29 trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ.
Theo Quy hoạch cơ sở đào tạo lái xe cơ giới đường bộ và trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, từ nay đến 2020 sẽ mở mới 50 cơ sở đào tạo lái xe và 29 trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ.
Quy hoạch này nhằm phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe với năng lực đáp ứng nhu cầu xã hội, phân bổ hợp lý, tạo thuận lợi cho người dân; đầu tư các cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch có quy mô phù hợp và hiện đại, bảo đảm nâng cao chất lượng nhằm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, góp phần đảm bảo an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông, phát triển kinh tế - xã hội; ưu tiêu đầu tư nâng cấp các cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch hiện có, hạn chế đầu tư mới ở các khu vực đã dư thừa năng lực, khuyến khích đầu tư mới ở các khu vực có nhu cầu nhưng chưa có cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch.
Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2014-2015, Quy hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo, sát hạch, cấp khoảng 1,13 triệu giấy phép lái xe (GPLX) ô tô, bình quân 566.000 GPLX/năm. Con số này sẽ tăng lên 3 triệu GPLX ô tô giai đoạn 2016-2020, bình quân 597.000 GPLX/năm.
Về tỷ lệ giữa số lượng cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ tại thành phố loại đặc biệt (gồm Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) là 4÷6 cơ sở đào tạo lái xe/trung tâm sát hạch. Vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Đông Nam Bộ 3÷5 cơ sở đào tạo lái xe/trung tâm sát hạch. Các vùng còn lại là 2÷4 cơ sở đào tạo lái xe/trung tâm sát hạch.
Mở mới cơ sở đào tạo lái xe phải có tối thiểu 300 học viên
Theo Quy hoạch, giai đoạn 2014-2015, toàn quốc có tổng số 339 cơ sở đào tạo lái xe cơ giới đường bộ, trong đó mở mới 13 cơ sở đào tạo, còn lại 326 cơ sở nâng cấp để tăng năng lực, lưu lượng đào tạo.
Giai đoạn 2016-2020, quy hoạch toàn quốc có tổng số 376 cơ sở đào tạo, trong đó mở mới 37 cơ sở; còn lại là nâng cấp. Định hướng đến năm 2030 tiếp tục nâng cấp để tăng năng lực, lưu lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo, mở mới từ 20-30 cơ sở đào tạo.
Quy hoạch cũng nêu rõ, việc mở mới cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải có lưu lượng đào tạo tối thiểu 300 học viên. Ưu tiên các cơ sở đào tạo được đầu tư theo hình thức xã hội hóa, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.
Từ nay đến 2020, mở mới 29 trung tâm sát hạch lái xe
Đối với trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ, giai đoạn 2014-2020, toàn quốc có tổng số 130 trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ, trong đó mở mới 29 trung tâm. Định hướng đến năm 2030, tiếp tục đầu tư, nâng cấp để tăng quy mô, năng lực sát hạch của các trung tâm hiện có và dự kiến mở mới từ 9-15 trung tâm.
Để thực hiện quy hoạch trên, Bộ Giao thông vận tải đã đề ra các giải pháp như: huy động mọi nguồn lực theo hướng xã hội hóa để mỗi cơ sở đào tạo đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật quy định; ưu tiên đầu tư các trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ, cơ sở đào tạo lái xe có vị trí thuận tiện đi lại; đầu tư phương tiện, thiết bị.
Ngoài ra, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ như: xây dựng các phần mềm phục vụ cho việc giảng dạy, học tập và quản lý; ứng dụng vào phát triển giáo án điện tử; kết nối hệ thống mạng thông tin về đào tạo và sát hạch lái xe…
Theo chinhphu.vn