09:04, 06/04/2014

Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định số 24/2014/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nghị định được áp dụng đối với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố và cơ quan ngang sở (gọi chung là sở).

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định số 24/2014/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nghị định được áp dụng đối với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố và cơ quan ngang sở (gọi chung là sở).


Nghị định gồm 4 chương, 15 điều liên quan tới nguyên tắc tổ chức; vị trí và chức năng của sở; nhiệm vụ và quyền hạn của sở; cơ cấu tổ chức của sở; người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu sở; chế độ làm việc của sở và trách nhiệm của Giám đốc sở; tổ chức các sở thuộc UBND cấp tỉnh; nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND cấp tỉnh.


Theo đó, cơ cấu tổ chức của sở thuộc UBND cấp tỉnh gồm có: văn phòng; thanh tra; phòng chuyên môn, nghiệp vụ; chi cục; đơn vị sự nghiệp công lập. Riêng Văn phòng UBND cấp tỉnh có Cổng Thông tin điện tử.


Nghị định quy định rõ 17 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh được tổ chức thống nhất ở các địa phương gồm: Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Thanh tra tỉnh, Văn phòng UBND.


Bên cạnh đó còn có các sở đặc thù được tổ chức ở một số địa phương như Sở Ngoại vụ, Ban Dân tộc, Sở Quy hoạch Kiến trúc.


Cụ thể, Sở Ngoại vụ được thành lập khi địa phương đó có đường biên giới trên bộ và có cửa khẩu quốc tế hoặc quốc gia. Những tỉnh không có đường biên giới nhưng có khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế mở, khu kinh tế cửa khẩu được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập. Các địa phương có khu du lịch quốc gia hoặc di sản văn hóa được UNESCO công nhận.


Ban Dân tộc được thành lập ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi đảm bảo có 2 trong 3 tiêu chí: có trên 20 nghìn người dân tộc thiểu số sống tập trung thành cộng đồng làng, bản; có trên 5.000 người dân tộc thiểu số đang cần Nhà nước tập trung giúp đỡ, hỗ trợ phát triển; có đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở địa bàn xung yếu về an ninh, quốc phòng; địa bàn xen canh, xen cư; biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số nước ta và nước láng giềng thường xuyên qua lại. Những tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nhưng chưa đáp ứng tiêu chí trên thì thành lập Phòng Dân tộc hoặc bố trí công chức làm công tác dân tộc. Các cơ quan chuyên môn đặc thù khác chỉ được tổ chức khi cần thiết, phù hợp với đặc điểm, tình hình phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước ở địa phương.


Căn cứ tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định, UBND cấp tỉnh xây dựng đề án thành lập cơ quan chuyên môn đặc thù khác, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định.


Nghị định cũng quy định chặt chẽ, chi tiết chế độ làm việc của sở và trách nhiệm của Giám đốc sở. Theo đó, Giám đốc sở chịu trách nhiệm trước UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương và các công việc được UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phân công hoặc ủy quyền. Không chuyển công việc thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình lên UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền hoặc đúng thẩm quyền nhưng không đủ khả năng và điều kiện để giải quyết thì Giám đốc sở phải chủ động làm việc với Giám đốc sở có liên quan để hoàn chỉnh hồ sơ trình UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định...


Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20-5-2014, thay thế Nghị định số 13/2008/NĐ-CP.

Theo Báo điện tử ĐCSVN