Một số giao dịch không được thanh toán bằng tiền mặt; cá nhân bị chết khi bảo vệ an ninh, trật tự được xem xét công nhận là liệt sĩ; cá nhân kinh doanh không được tự in hóa đơn;... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3-2014.
Một số giao dịch không được thanh toán bằng tiền mặt; cá nhân bị chết khi bảo vệ an ninh, trật tự được xem xét công nhận là liệt sĩ; cá nhân kinh doanh không được tự in hóa đơn;... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3-2014.
Một số giao dịch không được thanh toán bằng tiền mặt
Theo Nghị định về thanh toán bằng tiền mặt có hiệu lực từ ngày 1-3-2014, các tổ chức sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch, trừ một số trường hợp được phép thanh toán bằng tiền mặt theo quy định của Bộ Tài chính.
Các tổ chức sử dụng vốn nhà nước không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch, trừ một số trường hợp được phép thanh toán bằng tiền mặt theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Nghị định cũng quy định tổ chức, cá nhân không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch chứng khoán trên Sở giao dịch chứng khoán cũng như trong các giao dịch chứng khoán đã đăng ký, lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán không qua hệ thống giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán.
Các doanh nghiệp không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp. Các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng không sử dụng tiền mặt khi vay và cho vay lẫn nhau.
Cá nhân bị chết khi bảo vệ an ninh trật tự được xem xét công nhận là liệt sĩ
Theo Nghị định số 6/2014/NĐ-CP về biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội thì cá nhân bị chết do trực tiếp tham gia công tác bảo vệ an ninh, trật tự được xem xét công nhận là liệt sĩ.
Cơ quan, cán bộ chuyên trách bảo vệ an ninh, trật tự khi áp dụng biện pháp vận động quần chúng có trách nhiệm thực hiện các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để bảo vệ danh dự, tài sản của các cơ quan, tổ chức; tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản của cá nhân trong áp dụng biện pháp vận động quần chúng.
Đồng thời, thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền thực hiện chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích hoặc bị thiệt hại trong áp dụng biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự theo quy định của pháp luật.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 8-3-2014.
Cá nhân kinh doanh không được tự in hóa đơn
Theo Nghị định số 4/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14-5-2010 thì cá nhân kinh doanh không được tự in hóa đơn để sử dụng cho việc bán hàng hóa, dịch vụ.
Nghị định 4/2014/NĐ-CP cũng bổ sung thêm một số quy định so với quy định hiện hành. Cụ thể, đối với các doanh nghiệp vi phạm về quản lý, sử dụng hóa đơn; doanh nghiệp có rủi ro cao về việc chấp hành pháp luật thuế, Bộ Tài chính căn cứ quy định của pháp luật về quản lý thuế và pháp luật về công nghệ thông tin thực hiện biện pháp giám sát, quản lý phù hợp nhằm thực hiện đúng quy định của pháp luật về hóa đơn.
Doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn tự in có hành vi vi phạm về hóa đơn bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế, gian lận thuế hoặc doanh nghiệp thuộc loại rủi ro cao về thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế thì không được sử dụng hóa đơn tự in mà phải thực hiện mua bán hóa đơn của cơ quan thuế có thời hạn 12 tháng…
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1-3-2014.
Miễn thuế XNK vàng nguyên liệu của Ngân hàng Nhà nước
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định về việc miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với vàng nguyên liệu xuất khẩu, nhập khẩu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Theo đó, từ ngày 15-3-2014, vàng nguyên liệu xuất khẩu, nhập khẩu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp có hiệu lực từ ngày 15-3-2014, mức bồi dưỡng giám định tư pháp một ngày công đối với một người thực hiện giám định quy định trên theo ba mức: 500.000 đồng; 300.000 đồng và 150.000 đồng.
Bên cạnh quy định chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp theo ngày công, Quyết định cũng quy định chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp theo vụ việc.
Đóng BHXH bổ sung để tính hưởng chế độ hưu trí, tử tuất
Theo Quyết định quy định đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bổ sung để tính hưởng chế độ hưu trí và tử tuất quy định tại Khoản 1 Điều 4 Luật BHXH đối với đối tượng hưởng sinh hoạt phí trong Công an nhân dân giai đoạn từ ngày 1-1-1995 đến 31-12-2006, sau đó chuyển thành người hưởng lương, mức đóng BHXH bổ sung hàng năm = Số đối tượng x mức lương tối thiểu chung từng giai đoạn x tỷ lệ đóng x số tháng đóng.
Tỷ lệ đóng BHXH bổ sung bằng 14% mức lương tối thiểu chung/người/tháng thời gian đóng bổ sung.
Kinh phí đóng BHXH bổ sung vào quỹ BHXH đối với đối tượng quy định nêu trên do ngân sách Nhà nước bảo đảm.
Quyết định có hiệu lực từ ngày 26-3-2014.
Hộ nghèo được vay 5 triệu đồng/hộ lãi suất 0%
Theo Thông tư liên tịch hướng dẫn lồng ghép các nguồn vốn thực hiện Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn các huyện nghèo, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay tại ngân hàng thương mại Nhà nước cho hộ nghèo để trồng rừng sản xuất.
Hộ nghèo được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa 5 triệu đồng/hộ với lãi suất 0% (một lần) trong thời gian 2 năm để mua giống gia súc (trâu, bò, dê) hoặc giống gia cầm chăn nuôi tập trung hoặc giống thủy sản.
Cơ sở chế biến nông lâm thủy sản đầu tư trên địa bàn các huyện nghèo được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay tại ngân hàng thương mại Nhà nước. Người lao động thuộc các hộ nghèo, người dân tộc thiểu số được vay vốn với lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay hiện hành của Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng cho đối tượng chính sách đi xuất khẩu lao động.
Bên cạnh đó, hỗ trợ hộ nghèo ở thôn bản, vùng giáp biên giới 15 kg gạo/khẩu/tháng trong thời gian chưa tự túc được lương thực.
Hỗ trợ mỗi huyện nghèo 100 triệu đồng/năm để xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nhất là nông, lâm, thủy đặc sản của địa phương; thông tin thị trường cho nông dân…
Các quy định này được thực hiện từ 28-3-2014.
Nhiều ưu đãi trong giáo dục dành cho người khuyết tật
Theo Thông tư liên tịch quy định chính sách về giáo dục đối với người khuyết tật, có hiệu lực thi hành từ ngày 5-3-2014, người khuyết tật thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học tại các cơ sở giáo dục được hưởng học bổng mỗi tháng bằng 80% mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ trong từng thời kỳ.
Người khuyết tật thuộc đối tượng được hưởng chính sách đang học tập tại cơ sở giáo dục đại học, trung cấp chuyên nghiệp được cấp học bổng 10 tháng/năm học; người khuyết tật thuộc đối tượng được hưởng chính sách đang học tập tại cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập được cấp học bổng 9 tháng/năm học.
Người khuyết tật thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo đang học tại các cơ sở giáo dục được hỗ trợ kinh phí để mua sắm phương tiện, đồ dùng học tập với mức 1.000.000 đồng/người/năm học.
Bên cạnh đó, người khuyết tật học tại các cơ sở giáo dục được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa đơn là 1 năm
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 10/2014/TT-BTC hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn. Theo đó, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa đơn là 1 năm.
Đối với hành vi vi phạm hành chính về hoá đơn dẫn đến trốn thuế, gian lận thuế, nộp chậm tiền thuế, khai thiếu nghĩa vụ thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về thuế là 5 năm.
Cũng theo Thông tư, các nội dung quy định bắt buộc phải đúng trên hoá đơn tự in, hoá đơn điện tử là ký hiệu hoá đơn, ký hiệu mẫu hoá đơn, số hoá đơn. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi tự in hoá đơn, khởi tạo hoá đơn điện tử không đủ một trong các nội dung bắt buộc phải đúng như trên.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 2-3-2014.
Hướng dẫn xử phạt VPHC trong lĩnh vực chứng khoán
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 217/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-3-2014.
Thông tư quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán là 02 năm kể từ ngày chấm dứt hành vi vi phạm đối với vi phạm hành chính đã kết thúc hoặc kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm đối với vi phạm hành chính đang được thực hiện. Ngày phát hiện hành vi vi phạm hành chính là ngày lập biên bản ghi nhận hành vi vi phạm hành chính đó.
Về việc xác định mức tiền phạt đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính hướng dẫn: Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó. Mức trung bình của khung tiền phạt được xác định bằng cách chia đôi tổng số mức tiền phạt tối thiểu và mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt.
Theo chinhphu.vn