Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông tư 06/2013/TT-TTCP quy định quy trình giải quyết tố cáo, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-11-2013, thay thế Thông tư 01/2009/TT-TTCP.
Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông tư 06/2013/TT-TTCP quy định quy trình giải quyết tố cáo, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-11-2013, thay thế Thông tư 01/2009/TT-TTCP.
Thông tư 06 quy định quy trình giải quyết tố cáo, giải quyết lại tố cáo, bao gồm: Việc tiếp nhận, xác minh, kết luận về nội dung tố cáo, việc xử lý tố cáo của người giải quyết tố cáo và việc công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo.
Một trong những điểm mới của Thông tư 06 là mở rộng phạm vi điều chỉnh. Cụ thể, quy trình nghiệp vụ theo Thông tư 01 bắt đầu kể từ khâu thụ lý tố cáo. Còn quy trình mới theo Thông tư 06 bắt đầu ngay khi tiếp nhận được tố cáo thuộc thẩm quyền.
Thông tư 06 cũng bổ sung quy định nghiệp vụ tiếp nhận tố cáo, kiểm tra điều kiện thụ lý tố cáo. Cụ thể, sau khi tiếp nhận tố cáo thuộc thẩm quyền, thì trong thời hạn 10 ngày, người giải quyết tố cáo phải tổ chức việc kiểm tra, xác minh về họ tên, địa chỉ của người tố cáo và các nội dung khác theo quy định. Trường hợp phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn kiểm tra, xác minh có thể dài hơn nhưng không quá 15 ngày.
Đối với tố cáo đủ điều kiện để thụ lý giải quyết thì đơn vị chức năng hoặc người đã kiểm tra, xác minh lập Phiếu đề xuất để trình người giải quyết tố cáo xem xét, quyết định việc thụ lý giải quyết tố cáo.
Xác minh nội dung tố cáo
Về xác minh nội dung tố cáo, Thông tư 06 nêu rõ, trong trường hợp cần thiết, Tổ xác minh làm việc trực tiếp với người tố cáo; yêu cầu người tố cáo cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng để làm rõ nội dung tố cáo.
Bên cạnh đó, tổ xác minh phải làm việc trực tiếp với người bị tố cáo; yêu cầu người bị tố cáo giải trình bằng văn bản về những nội dung bị tố cáo, cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến nội dung bị tố cáo, nội dung giải trình.
Đồng thời, căn cứ kế hoạch xác minh, tình tiết vụ việc hoặc chỉ đạo của người ra quyết định thành lập Tổ xác minh, Tổ xác minh tiến hành xác minh thực tế ở những địa điểm cần thiết để thu thập, kiểm tra, xác định tính chính xác, hợp pháp của các thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến nội dung tố cáo.
Tổ xác minh phải kiểm tra tính xác thực của thông tin, tài liệu, bằng chứng đã thu thập được, chú trọng những thông tin, tài liệu, bằng chứng do người tố cáo cung cấp để tố cáo hành vi vi phạm và thông tin, tài liệu, bằng chứng do người bị tố cáo cung cấp để giải trình, chứng minh tính đúng, sai của nội dung tố cáo.
Tổ xác minh phải đánh giá, nhận định về giá trị chứng minh của những thông tin, tài liệu, bằng chứng đã được thu thập trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật, các nguyên tắc trong giải quyết tố cáo.
Thông tin, tài liệu, bằng chứng được sử dụng làm chứng cứ để kết luận nội dung tố cáo thì phải rõ nguồn gốc, tính khách quan, tính liên quan, tính hợp pháp.
Công khai kết luận nội dung tố cáo
Căn cứ báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo, các thông tin, tài liệu, chứng cứ có liên quan, đối chiếu với các quy định của pháp luật, người giải quyết tố cáo ban hành kết luận nội dung tố cáo.
Người giải quyết tố cáo có trách nhiệm công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 76/2012/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo chinhphu.vn