10:06, 18/06/2012

Quy chế về chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quy chế xây dựng và thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia. Quy chế có hiệu lực từ ngày 25-7-2012.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quy chế xây dựng và thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia. Quy chế có hiệu lực từ ngày 25-7-2012.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mục tiêu của Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia là thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, tạo sự gắn kết hợp lý, có hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài thuộc mọi lĩnh vực, thành phần kinh tế trong một chương trình tổng thể thống nhất; kết nối hoạt động xúc tiến đầu tư với xúc tiến thương mại, du lịch và lĩnh vực liên quan khác.

Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia bao gồm các nội dung cơ bản là: Tuyên truyền, quảng bá môi trường đầu tư của Việt Nam; xây dựng định hướng, chính sách và chiến lược xúc tiền đầu tư; tổ chức hội nghị, hội thảo và chương trình vận động xúc tiến đầu tư; tập huấn, đào tạo và các hoạt động xúc tiến đầu tư khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Xúc tiến đầu tư vào ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế trọng điểm

Đề án xúc tiến đầu tư được đưa vào Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo từng thời kỳ; quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố, vùng kinh tế và quy hoạch, chiến lược phát triển ngành kinh tế - kỹ thuật đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đồng thời, phù hợp với định hướng của Chính phủ về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam và định hướng đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài trong từng thời kỳ; phù hợp với chủ trương xã hội hóa nguồn vốn đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư vào các dự án phù hợp với định hướng phát triển chung.

Bên cạnh đó, có tính chất xúc tiến đầu tư vào ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế trọng điểm theo định hướng thu hút đầu tư từng giai đoạn; trong đó có đánh gia cụ thể về nhu cầu đầu tư, phân tích số liệu, các thông tin cần cập nhật và có giá trị thực tiễn cao.

Các đề án cần có hiệu quả và khả thi về phương thức triển khai, thời gian, tiến độ và nguồn lực; không chồng chéo với các chương trình xúc tiến quốc gia khác. Đơn vị chủ trì phải xây dựng nội dung và kinh phí cho từng năm đối với những đề án kéo dài qua 2 năm tài chính.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm quản lý, theo dõi và tổng hợp việc thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét phê duyệt đưa vào Chương trình các đề án xúc tiến đầu tư theo vùng kinh tế và quyết định địa phương được giao làm đầu mối tiếp nhận, quản lý kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho đề án xúc tiến đầu tư theo vùng đó.

Các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư từng năm và nhiều năm.

Trường hợp phát hiện đơn vị chủ trì có sai phạm trong việc thực hiện mục tiêu, nội dung, tiến độ của đề án, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, quyết định việc chấm dứt đề án và thông báo bằng văn bản tới đơn vị chủ trì và các cơ quan liên quan.

Theo Chinhphu.vn