19:49, 30/06/2024

Vụ lấn chiếm đường đi chung tại xã Cam Phước Tây: Nhiều năm chưa giải quyết xong

MẠNH HÙNG

Gần 60 hộ dân thôn Tân Lập (xã Cam Phước Tây, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) phản ánh bị một số gia đình lấn chiếm đường đi chung, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, nhiều năm nay sự việc này vẫn chưa được các cấp chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm.

Đường đi chung bị lấn chiếm 

Vừa qua, Báo Khánh Hòa nhận được đơn của gần 60 hộ dân thôn Tân Lập phản ánh về việc đường đi chung bị một số hộ dân lấn chiếm, rào đóng sử dụng riêng khiến việc lao động sản xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bà Nguyễn Thị Liên - thôn Tân Lập bức xúc: “Con đường này đã có từ năm 1975. Ngày đó, chính UBND xã Cam Phước Tây đề nghị người dân hiến đất làm đường. Được sự đồng thuận và góp sức của người dân, chính quyền cho xe máy xúc đất mở con đường rộng 4m để người dân đi lại, sản xuất, vận chuyển nông sản. Thế nhưng, đến năm 2017, một số hộ dân lại rào đóng, chiếm đường, khiến gia đình tôi không có đường vào khu đất sản xuất của mình. Toàn bộ diện tích canh tác của gia đình phải bỏ hoang. Chúng tôi đã nhiều lần làm đơn kiến nghị các cấp chính quyền giải quyết, nhưng UBND xã chỉ hẹn mà không giải quyết thỏa đáng cho đến tận bây giờ”.

Con đường bị một số hộ dân lấn chiếm rào đóng.
Con đường bị một số hộ dân rào đóng.

Ông Đặng Trung Trực (sinh năm 1960) - nguyên Chủ tịch UBND xã Cam Phước Tây (giai đoạn 2010 - 2017) cho biết, năm 1975, nơi chúng tôi đang sinh sống là vùng kinh tế mới của huyện Cam Ranh (nay thuộc huyện Cam Lâm). Thời đó, con đường này đã được hình thành, là con đường đất để người dân ra vào khu vực sản xuất, vận chuyển nông sản. Chính gia đình tôi cũng có một mảnh đất tại đây, một mặt giáp với đường nhưng sau này cha mẹ già yếu đã chuyển nhượng. Sau này, do chính quyền địa phương thiếu sự quản lý chặt chẽ dẫn đến con đường bị lấn chiếm, ảnh hưởng đến người dân xung quanh. Việc này đã diễn ra trong thời gian rất dài nhưng không hiểu vì sao UBND xã lại không giải quyết để người dân khiếu nại nhiều lần.

Theo người dân khu vực này, ngay đầu đường có 2 hộ dân đã lấn chiếm, rào đóng không cho ai đi qua. Tháng 5-2022, bà Nguyễn Thị Thanh Thọ (người có quyền lợi bị ảnh hưởng) đã gửi đơn lên UBND xã đề nghị địa phương giải quyết trả lại đường đi chung nhưng không được giải quyết thỏa đáng. Đến tháng 7-2023, các hộ dân nộp đơn tập thể kiến nghị với nội dung tương tự. Sau khi nhận đơn, UBND xã mời người dân đến trụ sở và đến vị trí con đường rất nhiều lần nhưng đến nay vẫn không giải quyết được vụ việc.

Tìm hiểu được biết, 2 thửa đất được cho là lấn đường đi công cộng của hộ bà Nguyễn Thị Loan và ông Nguyễn Văn Hiệp. Trong đó, thửa đất của bà Loan đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, còn thửa đất của ông Hiệp là mua lại từ một người khác vào năm 2004 bằng giấy viết tay chưa thực hiện thủ tục chuyển nhượng theo quy định. Tại biên bản làm việc của UBND xã Cam Phước Tây với các hộ dân liên quan (ngày 17-2-2023), 2 hộ dân được cho là lấn chiếm đã ký vào biên bản đồng ý cắm mốc trả lại hiện trạng tuyến đường. Tuy nhiên, sau đó, 2 hộ này lại không chấp hành như biên bản đã ký. Trao đổi với phóng viên, bà Loan cho biết, trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình bà có thể hiện con đường hơn 2m là lối đi chung. Gia đình sẵn sàng trả lại đất, nhưng khi Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh phối hợp với UBND xã thực hiện cắm mốc đo đạc thì con đường rộng đến hơn 6m, phạm vào đất của gia đình bà rất nhiều. Trong khi đó, UBND xã lại chưa chắc chắn được có đường hay không nên gia đình bà chưa thực hiện việc cắm mốc, thu rào. Phóng viên cũng đã liên hệ với gia đình ông Hiệp nhưng ông này từ chối trả lời.

Cần giải quyết dứt điểm

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 28-4-2023, UBND xã có văn bản thông báo việc giải quyết đơn của một số hộ dân thôn Tân Lập về việc lấy lại đường đi chung bị lấn chiếm. Theo đó, UBND xã xác nhận: “Sau khi kiểm tra hồ sơ địa chính và hiện trạng sử dụng đất, xác định có con đường đi chung như các hộ dân đề cập. Do đó, các hộ dân thống nhất đề nghị UBND xã phối hợp với Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Cam Lâm thực hiện cắm mốc xác định vị trí đường đi; các chủ sử dụng đất chủ động thực hiện việc thu hoạch cây trồng, di dời vật kiến trúc trên đất, trả lại con đường đi”.

Chờ mãi không thấy UBND xã Cam Phước Tây thực hiện di dời hàng rào của các hộ dân để trả lại đường đi chung, bà Thọ đã có văn bản kiến nghị UBND xã Cam Phước Tây đề nghị khẩn trương giải quyết. Tuy nhiên, ngày 26-10-2023, tại văn bản báo cáo cho UBND huyện Cam Lâm, Thanh tra huyện Cam Lâm, UBND xã Cam Phước Tây lại cho rằng: “Đối chiếu với bản đồ địa chính 201 (được đo đạc năm 1991, ký duyệt năm 2002) thì hiện trạng khu vực phản ánh không có đường đất, không có đường bê tông. Các thửa đất được cho là dọc tuyến đường được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp tại thời điểm năm 1998 không thể hiện đường đi. Nhưng khi đối chiếu với bản đồ địa chính VN2000 (bản đồ mới) thể hiện đường bê tông, chiều rộng đo được là từ trên 5m đến 7m. Trong khi các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp theo bản đồ VN2000 có sự không đồng nhất trong việc thể hiện kết cấu con đường: Có thửa thì “đường đất rộng hơn 2m”, lại có thửa “đường bê tông rộng hơn 5m” trên cùng một tuyến đường có chiều dài khoảng hơn 200m. Từ những nội dung trên không thể nói các hộ dân tại khu vực nói trên lấn chiếm đường đi”.

Ông Phạm Thành Hanh - Chủ tịch UBND xã Cam Phước Tây cho biết, sở dĩ vụ việc này kéo dài nhiều năm là do các bản đồ địa chính cũ và mới không đồng nhất. Vì vậy, địa phương không xác định được có con đường hay không. Về 2 văn bản trả lời đơn công dân ngày 28-4-2023 và văn bản báo cáo UBND huyện ngày 26-10-2023 có sự mâu thuẫn là do sơ xuất, vội vàng, chủ quan của cán bộ địa chính xã đã không kiểm tra kỹ các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dẫn đến văn bản trước xác nhận có con đường, văn bản sau lại phủ nhận.

Theo bà Thọ, các thửa đất dọc tuyến đường đều được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chỉ cần địa phương đo đạc, đối chiếu với diện tích các sổ đỏ được cấp thì sẽ biết được phần diện tích dôi ra mà các hộ lấn chiếm. Thế nhưng, UBND xã lại không quyết liệt xử lý. Trong khi chính các hộ dân lấn chiếm cũng ký xác nhận tại cuộc làm việc với UBND xã ngày 17-2-2023.

Tìm hiểu được biết, hiện nay, vụ việc đang được Thanh tra huyện xử lý. Thế nhưng, thời gian giải quyết dứt điểm vụ việc này vẫn chưa xác định. Vụ việc kéo dài đã lâu, do đó, các cấp chính quyền và cơ quan chức năng của huyện Cam Lâm cần quyết liệt hơn nữa để đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân có liên quan.

Ngày 4-4, ông HUỲNH UY VIỄN - Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm chủ trì cuộc tiếp công dân đối với các hộ dân có quyền lợi liên quan đến việc đường đi chung bị lấn chiếm. Tại đây, lãnh đạo huyện đã lắng nghe và ghi nhận ý kiến, nguyện vọng của người dân. Đến ngày 9-4, UBND huyện có thông báo kết luận tiếp công dân với nội dung: UBND huyện tiếp thu tất cả các ý kiến của hộ dân về nguyện vọng khôi phục con đường đất như trước đây. UBND huyện giao Phòng Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tham mưu thành lập Tổ xác minh nguồn gốc đất, bản đồ địa chính qua các thời kỳ… để có cơ sở xem xét, giải quyết đơn của công dân theo đúng quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất tại khu vực trên.

MẠNH HÙNG