Gần đây, thông tin về một phụ nữ lái xe máy ngược chiều trên làn đường cao tốc dành cho ô tô bị tử vong khi xảy ra va chạm với xe bán tải đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Xung quanh vấn đề này, đã có nhiều luồng dư luận khác nhau về ai là người có lỗi. Điều này cũng là một tình huống pháp lý cần làm rõ...
Gần đây, thông tin về một phụ nữ lái xe máy ngược chiều trên làn đường cao tốc dành cho ô tô bị tử vong khi xảy ra va chạm với xe bán tải đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Xung quanh vấn đề này, đã có nhiều luồng dư luận khác nhau về ai là người có lỗi. Điều này cũng là một tình huống pháp lý cần làm rõ...
Sau khi sự việc xảy ra, đã có 2 luồng dư luận khác nhau. Có người bày tỏ sự thương cảm đối với “nạn nhân” tử vong là người điều khiển xe máy; yêu cầu lái xe ô tô phải có trách nhiệm bồi thường cho “nạn nhân”. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần cảm thông, chia sẻ với lái xe ô tô vì họ đã tuân thủ đúng luật giao thông, đi đúng làn đường nhưng vẫn gặp “rắc rối” do lỗi của người khác. Bởi các vụ tai nạn nói trên có nguyên nhân trước hết từ hành vi vi phạm của người điều khiển xe máy khi đi vào đường cao tốc, đường dành riêng cho ô tô. Vậy hiểu vấn đề này thế nào cho đúng?
Luồng ý kiến đầu tiên thì cho rằng pháp luật cấm xe máy lưu thông trên cao tốc chỉ dành riêng cho ô tô, hệ thống biển báo giao thông cũng được lắp đặt đầy đủ nhưng vẫn có cá nhân đi vào đường cao tốc, thậm chí đi ngược chiều là đã tự tạo nguy hiểm cho bản thân và cho cả cộng đồng. Khi ô tô đang lưu thông trên đường cao tốc với tốc độ 90 - 100km/h, việc xử lý các tình huống đi ngược chiều để tránh tai nạn là rất khó, nếu như không muốn nói là không thể, nhất là trong điều kiện đêm tối, đường trơn. Hoặc có quan điểm thẳng thắn hơn, việc điều khiển xe máy đi vào đường cao tốc chỉ dành riêng cho ô tô là hành vi vi phạm. Do đó, bản thân người điều khiển xe máy phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Trong khi đó, có một bộ phận cho rằng, đúng là người phụ nữ đi ngược chiều nhưng lỗi của họ chỉ ở mức vi phạm hành chính, người lái xe ô tô phải có trách nhiệm quan sát trên đường, kịp thời xử lý những tình huống trên đường để đảm bảo an toàn giao thông chứ không thể trong làn đường của mình thì muốn đi sao cũng được. Trong trường hợp này, người tài xế ô tô có thể chưa giữ khoảng cách với xe trước, chưa quan sát đường cẩn thận nên cũng có một phần lỗi…
Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, một luật sư tại TP. Hà Nội đánh giá, đi đúng phần đường là một trong những quy tắc giao thông hàng đầu được quy định trong Luật Giao thông đường bộ. Tại Khoản 1, Điều 9 và Khoản 1, Điều 11 Luật Giao thông đường bộ quy định người tham gia giao thông phải đi đúng phần đường, làn đường quy định; phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ. Đối với vụ việc này, hành vi vi phạm của người điều khiển xe máy đã gây hậu quả rất nghiêm trọng. Cơ quan chức năng cần xem xét có đầy đủ căn cứ để khởi tố vụ án theo Điều 260 về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 hay không? Tuy nhiên, do người duy nhất thực hiện hành vi đã chết nên theo quy định tại Điều 157 của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, cơ quan điều tra sẽ không khởi tố vụ án. Về trách nhiệm dân sự, nếu người phạm tội còn sống, người đó có nghĩa vụ bồi thường mọi tổn thất do hành vi của mình gây ra như chi phí hư tổn xe, chi phí những ngày xe không hoạt động phải thay thế xe khác... Trường hợp này người gây ra tai nạn đã chết nên nếu người đó có tài sản để lại, những người thừa kế của người phạm tội có trách nhiệm sử dụng tài sản đó để bồi thường.
Thực tế, từ lâu đang có một điều gần như “mặc định” khi xảy ra va chạm giao thông đó là phương tiện lớn sẽ đền phương tiện bé; bất luận thế nào thì xe ô tô sẽ phải bồi thường cho xe máy, xe thô sơ… Khi tai nạn xảy ra, dù không sai nhưng lái xe ô tô thường sẽ gặp rất nhiều rắc rối, phiền toái. Xe của họ bị gọi là “xe gây tai nạn”; họ trở thành “người gây tai nạn” và họ phải tốn rất nhiều thời gian để làm việc với cơ quan điều tra, giải quyết các thủ tục pháp lý. Cùng với đó là những yêu sách của người nhà nạn nhân dù nhiều vụ việc, nguyên nhân lại xuất phát từ chính người đã mất.
Vì thế, trong các vụ va chạm giao thông, nhất là những vụ tai nạn liên quan đến xe máy đi ngược chiều trên đường cao tốc dành riêng cho ô tô, dư luận cần có cách nhìn và thái độ đúng đắn, cần thấy rõ hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Thái độ bênh vực người điều khiển xe máy vô hình trung đã dung túng, bao che cho vi phạm. Thái độ đó không chỉ không phải là nhân văn mà có thể là nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn tương tự.
T. K (Theo dangcongsan.vn)