Chiều nay, tổ trưởng dân phố đến nhà phát phiếu đi chợ. Sẵn dịp hỏi thăm nhau, anh kể: anh vốn là công nhân của một công ty ở khu công nghiệp, trong đợt dịch này, công ty yêu cầu thực hiện 3 tại chỗ, nếu muốn đi làm anh phải ở lại.
Chiều nay, tổ trưởng dân phố đến nhà phát phiếu đi chợ. Sẵn dịp hỏi thăm nhau, anh kể: anh vốn là công nhân của một công ty ở khu công nghiệp, trong đợt dịch này, công ty yêu cầu thực hiện 3 tại chỗ, nếu muốn đi làm anh phải ở lại. Nhà anh chỉ có anh là lao động chính, vợ bị bệnh, con còn nhỏ. Cho nên, đồng lương của anh là nguồn thu chủ yếu của gia đình. Anh cũng suy nghĩ nhiều lắm, không đi làm thì không có lương, mà đi làm thì không thể làm công việc của tổ trưởng dân phố. Hàng ngày, anh phải đi phát phiếu đi chợ cho dân, lấy danh sách để hỗ trợ cho người nghèo, kiểm tra tình hình thực hiện giãn cách, cập nhật cho các hộ về những thông tin mới.
Anh nói: “Mình cũng lo cho gia đình mình, cũng sợ mình bị nhiễm bệnh nếu không cẩn thận, nhiều khi cũng mệt mỏi chứ. Nếu đi làm có lương vẫn ổn định hơn. Nhưng mình là tổ trưởng dân phố lâu nay, nếu giờ mình không làm thì ai làm những việc này. Nên thôi, ráng mà làm, mỗi người đóng góp công sức để mau hết dịch thôi”.
Suy nghĩ đó cũng là suy nghĩ của nhiều người khác. Những ngày này, rất nhiều giáo viên đã đăng ký tình nguyện tham gia chống dịch. Họ xung phong đến khu vực phong tỏa để lấy mẫu tầm soát cộng đồng. Nhiều người vốn chỉ quen với bảng xanh phấn trắng, giờ phải trân mình chịu đựng sự nắng nóng của thời tiết và của bộ đồ bảo hộ. Một giáo viên trẻ tâm sự, nếu ai cũng sợ không làm những việc này thì đến bao giờ mới chiến thắng dịch bệnh?
Hay có những người nhiều tuần nay vẫn âm thầm đi vận động, quyên góp để có được những phần quà dành cho người nghèo. Tôi nhớ mãi nụ cười của một phụ nữ khi chị nói: “Nhiều người nói tui làm chuyện bao đồng, nhưng những lúc như thế này, ai cũng dửng dưng thì làm sao? Thôi kệ, bao đồng cũng được, miễn là giúp được nhiều người vượt qua khốn khó…”
Có những sự hy sinh thầm lặng, giản dị như vậy đó. Không ồn ào, không khoe khoang, không cần thành tích, không cần tôn vinh. Chỉ đơn giản là cái tâm vì hàng xóm, vì cộng đồng.
Cần lắm những tấm lòng như vậy…
Bình Nghĩa